Giúp người dân, HTX làm giàu từ cây dược liệu

Theo báo cáo và khảo sát của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có hơn 600 HTX dược liệu, sản xuất trên diện tích 3.000ha để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, các HTX cũng thực hiện sơ chế và chế biến sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao.

Khó đầu ra

Tại các địa phương, nhiều HTX dược liệu đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân từ hoạt động sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến. Tiêu biểu như HTX Thiên An (Bắc Kạn) đang liên kết với người dân trồng dược liệu, sau đó thu mua để sấy khô và chế biến thành các sản phẩm như thuốc tắm, thuốc xoa bóp, gối thảo dược, cao, thảo dược ngâm chân… Doanh thu năm 2022 và dự tính năm 2023 của HTX là 3 tỷ đồng. Hoạt động của HTX đang giúp bảo tồn và phát triển cây dược liệu, thảo dược của địa phương đồng thời giúp nhiều người dân thoát nghèo.

Riêng mô hình sản xuất của HTX đang tạo việc làm cho 50 lao động, với thu nhập nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Đây đều là lao động nữ là người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn xã. Ngoài ra HTX còn giúp hàng chục hộ gia đình có nguồn thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhờ liên kết trồng, sản xuất, thu hái dược liệu.

Hay như HTX Thảo mộc Việt (Tuyên Quang) đang trồng và chế biến các loại trà thảo mộc. Mô hình này đang giúp 5 lao động và hàng chục thành viên có thu nhập ổn định, nhiều gia đình tham gia HTX đã đủ ăn, vươn lên thoát nghèo.

Dù đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế, giảm nghèo tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên theo không ít HTX trồng và sản xuất dược liệu trong quá trình sản xuất và kinh doanh, họ vẫn gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn đó chính là đầu ra cho dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.

Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Bản Dao Thống Nhất (Hòa Bình), cho biết hiện các thành viên chủ yếu bán hàng bằng phương thức truyền thống. Việc bán hàng qua kênh hiện đại với các thành viên còn nhiều khó khăn do thành viên chủ yếu là nông dân nên nghèo kiến thức, khó đưa sản phẩm lên các sàn thương mại, trang online.

Bà Nguyễn Thị Băng, Chủ tịch HĐQT HTX Dược liệu An Phúc Khang Đăk Nông, cho rằng không chỉ bán dược liệu thô khó khăn mà ngay cả khi các thành viên đã chế biến thành các loại cao, tinh dầu thì cũng không dễ tiêu thụ vì các sản phẩm chữa bệnh, sản phẩm phục vụ sức khỏe con người dù là sản xuất từ dược liệu vẫn có yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt, đòi hỏi được ngành y tế và các nhà khoa học nghiên cứu, chứng nhận mới có tính thuyết phục.

Ngoài vấn đề đầu ra, một vấn đề hiện nay là nhiều cây dược liệu đang trồng theo hình thức xen canh, quy mô sản xuất không lớn. Có những loại dược liệu đang nằm rải rác trên rừng nên dẫn tới tình trạng chỉ bán được với số lượng nhỏ, việc thực hiện các hợp đồng, dự án giá trị kinh tế lớn còn hạn chế. Đó là chưa kể đến việc nhiều người đặt mua một số loại dược liệu quý với giá cao cũng dẫn đến tình trạng tận diệt, khai thác non…

Giá cao, khó cạnh tranh

Dưới góc độ là người đồng hành cùng nông dân, HTX và doanh nghiệp dược liệu, PGS.TS. Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng Bộ môn Thực vật Trường đại học Dược Hà Nội, cho biết các HTX hiện nay có quy mô nhỏ nên không dễ tiếp cận các kết quả nghiên cứu cho mục đích thương mại. Điều này dẫn đến dù đã bắt tay vào sản xuất, chế biến nhưng các sản phẩm dược liệu còn mang tính đại chúng, không có sự khác biệt. Trong khi các kết quả nghiên cứu dược liệu lại thường bị cất vào ngăn tủ sau khi nghiệm thu với nguyên nhân chính là không đáp ứng được vấn đề về tài chính và tư vấn.

Người dân ở Lào Cai nâng cao thu nhập, giảm nghèo từ cây dược liệu.

Bên cạnh đó, nguồn giống dược liệu ở Việt Nam còn chưa tốt, chủ yếu là giống nguyên thủy, chưa được nâng cấp. Đi liền với đó là công nghệ ươm trồng, bào chế, chiết xuất của HTX, doanh nghiệp còn rất hạn chế so với nhiều nước, nên các sản phẩm từ dược liệu hoặc dược liệu thô bán ra với giá quá cao.

