Giọt máu lưng đèo

Chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, cậu em tôi may mắn lành lặn trở về. Đó là điều hạnh phúc nhất cho dòng họ Phạm nhà tôi. Bố mẹ tôi, sinh đông con nhưng toàn “thị mẹt”. Cậu ấy là con trai duy nhất, bố đặt tên là Nhất. Ngày cậu ra đời, biết là con trai, bố tôi hét toáng lên giữa trạm xá xã: “Con giai rồi! Thằng giai của bố, của dòng họ Phạm”. Nước mắt ông rơi theo niềm vui. Sau khi có cậu, định thôi, bố lại nghĩ, giờ đến “dây con giai”, nên cố. Cố cũng chẳng được. Em gái út, tên là Chót ra đời. Thôi thì bàn tay cho đủ năm ngón.

Chị em chúng tôi, mọc lên như khoai sắn, lúa ngô. Tuổi thơ chân đất, áo vá, leo rừng, lội suối. Được cái, cả bố mẹ tôi đều trọng chữ, nên các con được học hành chu đáo. Quê tôi gốc Nam Định, năm 1960, lên khai hoang xây dựng kinh tế mới tại Tuyên Quang. Một vùng miền núi, được coi là rừng thiêng nước độc. Cha mẹ tôi đem sức trẻ khai khẩn đồi hoang, trồng ngô lúa, làm đập ngăn nước thả cá, nuôi năm chị em chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.

Tôi, gái cả, bố đặt là Minh, luôn là tấm gương học tập cho các em. Mười tám tuổi, hết cấp ba, vào học sư phạm, hệ mười cộng hai. Lăn lộn với vùng cao Hà Giang, từ cắm bản lưng núi, rồi hạ sơn, về trường huyện. Sống gần gũi với đồng bào và con trẻ, nên tôi nói được ngôn ngữ của địa phương. Chẳng biết tự bao giờ, tôi thành đứa con của núi. Sau gần hai mươi năm dạy chữ, tôi cũng được đề bạt tý chức. Đầu tiên là Phó, rồi Trưởng phòng của huyện. Đó là cả một quá trình phấn đấu của một cô gái trẻ, trở thành đảng viên, lấy chồng, sinh con rồi làm cán bộ lãnh đạo, cắm rễ vào núi mà sống. Bố tôi lấy đó làm gương răn dạy các em.

Nhất học dở dang cấp ba thì chán, rồi bỏ. Trường xa nhà hơn chục cây số, mỗi cái xe đạp tàng, nhãn hiệu hợp tác xã cơ khí Quyết Thắng, lúc thì thủng săm, khi lại rão xích. Nhiều hôm, leo dốc, đói hoa mắt, cậu ta vứt xe, nằm lăn ra gốc cây mé đồi ngủ. Bản Nà Hom heo hút, người Kinh khai hoang và người Tày sống chung. Phong tục của miền núi, miền xuôi hòa trộn. Tầm tuổi Nhất, mười tám, đôi mươi là bố mẹ nhớn nhác lo chuyện cưới hỏi.

Năm đó, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Nhất viết đơn xung phong lên biên giới chiến đấu. Nhà có một con trai, ông xã đội trưởng, ngập ngừng chưa điền tên vào giấy gọi. Nhất đến tận ủy ban xã nài nỉ. Bố mẹ tôi miễn cưỡng tiễn con đi mà trong lòng thon thót, mỏi mòn. Em tôi lên biên giới Hà Giang, đêm nào mẹ cũng ngồi cầu trời, khấn Phật. Dọc dải biên cương Xín Mần, Vị Xuyên, Yên Minh, Mèo Vạc, mặt trận nào cũng bỏng rát. Đạn pháo từ phía bên kia rót sang xối xả như mưa. Mỗi khi nghe thông tin chiến sự ác liệt, bố mẹ tôi như bị bóp nghẹt trái tim.

Năm 1989, cậu Nhất ra quân. Chân ướt, chân ráo, bố mẹ tôi giục lấy vợ. Ý chừng cậu chưa muốn, nên nói với bố:

- Bố mẹ lấy thì lấy, con thì chưa.

- Hai lăm tuổi rồi, ở quê thế là già khọm đấy - Bố tôi rít hơi thuốc lào, thủng thẳng.

- Con muốn đi học nghề, kiếm việc làm đã - Nhất đáp.

