Hoa sữa Thu này...

Có danh ngôn rằng: Thiên tài khiến người ta kinh ngạc, nhân cách khiến người ta kính phục. Võ Nguyên Giáp là một thiên tài mang nhân cách lớn. Ông đứng đầu tập thể chỉ huy chiến đấu đánh bại hai đế quốc xâm lược lớn nhất thế kỷ, trở thành huyền thoại của lịch sử. Tấm lòng của ông đối với nước, với dân, với Đảng, với vận mệnh dân tộc và tâm thế ông ứng xử với thời cuộc… đã dựng nên một huyền thoại giữa đời thường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Do điều kiện công tác mà tôi may mắn được nhiều lần gặp Bác Văn - Đại tướng. Mỗi lần được gặp Người là một kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi về một vị tướng lỗi lạc, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam được cả thế giới kính phục. Đặc biệt, ấn tượng nhất đối với tôi là những ứng xử bặt thiệp của Người, một nhà văn hóa lớn, người con ưu tú của Quảng Bình mà tôi vinh dự được làm người đồng hương thế hệ con cháu.

Năm 1977, lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng. Hồi đó tôi đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Dạo đó vào dịp cuối năm, Đại tướng về thăm quê Lệ Thủy rồi ra thăm Đồng Hới. Buổi tối, lãnh đạo thị xã tổ chức đón tiếp Đại tướng và phu nhân ở rạp hát Đồng Sơn. Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình được cử đội văn nghệ ra biểu diễn phục vụ. Tôi là “cây tấu nói” của đội nên được đi đón tiếp và biểu diễn cho Đại tướng xem. Sau phần biểu diễn, Đại tướng và lãnh đạo tỉnh lên tặng hoa toàn đội văn nghệ.

Đại tướng bắt tay từng diễn viên. Đến lượt tôi, Người hỏi: “Cháu quê ở mô?”. Tôi thưa là ở huyện Tuyên Hóa. Đại tướng nói: “Lúc nãy nếu cháu đọc tấu theo giọng Tuyên Hóa chắc sẽ hay hơn nữa”. Câu nói của Đại tướng khiến tôi rất ngượng. Chả là khi diễn bài tấu nói “Anh cu Sây” của soạn giả Ngọc Tranh, tôi đã kể theo giọng Đồng Hới, nhiều âm vần tựa như tiếng Huế. Chắc là Đại tướng nhận ra tôi “nhại” giọng nên nhắc khéo…

Mùa xuân năm 1979, tôi đi thực tập tốt nghiệp sự phạm ở trường cấp 2 xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, ngay tại làng của Đại tướng. Nhiều đêm tôi ngồi trên cầu Ông Giáp ngắm những con thuyền chở lúa lướt trên dòng Kiến Giang… Tôi đã làm bài thơ “Mái tóc và dòng sông” ca ngợi đất và người Lệ Thủy. Hơn 10 năm sau, khi đã tốt nghiệp đại học báo chí và về công tác ở báo Quân đội nhân dân, tôi mới có dịp được đọc bài thơ ấy cho Đại tướng nghe. Dịp ấy, Hội đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội tổ chức gặp mặt đầu Xuân 1991 tại hội trường Đại học Bách khoa. Đại tướng và gia đình đến dự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng gia đình tác giả. Ảnh: Trần Hồng.

Năm ấy Người đã thượng thọ 80 tuổi, nhưng vẫn rất bặt thiệp. Đại tướng đến tận ghế ngồi bắt tay nhiều cụ già trước khi lên đứng giữa sân khấu nói chuyện và chúc Tết bà con đồng hương. Xong, Người định bước xuống thì Ban tổ chức giới thiệu tôi lên đọc bài thơ viết về quê hương Lệ Thủy, thế là Đại tướng dừng lại bên cánh gà sân khấu, chờ tôi đọc xong bài thơ thì đến bắt tay tôi và khen thơ hay. Tôi vô cùng sung sướng và tự biết: Sự đối xử ấy không phải là vì bài thơ mà vì Đại tướng là một nhân cách văn hóa mẫu mực trong từng hành vi ứng xử thường ngày.

Sau lần đọc thơ trên đây, tôi còn nhiều dịp được gặp Đại tướng, khi thì tại nhà riêng của Người, khi thì tại những cuộc hội họp, khi là do công việc làm báo, khi là vì những quan hệ con cháu, đồng hương… May mắn nhất là mùa Thu năm 2006, gia đình tôi được đến chúc mừng Đại tướng thượng thọ 95 tuổi. Sinh nhật Đại tướng là ngày 25/8, biết rằng vào ngày ấy có rất nhiều khách, nên chúng tôi đợi hai hôm sau, nhằm ngày Chủ nhật (27/8/2006) mới xin phép vào chúc thọ Đại tướng.

Gia đình Đại tướng đồng ý thu xếp cho chúng tôi vào cuối giờ chiều và dặn chỉ đi ít người thôi, vì mấy hôm nay Đại tướng tiếp khách nhiều. Chúng tôi báo cáo số lượng thành viên gia đình và xin phép mời thêm anh Trần Hồng đi cùng. Đại tá Trần Hồng là phóng viên báo Quân đội nhân dân đã chụp hàng ngàn kiểu ảnh về Đại tướng trong nhiều chục năm qua. Vì thế, đề nghị của tôi được gia đình Đại tướng đồng ý.

