Hé lộ loạt doanh nghiệp 'bí ẩn', doanh thu cả chục nghìn tỷ nhưng lác đác vài nhân viên

Hé lộ loạt doanh nghiệp 'bí ẩn', doanh thu cả chục nghìn tỷ nhưng lác đác vài nhân viên

Điểm qua các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thể thấy số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu vài nghìn tỷ mỗi năm đã là khá hiếm, còn doanh thu cỡ hàng chục nghìn tỷ/năm thì chỉ xuất hiện ở một số "ông lớn" quen mặt, danh tiếng và đầu ngành như Vietjet Air, Ô tô Trường Hải, Sabeco... hoặc các ngân hàng với số lượng nhân sự cả nghìn người.

Tuy nhiên, khá bất ngờ khi một số doanh nghiệp phi niêm yết cũng đạt được con số ấn tượng này, càng đặc biệt hơn khi cơ cấu nhân sự lại vô cùng mỏng manh, chỉ trên dưới chục người.

Trong đó, phải kể đến Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Tín Phát, một doanh nghiệp được thành lập vào đầu tháng 7/2005. Trải qua gần 16 năm xây dựng và phát triển, đến nay doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng, do bà Lê Thị Bích Vân (sinh năm 1981) là người đại diện kiêm tổng giám đốc.

Mặc dù Tín Phát có tên "gợi" mở về hoạt động xây dựng, bất động sản song doanh nghiệp của bà Vân lại có ngành nghề kinh doanh chính là ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Theo dữ liệu mà VietnamFinance có được, Tín Phát bắt đầu gia nhập câu lạc bộ "nghìn tỷ" kể từ năm 2018. Cũng từ giai đoạn này, tổng tài sản của Tín Phát cũng tăng lên một cách nhanh chóng, từ 3 tỷ đồng vào năm 2017 vọt lên mức 3.177 tỷ đồng sau đó một năm và neo ở mức 5.554 tỷ đồng (năm 2019).

Đối ứng bên nguồn vốn, doanh nghiệp chủ yếu dựa vào các khoản nợ bên ngoài khi vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 100 tỷ đồng vào năm 2019, cá biệt năm 2017 vỏn vẹn vài trăm triệu đồng.

Bước chuyển mình đáng chú ý này của Tín Phát bắt đầu kể từ khi Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) thoái toàn bộ 66% vốn tại doanh nghiệp này. Đồng thời bà Vân cũng tiếp nhận ghế tổng giám đốc từ tay ông Đỗ Mạnh Hoàng.

Tính đến cuối năm 2019, cơ cấu nhân sự của Tín Phát chỉ lác đác 18 nhân viên. Cần nhấn mạnh thêm rằng, bất chấp doanh thu tăng đột biến là vậy, song lợi nhuận mà doanh nghiệp ghi nhận rất "bé hạt tiêu", dao động từ 2 tỷ đến 4 tỷ đồng mỗi năm.

Cũng có những nét tương đồng với Tín Phát, đó là Công ty Cổ phần Kinh doanh thương mại Thịnh Phát, doanh nghiệp có trụ sở chính ở số 52, Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thịnh Phát được sáng lập bởi 3 cá nhân là: ông Lê Anh Dũng, sở hữu 70% vốn; ông Nguyễn Quang Long (sinh năm 1981) và bà Đoàn Thị Thanh Vân sở hữu mỗi người 15% vốn còn lại. Được thành lập từ ngày 26/10/2015 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến nay trải qua gần 6 năm vận hành, doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận đợt điều chỉnh vốn nào.

Người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc khi đó là ông Dũng (sinh năm 1983), tuy nhiên đến tháng 7/2020, Thịnh Phát đã có tân chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc là ông Dương Văn Can, sinh năm 1992.

Mặc dù chỉ có vỏn vẹn 6 nhân viên, thế nhưng doanh số mỗi năm của Thịnh Phát thực sự đáng nể. Trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của Thịnh Phát tăng phi mã từ gần 1.260 tỷ đồng lên mức cao nhất là 12.150 tỷ đồng vào cuối chu kỳ.

Cùng với đó, sức vóc doanh nghiệp cũng được cải thiện mạnh mẽ, tổng tài sản từ 820 tỷ đồng đã nảy nở ra 6.220 tỷ đồng. Tuy nhiên phần lớn tài sản tăng thêm được hình thành từ nợ phải trả, do vốn chủ sở hữu vẫn đứng yên ở mức hơn 100 tỷ đồng.

Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của Thịnh Phát cũng rất khiêm tốn. Mặc dù doanh số tăng nhanh cả chục nghìn tỷ đồng, thế nhưng doanh nghiệp chỉ có lãi vài tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy Thịnh Phát đang khá mạo hiểm, khi mạnh tay vay nợ bất chấp hiệu quả sử dụng vốn không hề cao, sức ép trả lãi vay có thể đã bào mòn các khoản lợi nhuận.

Một thành viên trong câu lạc bộ "nghìn tỷ" kiệm người lao động khác là Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàn Kiếm, doanh nghiệp được thành lập vào ngày 26/10/2015; trụ sở chính tại số 12 Trương Hán Siêu, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đầu tư Hoàn Kiếm được sáng lập từ 3 cá nhân là ông Nguyễn Văn Mạnh (sở hữu 60% vốn), bà Nguyễn Thị Hồng Bưởi (20% vốn) và Đào Minh Chức (20% vốn) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Đến nay, doanh nghiệp ghi nhận 30 nhân sự trong đó ông Nguyễn Quang Long (sinh năm 1981) là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc kiêm người đại diện; bà Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1982) và ông Đỗ Quang Hưng (sinh năm 1987) là thành viên HĐQT; bà Bùi Thị Thanh Vân là kế toán trưởng...

Một điểm khá thú vị, đó là chủ tịch HĐQT của Đầu tư Hoàn Kiếm cũng là cổ đông sáng lập của Thịnh Phát. Và ngoài ông Long, một thành viên ban lãnh đạo khác của Đầu tư Hoàn Kiếm cũng liên quan đến Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không, một tập đoàn lớn có trụ sở tại Hà Nội và cũng là cổ đông lớn tại Vigecam...

Về kết quả kinh doanh, tương tự các doanh nghiệp nêu trên, Đầu tư Hoàn Kiếm có doanh thu cao nhất trong những năm gần đây là 11.640 tỷ đồng, thấp nhất là gần 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận của doanh nghiệp dường như không biến động theo doanh số, vẫn chỉ đì đẹt ở mức 1 đến 5 tỷ đồng.

Trong khi tài sản lên đến 5.550 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Đầu tư Hoàn Kiếm chỉ chiếm hơn 100 tỷ đồng, còn lại cấu thành từ các khoản nợ phải trả.

Một doanh nghiệp khác có cùng nét tương đồng, đó là Công ty Cổ phần Cbot Việt Nam, doanh nghiệp buôn bán nguyên liệu, thức ăn cho gia súc gia cầm có doanh thu tăng trưởng đều đặn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng quy mô nhân sự chỉ có 15 người.

Cbot Việt Nam được thành lập vào ngày 9/7/2014, từ 3 cổ đông là ông Bùi Anh Tuấn (sở hữu 87,3%), bà Nguyễn Thị Ngọc Mai và bà Lê Thị Lý sở hữu gần 13% vốn còn lại. Vốn điều lệ ban đầu là 40 tỷ đồng.

Đến tháng 3/2019, vốn điều lệ của Cbot Việt Nam tăng gấp 10 lần lên 400 tỷ đồng, bên cạnh đó ông Tuấn giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 40%, còn lại 2 cổ đông sáng lập đã thoái toàn bộ vốn.

Kể từ khi quy mô vốn ít ỏi, doanh thu của Cbot Việt Nam đã đạt hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016, doanh nghiệp ghi nhận 4.870 tỷ đồng doanh số và tăng mạnh lên 16.317 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, không chỉ có lợi nhuận ì ạch, doanh nghiệp của chủ tịch Bùi Anh Tuấn còn lỗ ròng 8 tỷ đồng vào năm 2016 và lỗ đến 54 tỷ đồng vào năm 2018. Chỉ đến năm 2019, doanh nghiệp mới ghi nhận lợi nhuận dương trở lại.

Với quy mô tài sản lên đến 6.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ dao động từ 100 - 200 tỷ đồng, tăng mạnh nhất vào năm 2019 với 400 tỷ đồng. Điều này cũng có nghĩa, Cbot đang dựa gần như hoàn toàn vào vốn vay bên ngoài, với khoản nợ phải trả lên đến hơn 5.800 tỷ đồng.

Việt Anh