- Thì cứ học. Lấy vợ là chuyện khác. Bố mẹ cũng già rồi, muốn có thằng đích tôn - Ông hạ giọng - Xóm bên, có con Mấn, khá gái phết. Con bé ấy, việc gì cũng làm được. Từ phát nương, gieo lúa, cày bừa ruộng, đến chặt cây, xẻ gỗ lại còn mò cua, bắt cá. Trai bản, khối anh không theo kịp. Sức vóc của cô ấy, chắc gì anh đã ăn đứt!

Minh họa: Lê Tâm

Nhất có cá tính. Dễ mủi lòng nhưng cũng khảng khái. Cậu ấy chưa thích Mấn, chỉ vì hai đứa bằng tuổi nhau. Lo sau này, cô ấy sinh con sẽ già đi. Ông bố động viên Nhất, “bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn”. Trong mắt Nhất, Mấn không phải hoa khôi, cô đẹp hiền từ, chịu thương, chịu khó. Nét đẹp chân quê, đồng nội của cô gái Tày. Biết ý định của gia đình, Mấn chủ động ''tấn công'' Nhất. Cô rủ Nhất đạp xe ra phố ăn kem, đi uống xi-rô. Nhất cũng chiều lòng. Một lần, rồi hai lần. Mấn rủ Nhất đi bắt cá suối, hai lần, rồi ba lần.

Con suối Ngom, chảy men chân rừng, tưới nước cho đồng Nà Hom. Gạo Nà Hom ngon nhất vùng. Ruộng cho hạt cơm thơm, dẻo, như đất bản sinh ra nhiều gái đẹp. Xưa lũ trẻ trong bản, chiều hè nào cũng bì bõm lội suối rồi tắm truồng, chung dòng nước mát với trâu bò, ngan vịt. Nhất và Mấn đều có những ký ức bên suối. Giờ, cua cá đi đâu hết, trẻ con cũng ít ra suối tắm. Thực lòng mình, Mấn đã thầm yêu, trộm nhớ chàng trai vừa hết nghĩa vụ quân sự ấy. Ở bản, con gái tuổi như cô cũng thưa vắng dần.

Hôm ấy, nắng nóng. Mấn rủ Nhất lội suối tìm đá cuội. Đang mải mê mò đá, cô trượt chân, ngã xuống dòng nước mát. Nhất loay hoay đỡ cô dậy. Chả biết ai kéo ai mà cả hai lăn quay ra suối. Ma xui, quỷ khiến. Suối mát, sao Nhất thấy nóng bỏng khi chạm vào da thịt Mấn. Mùi hương con gái thơm như hoa cỏ đồng Nà Hom. Nước trôi qua vai hai người. Dòng suối trong veo đã đưa họ gần nhau đến không còn khoảng cách. Nước nóng bỏng, ngọt ngào trên đôi môi run rẩy. Đêm đó, suối đã bừng sáng trong họ. Và, cả hai đã lạc đường về bản.

Đám cưới hai người được tổ chức sau đó ít tháng. Bố tôi tỏ ra mỹ mãn. Mọi sự sắp đặt theo đúng tâm nguyện của ông. Cái duyên số ấy, không có hậu. Một năm, hai năm đến sáu năm vẫn chưa đậu quả. Bố mẹ tôi buồn ra mặt. Ông âu sầu, ra vào với cái điếu cày, không muốn lên rừng. Bà chán, chẳng thèm ra ruộng. Mấn trở thành con gà mái, không biết đẻ trứng, án ngữ cửa chuồng. Nỗi buồn lây sang nét mặt mọi người trong nhà. Chẳng lẽ, dòng họ Phạm lại không có kẻ nối dõi. Không phải lỗi của Nhất, cũng chẳng có lỗi của người con gái Tày. Mấn thầm khao khát có tiếng trẻ trong nhà. Nhiều đêm, cô một mình lần ra suối Ngom, vớt từng kỷ niệm. Con suối mùa đông, lội đến lưng ống chân, sao tối tăm, lạnh buốt. Cô lại về góc phòng nhỏ, khóc ru những viên đá cuội. Rồi Mấn xin phép gia đình chồng về nhà mẹ đẻ. Sau đó vài tháng họ ra tòa chia tay nhau.

