Giữ vững trật tự an toàn xã hội

Lực lượng Công an tỉnh tuần tra đêm, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn TP. Đông Hà -Ảnh: CAQT

Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Viết Ánh cho biết: Năm 2023, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm pháp luật, nhờ đó tình hình ANTT có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật khác giảm so với năm 2022.

Trong đó, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 301 vụ, làm chết 12 người, bị thương 82 người, thiệt hại tài sản khoảng 9,81 tỉ đồng, giảm 23 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen vẫn tiềm ẩn phức tạp; tội phạm trộm cắp tài sản chiếm tỉ lệ cao; tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng, phương thức thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi, chủ yếu là các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng với số tiền lớn, có sự tham gia của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương; sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại lớn.

Đặc biệt, tội phạm túy diễn biến ngày càng phức tạp, các đối tượng thiết lập nhiều đường dây trong, ngoài địa bàn để mua bán, vận chuyển ma túy quy mô lớn xuyên quốc gia, sử dụng Quảng Trị làm nơi trung chuyển để đưa ma túy tiêu thụ trong nước và nước ngoài.

Tại các địa bàn trọng điểm, hình thành các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép, lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện để hoạt động mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng nhiều. Thủ đoạn ký gửi ma túy trên các phương tiện vận tải đường bộ, cất giấu trong hàng hóa, sử dụng họ tên, địa chỉ giao nhận giả, lợi dụng chuyển phát nhanh diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho công tác đấu tranh.

Ngoài ra, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, pháo, thuốc nổ... trên tuyến biên giới diễn ra phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm né tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, buôn bán động vật hoang dã không rõ nguồn gốc... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT. Tình trạng cháy nổ đang có chiều hướng gia tăng số vụ nhưng tính chất mức độ thiệt hại thấp. Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí nhưng tình trạng vi phạm xảy ra còn nhiều.

Đại tá Nguyễn Viết Ánh khẳng định: Từ diễn biến tình hình trật tự an toàn xã hội trong thời gian qua, Công an tỉnh nhận định tình hình ANTT trong năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiếp tục xây dựng các giải pháp đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa từ xa hiệu quả, đặc biệt đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo đó, lực lượng Công an tỉnh sẽ thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH), nhất là tội phạm có tổ chức; tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; tội phạm giết người; tội phạm cố ý gây thương tích; tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tội phạm về ma túy...

Phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm, vi phạm pháp luật.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tuân thủ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, đảm bảo quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Với diễn biến của tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy”; Đề án “Phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên Việt Nam”.

Phối hợp thực hiện hiệu quả các biện pháp cai nghiện và xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định; làm tốt công tác quản lý sau cai nghiện, quản lý, giáo dục người nghiện tại địa bàn cơ sở, nhất là các đối tượng có biểu hiện “loạn thần”, “ngáo đá”, không để xảy ra các vụ việc gây mất ANTT xã hội.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công tác phòng, chống tội phạm, TNXH, đặc biệt là thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm.

Đồng thời, tăng cường khai thác, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang “hiện đại” vào công tác phòng, chống tội phạm. Từng sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát tổng thể các yếu tố là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ được phân công quản lý.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp bảo đảm sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, TNXH, tập trung tuyên truyền theo hướng tiếp cận các nhóm đối tượng nguy cơ cao, địa bàn thường xuyên xảy ra tội phạm, vi phạm pháp luật. Chú trọng truyền thông trên các phương tiện thông tin, đại chúng, công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để phát hiện, giải quyết xung đột xã hội, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ, chính sách, quan hệ lao động, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về ANTT, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội.

Phát huy vai trò của Nhân dân và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình bảo đảm ANTT.

Phấn đấu năm 2024, củng cố, nhân rộng ít nhất 50 mô hình phòng, chống tội phạm. Vận động Nhân dân chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người vi phạm pháp luật, người chấp hành án, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Lê Minh