Làm theo lời Bác bằng những hoạt động thiết thực

Với suy nghĩ làm theo Bác chính là làm những việc giản dị trong cuộc sống hằng ngày, những năm qua, Hội LHPN P.Long Bình (TP.Biên Hòa) đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ KP.5, P.Long Bình tổ chức khui heo đất. Ảnh: N.Sơn

Một trong những hoạt động phải kể đến đó là việc thực hành tiết kiệm vừa giúp hội viên tạo lập thói quen tiết kiệm cho bản thân, vừa có cơ hội để giúp đỡ hội viên phụ nữ lúc khó khăn.

* Tiết kiệm cho mình

Nhiều năm nay, sáng nào đi chợ về bà Phan Thị Hồng (ở KP.5, P.Long Bình) cũng có thói quen soạn tiền lẻ 1-2 ngàn đồng để nuôi heo đất nhằm hưởng ứng Lời kêu gọi của Chi hội Phụ nữ khu phố. Theo bà Hồng, bình thường vài ngàn đồng là con số rất nhỏ, không đủ để mua một mớ rau nhưng từ vài ngàn đồng mỗi ngày bỏ vào heo đất, lâu ngày sẽ có số tiền lớn hơn, mua được những vật dụng có giá trị trong gia đình. Chưa kể những lúc kẹt tiền chi tiêu, khoản tiền nuôi heo đất cũng giải quyết được phần nào khó khăn cho gia đình.

Không riêng gì bà Hồng mà ở Chi hội Phụ nữ KP.5, hầu hết hội viên đều hưởng ứng phong trào nuôi heo đất.

Chủ tịch Hội LHPN P.Long Bình Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, thi đua thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ, toàn phường có 12/12 chi hội và 325 tổ phụ nữ tổ chức thực hiện với gần 6,5 ngàn hội viên tham gia tiết kiệm dưới các hình thức như: nuôi heo đất, phụ nữ tiết kiệm, phụ nữ tương trợ…

Bà Phạm Thị Bông, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.5 chia sẻ, ngoài phát động hội viên phụ nữ nuôi heo đất cá nhân tại nhà, chi hội còn phát động và trang bị heo đất cho hội viên phụ nữ tại các tổ nuôi heo đất tập thể, đến nay có 28/28 tổ nhận heo đất về nuôi. Mỗi năm, chi hội sẽ tổ chức khui heo đất một lần. Với những heo đất cá nhân nuôi sau khi khui sẽ tùy tâm trích ủng hộ lại cho chi hội trao học bổng, còn lại mang về mua sắm vật dụng trong gia đình. Đối với heo đất tập thể nuôi, sau khi khui sẽ được nhập vào quỹ của chi hội. Quỹ của chi hội ngoài việc dùng để tổ chức các hoạt động của Hội, còn được dùng để thăm hỏi hội viên phụ nữ khi ốm đau, qua đời; tặng học bổng cho con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn…

Không chỉ tiết kiệm bằng hình thức nuôi heo đất mà hội viên phụ nữ P.Long Bình còn tiết kiệm bằng việc tham gia các tổ phụ nữ tiết kiệm.

Bà Nguyễn Thị Hường, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.3 cho hay, từ năm 2008, thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào phụ nữ do Hội LHPN P.Long Bình phát động, Chi hội Phụ nữ KP.3 đã thành lập các tổ phụ nữ tiết kiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các tổ phụ nữ tiết kiệm. Mỗi hội viên phụ nữ tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình để tham gia tiết kiệm với số tiền khác nhau. Hiện nay, Chi hội Phụ nữ KP.3 đã vận động được trên 120 hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm với số tiền bình quân khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.

Bà Hường cho biết thêm, để thu hút hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm, chi hội thực hiện tốt quy chế tiết kiệm, có quỹ đề phòng rủi ro, duy trì việc khen thưởng đối với các hội viên phụ nữ tích cực và vào cuối năm, chi hội sẽ chốt sổ, thanh toán cả vốn lẫn lời cho hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm. Thời điểm chốt sổ thường là gần Tết nên hội viên ngoài việc đóng lại tiền tiết kiệm còn có thêm một khoản để mua sắm tết cho gia đình. Điều này cũng khuyến khích chị em tham gia tiết kiệm.

* Giúp đỡ hội viên lúc khó khăn

Chủ tịch Hội LHPN P.Long Bình Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, tham gia các mô hình tiết kiệm, hội viên phụ nữ không chỉ tạo được thói quen tiết kiệm cho bản thân, gia đình mà còn tạo nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau lúc khó khăn.

20 năm trước, rời vùng đất miền Tây Nam bộ lên Đồng Nai lập nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Thảo thuê phòng trọ để ở và bắt đầu buôn bán tạp hóa nhỏ. May mắn là nơi chị ở trọ có khá đông công nhân lao động nên việc buôn bán của chị khá thuận lợi. Khi tham gia Chi hội Phụ nữ KP.3, P.Long Bình, chị quen biết thêm nhiều người, hiểu đúng về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn tiết kiệm của chị em. Chị Thảo cho biết, bán tạp hóa cần nhiều vốn để xoay vòng. So với các nguồn vốn từ ngân hàng thì nguồn vốn tiết kiệm của chị em khá phù hợp. Chị có thể linh động vay rồi trả trong thời gian ngắn mà không cần thế chấp.

Nhờ nguồn vốn của Hội cộng với sự linh hoạt của bản thân, đến nay chị Thảo đã làm ăn khấm khá, không chỉ sở hữu nhiều bất động sản mà còn làm chủ một tiệm tạp hóa lớn, 1 tiệm bán đồ ăn sáng và 1 quầy bán thực phẩm tươi sống.

Cũng như chị Thảo, chị Đào Thị Út Hào (ngụ KP.5A) nhờ có nguồn vốn tiết kiệm của Hội mà có cuộc sống ổn định như hiện nay. Chị Út Hào chia sẻ, chị từ tỉnh Bắc Giang vào Đồng Nai đến nay đã 17 năm. Hơn 10 năm đầu, chị đi làm phụ hồ; làm thuê cho các trại nuôi heo, gà, cá… và dành dụm mua được một mảnh đất ở P.Long Bình. Năm 2015, với số vốn 30 triệu đồng mượn từ nguồn vốn tiết kiệm của chi hội, chị Hào đầu tư làm chuồng trại và mua 1 con heo giống. Từ con heo giống, chị phát triển dần thành đàn heo 30, 60 con, thậm chí đỉnh điểm là 200 con.

Năm 2017, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, heo rớt giá, chị chuyển sang nuôi cá. “Mặc dù kinh tế gia đình tôi đến nay đã ổn định hơn nhưng vì mới chuyển đổi sang nuôi cá vẫn cần khá nhiều vốn nên mới đây được chi hội tạo điều kiện, tôi mượn 100 triệu đồng để cải tạo lại ao, mua cá giống và thức ăn… Hy vọng số vốn đầu tư hiện tại sẽ giúp 2 ao cá của gia đình tôi phát triển, cho sản lượng cá cao nhất” - chị Hào nói.

Nga Sơn