Nhất buồn chán, ngược chiến trường xưa, nơi anh đã từng chiến đấu. Biên giới Hà Giang đã hồi sinh sau cuộc chiến. Cả một màu rừng núi, đồi nương bừng thức. Không ai khác, tôi phải đứng ra cưu mang, làm chỗ dựa cho cậu ấy nơi vùng cao, đất khách quê người. Với cương vị và mối quan hệ của mình, tôi có ý định xin cho Nhất làm bảo vệ một cơ quan trong huyện. Trước mắt, cậu phải làm gì đó, chờ cơ hội. Cậu ấy chạy xe ôm, quanh phố huyện, tự mình nuôi thân. Khi gặp khách, cậu đi tối ngày, xuyên đêm không về. Chiếc xe Mink như chàng trai trẻ, hăm hở xông pha mọi nẻo đường núi. Chạy hoài không hết việc. Khách của cậu là những giáo viên cắm bản, là mấy công nhân làm đường. Cũng có khi là khách du lịch đi phượt.

Năm đó, huyện mở đường nhựa qua Kéo Lủng. Con đèo dài hơn chục cây số, nối hai huyện trong tỉnh với nhau. Đó là thời điểm cậu có nhiều khách nhất. Những chuyến đi xa, vượt đèo dốc chênh vênh, gặp trời mưa, trơn trượt, cậu về nằm thượt ra thở. Nhiều đêm cậu ngủ lại tại lán công trường giữa đèo. Những tháng năm trên chốt đã dạy cho cậu bài học vượt gian khó. Đó là bước đệm của anh cựu chiến binh. Nhưng đợi mãi, chẳng có cơ quan, đơn vị nào cần bảo vệ, cậu đâm ra nản. Đời thằng xe ôm vùng cao, kiêm hướng dẫn du lịch, đôi khi kiếm ra tiền nhưng vất vả. Chẳng lẽ cứ lêu têu giãi nắng, dầm mưa suốt ở vùng cao? Độ hơn nửa năm thì đột nhiên cậu bỏ cuộc, quay đầu về quê. Rồi, cũng đột nhiên cậu đòi cưới vợ. Người cậu yêu, một thôn nữ, trẻ trung, xinh đẹp, kém cậu đến hơn chục tuổi.

Tưởng rằng con thuyền tình của cậu Nhất đã êm xuôi, mát mái. Ai ngờ, trước ngày cưới cậu, một người phụ nữ, bụng chửa vượt mặt, đến nhà tôi. Cô ấy nói rằng, đứa con trong bụng cô là của anh Nhất. Cô gái dân tộc Nùng ở bản Nà Liệng, dưới chân đèo Kéo Lủng. Mười mấy cây số, tôi nghĩ, chắc phải có ai đó chở xe ôm đưa cô từ Kéo Lủng tới đây? Nhìn cô gái người Nùng, nói tiếng Kinh chưa sõi, tôi thật ái ngại. Cô gái còn rất trẻ, chừng mười tám tuổi, nước da trắng, đôi mắt đen láy, đầy ẩn ức. Tôi mời cô vào nhà, rót nước mời và nói thẳng rằng:

- Em trai tôi, không có khả năng sinh con. Cô đừng làm điều sai, rồi đổ vấy cho cậu ấy. Tốt nhất, cô hãy về nhà sinh nở rồi chăm sóc cho cháu.

- Em nói đúng mà. Con anh Nhất thật. Cô gái, đặt một tay vào bụng mình, mắt nhìn tôi như cầu cứu.

- Đã bảo rồi, tôi không tin. Tôi vẫn kiên quyết.

Cô gái kể lể, thanh minh thế nào, tôi cũng bỏ ngoài tai. Hình như có giọt nước mắt lăn trên má cô ấy. Người phụ nữ thễu thệt bước ra, cái bụng tròn hun hút dưới nắng trưa oi nồng của phố huyện.

Tôi sửa soạn về quê đám cưới cậu em, giấu bặt chuyện cô gái Nùng, bụng mang, dạ chửa. Cho dù lận đận, long đong, cuối cùng thì cậu Nhất đã có bến đỗ mới. Lần này, bố mẹ tôi không tổ chức linh đình. Chỉ làm mươi mâm cơm trong anh em và láng giềng lân cận. Mợ Nhất (quê tôi có thói quen gọi vợ theo tên chồng) tên là Miên, một cô gái nhỏ nhắn, duyên dáng, luôn thường trực nụ cười. Mái tóc mềm, mượt, dài qua gấu áo. Mấy chị em tôi, ai cũng thích để tóc dài. Nghe kể, nhà mợ cùng tỉnh, ở huyện phía dưới. Cậu quen mợ trên một chuyến xe bão táp lên biên giới.

Xong đám cưới, tôi vội vã lên với công việc. Năm học mới bắt đầu với bộn bề của sự học vùng cao. Lại bù đầu với sắp xếp nhân sự, chuyển đi, chuyển đến, xây dựng, tu sửa trường, lớp. Chưa hết, lại cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học; thay mới sách giáo khoa; tăng cường giáo viên cắm bản… Vòng quay của nghề nghiệp, không chỉ riêng vùng cao mà ở đâu cũng vậy. Nó giống như mùa vụ, thời tiết.

Có khách đợi ở cửa nhà tôi. Nhìn dáng vẻ, tôi nhận ra người phụ nữ Nùng ấy. Bây giờ là hai mẹ con. Đứa nhỏ được địu sau lưng. Cái địu vải chàm, màu lam, hoa văn tươi sáng, hình cây và núi. Thứ hoa văn và trang phục của người Nùng ở đây, không lẫn với các dân tộc khác. Gam màu trầm ấm với đường chỉ thêu thanh thoát. Tôi mở cửa, mời khách vào nhà. Người mẹ trẻ nhìn tôi, vẻ ái ngại, mãi mới thốt lên lời:

- Đây là thằng cháu của bác. Con bố Nhất đấy. Nó đã được hơn hai tháng.

- …

Tôi đến gần, ngó vào cái địu của người mẹ trẻ. Một thằng bé, đôi má hồng, căng mịn như trái đào. Nó vẫn ngủ vùi trên lưng mẹ. Kéo cái mũ, kẻ xọc, tua xanh đỏ ra khỏi đầu, tôi xoa nhẹ lên tóc nó. Mái tóc mềm, mượt, lơ thơ, dấp dính mồ hôi mà thơm như nắng. Tôi chợt nghĩ đến vợ chồng cậu Nhất đang trong những ngày tháng hạnh phúc nhất. Bố mẹ tôi rất vui khi cũng vừa mới biết tin, vợ chồng cậu đã khai hoa, kết trái.

Người mẹ trẻ nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Em sẽ nuôi cháu. Chỉ mong bác và gia đình nhận cháu là con họ Phạm. Em biết anh Nhất đã lấy vợ, nhưng…

- Thôi, em cứ cho cháu về, chị sẽ bàn tính sau. Mẹ tròn, con vuông là tốt rồi. Nói xong, tôi nhét vội ít tiền vào tay người phụ nữ - Em cầm chút nhé, dù sao, đây cũng là tấm lòng của chị.

Người phụ nữ địu con lầm lụi bước ra cửa. Cây hoa giấy trước nhà buông chùng mấy bông phớt hồng. Tôi chạy theo, mua thêm dây sữa dúi và tay người mẹ trẻ.

Lủng, tên do ông ngoại đặt, cũng là tên con đèo ấy. Nó bằng tuổi con đường nhựa qua đèo, như cây rừng bám vào vách núi để tồn tại. Một đứa con không bố. Ba tháng tuổi, Xin Sài Lủng đã phải ở nhà với ông bà ngoại, để mẹ đi nấu cơm cho công nhân làm đường. Đói sữa thì khóc, khóc chán lại ngủ. Ông bà chăm cháu bằng những món ăn và kinh nghiệm của người miền núi. Trưa rặt hay tối muộn, mẹ nó mới trở về cho con bú sữa. Ba năm sau, con đường qua đèo đã làm xong, những công nhân làm đường lại đến nơi khác, mở con đường mới. Mẹ của Sài Lủng, hết việc làm, trở về với nương rẫy, trồng ngô, sạ lúa.

Cuối mùa mưa năm ấy, một chàng trai ở phía bên kia con đèo, đến nhà xin cưới mẹ Sài Lủng. Mẹ đi lấy chồng, Sài Lủng vẫn ở với ông bà ngoại. Người chồng của mẹ vốn nhà nghèo, không được học đủ chữ. Ông ta lấy rượu làm bạn. Đi làm dâu, để con ở nhà ngoại, mẹ Sài Lủng chỉ biết việc nương rẫy, bếp lửa, sinh con và cam chịu trong ngôi nhà sàn ọp ẹp. Hai đứa nhỏ theo nhau ra đời. Chúng cũng nheo nhóc trong cảnh khốn khó của bố mẹ.

Tuổi thơ Sài Lủng gắn liền với chăn trâu, hái rau rừng, kiếm củi. Ông bà cho cháu đi học để biết chữ cho bằng lũ trẻ trong bản. Nó cứ phổng phao mà lớn. Khoai sắn, ngô đậu và rau rừng, nước suối đã cho nó sức vóc một trai bản. Mười sáu năm sau, giọt máu hồng bên con đèo Kéo Lủng giờ đã thành một chàng trai, khỏe như chú ngựa non, chắc như cây thông núi. Ông bà ngoại và mẹ vẫn nói với thằng bé rằng, nó là con người Kinh, quê dưới xuôi. Ông bà nhắc nhủ cháu, sông suối muốn nhiều nước phải nhờ vào những mạch của ngọn nguồn, cây xanh, thân cứng bởi có gốc rễ bền chặt. Càng lớn, cu cậu càng khao khát tìm bằng được bố đẻ.

Từ khi được nghỉ chế độ, tôi có nhiều thời gian rảnh. Với niềm đam mê, tôi lang thang đi chụp ảnh ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn mái ngói xỉn nâu, rêu phủ ven chân núi. Tôi yêu từng nét đẹp văn hóa của đồng bào. Mỗi phiên chợ, tôi xách máy ảnh, chỉ để chụp những sinh hoạt, bán mua. Chợ phiên phố huyện còn là ngày hội giao lưu văn hóa, đủ các sắc màu. Người Tày, Nùng trang phục chàm, lam. Người Mông, váy áo hoa, xanh đỏ trắng sặc sỡ. Người La Chí, áo xanh, đen, khiêm nhường.

Tôi đang giơ máy ảnh, một cậu trai lạ hoắc chào tôi:

- Cháu chào bác Minh. Bác có biết cháu?

- Ơ, chưa. Cậu là học sinh ở Cốc Díu, hay ở bản Nhìu Súa?

- Cháu tên là Sài Lủng, con bố Nhất.

- … Ơ, ơ, à…

Tôi sững sờ, lúng túng. Đã mười mấy năm trôi qua, câu chuyện tưởng như rơi vào quên lãng. Tôi hình dung cậu bé có mái tóc mềm mỏng, dấp dính mồ hôi, đôi mắt nhắm tít ngày nào. Mái tóc ấy giờ bồng bềnh rẽ ngôi giữa. Và đôi mắt sáng trong, hồn nhiên đang nhìn tôi thăm thẳm. Sau giây lát, tôi hỏi:

- Vậy, con đi chợ cùng ai?

- Cháu đưa mẹ đi mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em - Thằng bé chỉ về phía góc chợ, trả lời - Mẹ cháu đang ở kia ạ.

Tôi mời hai mẹ con vào nhà. Bây giờ tôi mới có dịp ngắm kỹ người phụ nữ Nùng. Cô đẹp tinh khôi và chân chất. Nét duyên tự nhiên như hoa dại trên đồi núi. Dáng người thanh mảnh, nước da sáng. Gương mặt hấp dẫn bởi đôi mắt trong veo, tươi tắn, đầy thu hút. Vạt tóc mai, hai bên mái, màu vàng nhạt, nhìn kỹ mới biết nó đã được nhuộm. Tai đeo chiếc vòng khuyên bạc nhỏ. Đó là trang sức còn lại duy nhất để nhận ra cô là người Nùng. Sau vài câu chuyện xã giao, người mẹ mau mắn hơn lần trước, cô chủ động đề xuất:

- Hôm nay, em đưa cháu đến, muốn để bác sắp xếp đưa cháu về quê nhận bố.

Tôi nói luôn:

- Cảm ơn em. Nhưng… nhưng… chuyện đó hãy từ từ. Trước mắt, chị muốn được khoa học xác nhận, nên theo chị, ta nên lấy mẫu của hai người để giám định ADN trước. Việc này không khó, chị sẽ làm mọi thủ tục cần thiết.

Sài Lủng nãy giờ đi ngắm từng bức ảnh treo trên tường. Nó vẫn không bỏ qua câu chuyện giữa hai người. Tôi ngắm thằng bé từ đầu đến chân. Một trai bản cao ráo, dáng thư sinh. Mái tóc vàng hoe lông bò, một “đặc sản” của trẻ trâu miền núi. Cháu được thừa hưởng đôi mắt sáng của mẹ. Cái sống mũi cao, nét quen quen. Làm sao tôi có thể nhận biết được sự tương đồng của cậu bé với em trai mình. Tôi mời hai mẹ con dùng bữa trưa và hẹn ngày sẽ trực tiếp đến Nà Liệng.

Tôi buộc phải nói với mọi người trong gia đình, đặc biệt mợ Nhất, việc đứa con của cô gái Nùng. Không ngờ, chính mợ là người ủng hộ cao. Mợ bảo: Đó là câu chuyện của quá khứ. Họ Phạm có thêm người là thêm sức mạnh. Cậu Nhất, thì ỡm ờ như kiểu học sinh chống chế lỗi. Trước khi đi Nà Liệng, tôi báo tin cho cậu Nhất chuẩn bị mẫu để gửi đi giám định.

Nà Liệng có vài ba chục hộ dân, những mái nhà sàn, lợp cọ xen lẫn lợp ngói âm dương, bình yên dưới chân núi. Ba phía bản là ruộng bậc thang xếp kề nhau, quấn quýt mây vờn. Nguồn nước từ thác Réo, lao giữa hai triền núi rồi vòng qua bản. Con suối về đây, dường như muốn được nghỉ ngơi, trôi chậm lại sau một hành trình hối hả.

Không khó khăn, tôi đã tìm đúng ngôi nhà ông ngoại Sài Lủng. Mẹ Sài Lủng đang sắp xếp, thu dọn đồ đạc trong ngôi nhà. Bên nắm tìn (nguồn nước dẫn bằng thân cây tre, vầu từ lưng núi về), Sài Lủng giúp ông ngoại mổ gà. Căn nhà sàn đơn sơ, thoáng mát, đón gió từ hướng núi. Ông bà ngoại mừng lắm, khi biết tôi đến. Tôi chào ông bà và nói chuyện bằng tiếng Nùng. Câu chuyện càng thêm ấm áp, thân gần. Trong câu chuyện, tôi bày tỏ lòng biết ơn ông bà đã chăm sóc, dạy dỗ cháu Sài Lủng khôn lớn. Tôi hẹn mời ông bà về quê, đón cháu về nhận bố và anh em họ hàng.

Ăn xong, tôi cùng mẹ Sài Lủng nằm nghỉ trưa. Gió núi dịu dàng lướt qua góc nhà sàn, nơi dành riêng cho phụ nữ. Người mẹ trẻ Nùng dãi bày, giọng thương mến, chân tình:

- Một tối muộn, bên lán công trường, em đang dọn đồ để về nhà thì anh ấy đến. Chiếc xe Mink đỗ xịch bên lán. Một người lạ, em chưa gặp bao giờ. Anh bảo:

- Còn gì không, cho anh ăn. Đói quá.

- Có chút cơm thừa thôi, anh có ăn không?

- Có. Anh ấy cầm nồi, xúc cơm ăn ngon lành.

Rồi anh phóng vụt xuống đèo. Lần khác, rồi lần khác nữa, vẫn chiếc xe Mink và mái tóc xơ tướp, dừng trước lán. Buổi chiều muộn, mây đen làm cho con đèo tối mịt. Trời đột nhiên mưa. Mưa như thác đổ. Con đường đang làm, chị biết đấy, ngổn ngang đất đá. Chỉ có hai người giữa rừng đêm. Em cảm thấy sợ. Nhưng chẳng lẽ lại đuổi anh ấy đi. Em nấu gói mì tôm cho anh ấy. Gió tạt thốc tháo. Sấm chớp xé toang màn đêm. Cơn mưa rừng dai dẳng. Anh ấy kể cho em về gia đình, về chị gái đang ở phố huyện. Em tin đó là lời nói thật. Em hỏi thẳng:

- Anh đã có vợ chưa?

Anh cũng thật thà:

- Anh lấy vợ sáu năm, không có con. Vợ chồng anh đã chia tay nhau.

Mưa vẫn không ngớt. Và, đêm đó, thần núi đã xui em trở thành vợ anh Nhất.

Tôi quay mặt về phía cô gái Nùng, nắm tay em, kéo lên ngực mình, khẽ gọi:

- Mợ Nhất. Chị xin lỗi em. Chị thương em, và chị yêu Sài Lủng. Em hãy tha lỗi cho chị.