Cụ thể như sâm tươi Hàn Quốc thường được bán với giá từ 1-1,5 triệu đồng/kg. Các loại sâm từ 6 tuổi được bán ở mức 3-4 triệu đồng/kg. Sâm tươi Canada ở cùng độ tuổi được bán với giá 1,8 triệu đồng/kg. Trong khi sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu của Việt Nam đang được bán với giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng với mỗi kg tươi.

Điều này, theo PGS.TS. Trần Văn Ơn là đang làm khó củ sâm và cả ngành dược liệu của Việt Nam vì giảm khả năng cạnh tranh so với các nước có thế mạnh về dược liệu trên thế giới vì nhu cầu về sâm, dược liệu đối với người dân trong nước là có giới hạn. Trong khi xuất khẩu cũng không dễ bởi nhu cầu của các nước phương Tây không lớn và hiện các nghiên cứu ở Việt Nam chưa làm rõ được tính ưu việt của sâm Việt Nam so với sâm của các nước.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất lạc hậu cũng là nguyên nhân khiến đầu ra của dược liệu gặp nhiều khó khăn, từ đó tăng giá thành sản phẩm trên thị trường. Bởi nếu theo các nghiên cứu hiện nay, một số loại dược liệu, sâm của Việt Nam có các hoạt chất cao hơn gấp 2-3 lần so với dược liệu sâm cùng loại của một số nước nên giá bán cao hơn. Nhưng theo các chuyên gia, nếu các hoạt chất trong dược liệu cao gấp đôi, gấp ba thì giá bán các loại dược liệu, sâm của Việt Nam cũng chỉ có thể cao gấp đôi hoặc gấp ba.

Nhưng hiện, nhiều sản phẩm dược liệu, sâm của Việt Nam có giá cao gấp nhiều lần, nhiều chục lần so với sản phẩm cùng loại của các nước. Điều này là do quy trình sản xuất nhỏ lẻ, gây tốn kém chi phí nên nếu bán với giá thấp thì sẽ thua lỗ.

Đa dạng sản phẩm, nâng cao kỹ năng

Để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, cho biết, cần tạo cơ hội hợp tác, cung ứng sản phẩm, dược liệu vào các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh, chế biến Nam dược, địa điểm kinh doanh du lịch theo hình thức liên kết chuỗi. Đây là thế mạnh, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Là một doanh nghiệp đang liên kết với người dân, HTX sản xuất và chế biến dược liệu, bà Nguyễn Thị Sơn, Giám đốc công ty cổ phần Nam dược miền Trung, cho rằng cần có chính sách ưu tiên về vốn và chuyển giao khoa học công nghệ cho các dự án khởi nghiệp về dược liệu nhằm phát triển lợi thế kinh tế vùng.

PGS.TS. Trần Văn Ơn cho biết từ lâu người Việt thường quan niệm thảo dược chỉ dùng để làm thuốc chữa bệnh dẫn đến sự nghèo nàn về sản phẩm với giới hạn quy mô thị trường. Chính vì vậy, cần phát triển đa dạng các sản phẩm từ thảo dược từ rau ăn. Đồ uống, lương thực đến hương liệu, chất nhuộm màu, du lịch với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... đến các sản phẩm chức năng chuyên sâu.

Nhưng để làm được điều có, các tiêu chuẩn cũng cần phù hợp. Các dược liệu làm đồ ăn hàng ngày cần đạt tiêu chuẩn hữu cơ, organic, còn để làm thuốc chữa bệnh phải đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.

PGS Nguyễn Đức Bách, Viện nghiên cứu Vi tảo và dược phẩm, Học viện nông nghiệp Việt Nam, cho rằng phần lớn các thành viên HTX dược liệu đều là nông dân. Ban quản trị HTX chưa có kinh nghiệm chuyển đổi số trong truyền thông, quảng bá sản phẩm. Nhưng khi được tập huấn, họ đã thành thạo trong việc nhân giống, trồng và chăm sóc dược liệu. Do đó, cần đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho thành viên, cán bộ HTX đi liền với hỗ trợ HTX chuyển đổi số. Vì đây đang là khó khăn chung của nhiều HTX, đặc biệt là các HTX dược liệu.

Tùng Lâm