Đúng giờ hẹn, chúng tôi được dẫn vào phòng khách của tư gia Đại tướng trên đường Hoàng Diệu. Chị Võ Hồng Anh, trưởng nữ cùng phu nhân của Đại tướng thu xếp cho chúng tôi ngồi ở bộ sa-lông gỗ xếp theo hình chữ U, vị trí chính giữa dành cho Đại tướng. Vừa ổn định xong chỗ ngồi thì Đại tướng chậm rãi bước ra từ căn phòng phía trong.

Hôm ấy Người mặc com-lê thường phục nên càng gần gũi thân thương như một người ông đón đàn con cháu. Tôi hiểu, đây cũng là một cử chỉ ưu ái Đại tướng dành cho chúng tôi. Tôi thay mặt gia đình chúc mừng Đại tướng thượng thọ 95 tuổi. Vừa nghe đến đây, Người khoát tay nhắc: “95 tuổi là hôm kia, còn hôm nay là 96 rồi”. Mọi người cùng cười vui trước sự dí dỏm và mẫn tiệp của Người.

Không khí từ đó trở đi càng thêm ấm cúng tự nhiên. Đại tướng ân cần hỏi chuyện học hành của các con chúng tôi, nhắc nhở các cháu phải chăm học môn lịch sử dân tộc. Tôi nhắc lại chuyện 30 năm trước đọc tấu cho Đại tướng và phu nhân nghe ở Đồng Hới. Đại tướng hỏi có còn bức ảnh hôm ấy không? Tôi thưa, ngày ấy thấy có mấy người chụp ảnh, nhưng không biết họ là ai và ở đâu mà xin một tấm làm kỷ niệm.

Trong thẳm sâu lòng mình, tôi thầm mong một ngày nào đó mình xứng đáng được “chụp riêng” với Đại tướng một tấm ảnh kỷ niệm, như biết bao cháu bé, cụ già, cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh... đã vinh dự được “chụp riêng” với Đại tướng. Tiếc rằng cơ hội ấy đã vĩnh viễn khép lại vào một ngày cuối Thu năm 2013, cách nay tròn 10 năm.

Anh Trần Hồng xen vào: “Cháu đi theo Đại tướng từ lâu mà chưa bao giờ được chụp ảnh với Đại tướng, hôm nay xin phép…”. Đại tướng xua tay, giọng thân mật nhưng rành rọt: “Anh chỉ được phép chụp chung với mọi người thôi. Ai cũng muốn chụp riêng như anh thì tôi làm sao đáp ứng được?”. Tôi nhân đà vui vẻ cũng đề nghị: “Thưa Đại tướng, cho cháu được chụp riêng một kiểu để “bù” cho tấm ảnh 30 năm trước!”. Đại tướng lại xua tay:

- Anh cũng chỉ chụp chung thôi! Nào cả nhà cùng chụp một tấm ảnh kỷ niệm…

Chúng tôi nhanh chóng đứng lên xếp hàng phía sau Đại tướng. Con trai tôi ngồi hàng trước, được Đại tướng cầm tay cho xích lại gần hơn. Đúng giây phút vô giá ấy, nghệ sĩ Trần Hồng bấm máy. Đó là bức ảnh quý nhất của gia đình chúng tôi hiện nay. Và cũng từ đó đến nay, mỗi khi nhớ lại chuyện “anh cũng chỉ được chụp chung thôi”, tôi lại càng kính phục sự tinh tế, cẩn trọng rất nguyên tắc của Đại tướng trong mọi trường hợp, cảnh huống.

Trong thẳm sâu lòng mình, tôi thầm mong một ngày nào đó mình xứng đáng được “chụp riêng” với Đại tướng một tấm ảnh kỷ niệm, như biết bao cháu bé, cụ già, cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh... đã vinh dự được “chụp riêng” với Đại tướng. Tiếc rằng cơ hội ấy đã vĩnh viễn khép lại vào một ngày cuối Thu năm 2013, cách nay tròn 10 năm.

Một thập niên đã trôi qua, trong tôi vẫn khôn nguôi ngày quân và dân Thủ đô cùng đồng chí, đồng bào cả nước tiễn đưa Đại tướng trở về an nghỉ trên quê hương Quảng Bình. Nước mắt thương tiếc Bác Hồ muôn vàn kính yêu mùa Thu năm nao, lại đầm đìa trên gương mặt các thế hệ người dân nước Việt ngày tiễn đưa Đại tướng. Bài thơ “Hoa sữa Thu này” tôi viết khóc Người hôm ấy, kết thúc như sau:

Để ngợi ca, thơ chẳng dám gieo vần

Trước một Vĩ nhân -

Tượng đài bất tử!

Con lặng lẽ trong dòng người lặng lẽ

Trong rưng rưng hoa sữa Thu này….

Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng