Hà Nội - Nơi hò hẹn của thi ca

Đường thơ trưng bày những câu thơ của các thi nhân Việt Nam

Du xuân trong không gian của thi ca

Từ năm 2002, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (Khóa 7) đã quyết định tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Thế là thành thông lệ, hàng năm, cứ đến Rằm tháng Giêng (ngày này năm Mậu Tý 1948, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã viết bài thơ “Nguyên tiêu”) sẽ diễn ra các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức long trọng. Mở đầu bằng lễ kéo lá cờ thơ, rồi ngâm đọc bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước, ngâm thơ, bình thơ… Ở lần thứ 2 tổ chức, cũng tại không gian của Văn Miếu, Ngày thơ Việt Nam có chủ đề “Thơ Việt Nam - Truyền thống và đổi mới”.

Đến nay, qua 22 lần tổ chức, Ngày thơ Việt Nam luôn chọn à Nội làm nơi diễn ra (trừ 3 năm tạm dừng do đại dịch Covid-19). Sau đại dịch, năm 2023 và 2024, Ngày thơ Việt Nam có mở rộng hơn về không gian tổ chức, thay vì Văn Miếu là Hoàng thành Thăng Long. Nhưng dù diễn ra ở Văn Miếu hay Hoàng thành Thăng Long thì đây đều là không gian văn hóa thiêng liêng, phù hợp để thơ ca cất tiếng vì những điều tốt đẹp. Với không gian rộng rãi hơn, Ngày thơ Việt Nam nhờ đó có nhiều hoạt động hơn, diễn ra trong 2 ngày với tọa đàm, trình diễn thơ, quán thơ, ngâm thơ, chương trình nghệ thuật…

Có một điều không thể không nhắc tới về Ngày thơ Việt Nam, đó là thường diễn ra trong những cơn mưa xuân. Trong bầu không khí rạo rực dễ làm lòng người xao động ấy, những vần thơ được cất lên như mang cả mùa xuân đến với thi nhân, mặc khách. Những quán thơ tấp nập người tới thưởng thơ, dăm ba câu chuyện đầu xuân cùng những lời bình thơ, ngâm thơ khiến cho ngày hội đậm đà màu sắc thi ca. Trong những người tới thưởng thơ có cả các em nhỏ đi cùng cha mẹ, ông bà. Đây là một cách du xuân đầu năm khá tiện lợi với người dân Thủ đô - một cách đi hội văn minh và cũng là một cách giáo dục trẻ nhỏ yêu thơ ca ngay từ khi thơ bé.

Nhà ký ức - nơi trưng bày kỷ vật của các nhà thơ

Dù mỗi năm Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với một chủ đề khác nhau và mỗi chủ đề đều có ý nghĩa riêng, nhưng nó đều hội tụ những tư tưởng nhân văn sâu sắc và truyền cảm hứng tới tất cả mọi người. Đó không chỉ là sự khuấy động, kích thích không khí thơ, biến nó thành ngày hội trong sinh hoạt, sáng tạo và thưởng thức, giao lưu của công chúng và thi nhân, mà còn là sự tái hiện, hội nhập, tiếp bước, nâng cao, làm hiển minh nhưng giá trị thi ca, lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc tự ngàn xưa. Và về một ý nghĩ sâu thẳm khác, ngày thơ còn là sự biết ơn tiền nhân, tôn vinh thi ca quá khứ và kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca tương lai. Đến nay, Ngày thơ Việt Nam càng được hoàn thiện hơn theo hướng đa dạng hóa về nội dung, lễ hội hóa về phương thức tổ chức, thu hút hàng triệu nhà thơ và công chúng yêu thơ trong và ngoài nước tham gia.

Động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Nét độc đáo của Ngày thơ Việt Nam không chỉ ở sự thống nhất trong cùng một thời gian mà ở tính tư tưởng cũng thể hiện rõ việc không chỉ tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ, mà điều rất quan trọng là giới thiệu thơ ca đương đại Việt Nam trong quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, góp phần xây dựng nhân cách, tâm hồn người Việt. Nhìn qua 22 lần tổ chức có thể thấy, Hà Nội luôn được lựa chọn làm nơi hội tụ những người yêu thơ và là nơi diễn ra các hoạt động. Bởi Thủ đô từ lâu đã nơi hò hẹn của thi ca. Điều đó được minh chứng từ những sáng tác thi ca về Hà Nội đều thuộc hàng dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng. Hà Nội cũng là nơi hội tụ các nhà thơ hàng đầu Việt Nam. Nói như nhà thơ Bằng Việt, “Hà Nội là mảnh đất “trăm hương đổ về”, luôn tập hợp tinh hoa văn hóa từ các vùng đất khác”. Hay nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn nhá: “Các nhà thơ, nhà văn muốn thành tài thì phải về Hà Nội, gạn đục khơi trong ở mảnh đất này mới thổi bùng nên tên tuổi và tài năng của mình”.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, chúng ta tự hào về nền văn học Thăng Long - Hà Nội từ xưa đến nay với hàng nghìn văn sĩ thể hiện khát vọng hòa bình của toàn dân tộc. Hà Nội là thành phố giàu có, đặc sắc về di sản văn hóa bởi sự hội tụ tinh hoa ngàn đời của văn hóa Thăng Long hòa quyện với văn hóa xứ Đoài, Kinh Bắc làm nên bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Một lĩnh vực đặc biệt tinh tế là văn học nghệ thuật và từ xưa đến nay, văn học nghệ thuật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội cũng như xây dựng con người Thủ đô thanh lịch. Thành phố Hà Nội tổ chức Ngày thơ Thăng Long - Hà Nội, hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức như một sự kiện văn hóa khai xuân, nhằm động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo để có thêm những tác phẩm văn học nói chung và thơ nói riêng có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công chúng, đổi mới trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy đời sống tâm hồn lành mạnh, khát vọng hòa bình, thịnh vượng.

Như vậy, Ngày thơ Việt Nam đã là một sự kiện không thể thiếu của Thủ đô khi đất trời còn nồng nàn hương vị mùa xuân. Hơn thế, đây còn là dịp để tôn vinh các nhà thơ Hà Nội nói riêng và nhà thơ Việt Nam nói chung đã có đóng góp vào nền thi ca cách mạng nước nhà.