Trước khi về tôi vẫn nhớ lấy các mẫu cho việc xét nghiệm. Thâm tâm tôi nghĩ đây chỉ là thủ tục pháp lý cho những phát sinh dân sự sau này. Hóa ra những danh vọng viển vông bấy lâu nay tôi ôm ấp, chẳng là gì cả. Nà Liệng đã cho tôi yêu thương giọt máu hồng bên Kéo Lủng.

Gia đình tôi mở tiệc lớn đón nhận Sài Lủng, mời cả làng dự. Hai xe ô tô ngược đèo đón cháu, ông bà ngoại, và các cô bác thân cận. Cả nhà tôi thuê xe về quê. Tôi đã chụp được khoảnh khắc cha con cậu Nhất ôm nhau. Có giọt nước mắt muộn màng của người cha, từng bỏ rơi giọt máu của mình nơi lưng đèo. Cậu Nhất đưa con trai Sài Lủng đi thắp hương cho ông bà nội, thăm anh em họ hàng.

Tôi gọi điện cho mẹ Sài Lủng báo tin. Niềm hạnh phúc vỡ òa. Tôi nghe đầu máy bên kia giọng cô gái Nùng, nức nở, nghẹn ngào. Rồi tiếng khóc của hạnh phúc. Nước mắt của cô, tự bao giờ tràn xuống đôi má tôi, ngọt ngào và ấm áp. l

Giọt máu lưng đèo

n Truyện ngắn của Lê Na

Chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, cậu em tôi may mắn lành lặn trở về. Đó là điều hạnh phúc nhất cho dòng họ Phạm nhà tôi. Bố mẹ tôi, sinh đông con nhưng toàn “thị mẹt”. Cậu ấy là con trai duy nhất, bố đặt tên là Nhất. Ngày cậu ra đời, biết là con trai, bố tôi hét toáng lên giữa trạm xá xã: “Con giai rồi! Thằng giai của bố, của dòng họ Phạm”. Nước mắt ông rơi theo niềm vui. Sau khi có cậu, định thôi, bố lại nghĩ, giờ đến “dây con giai”, nên cố. Cố cũng chẳng được. Em gái út, tên là Chót ra đời. Thôi thì bàn tay cho đủ năm ngón.

Chị em chúng tôi, mọc lên như khoai sắn, lúa ngô. Tuổi thơ chân đất, áo vá, leo rừng, lội suối. Được cái, cả bố mẹ tôi đều trọng chữ, nên các con được học hành chu đáo. Quê tôi gốc Nam Định, năm 1960, lên khai hoang xây dựng kinh tế mới tại Tuyên Quang. Một vùng miền núi, được coi là rừng thiêng nước độc. Cha mẹ tôi đem sức trẻ khai khẩn đồi hoang, trồng ngô lúa, làm đập ngăn nước thả cá, nuôi năm chị em chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.

Tôi, gái cả, bố đặt là Minh, luôn là tấm gương học tập cho các em. Mười tám tuổi, hết cấp ba, vào học sư phạm, hệ mười cộng hai. Lăn lộn với vùng cao Hà Giang, từ cắm bản lưng núi, rồi hạ sơn, về trường huyện. Sống gần gũi với đồng bào và con trẻ, nên tôi nói được ngôn ngữ của địa phương. Chẳng biết tự bao giờ, tôi thành đứa con của núi. Sau gần hai mươi năm dạy chữ, tôi cũng được đề bạt tý chức. Đầu tiên là Phó, rồi Trưởng phòng của huyện. Đó là cả một quá trình phấn đấu của một cô gái trẻ, trở thành đảng viên, lấy chồng, sinh con rồi làm cán bộ lãnh đạo, cắm rễ vào núi mà sống. Bố tôi lấy đó làm gương răn dạy các em.

Nhất học dở dang cấp ba thì chán, rồi bỏ. Trường xa nhà hơn chục cây số, mỗi cái xe đạp tàng, nhãn hiệu hợp tác xã cơ khí Quyết Thắng, lúc thì thủng săm, khi lại rão xích. Nhiều hôm, leo dốc, đói hoa mắt, cậu ta vứt xe, nằm lăn ra gốc cây mé đồi ngủ. Bản Nà Hom heo hút, người Kinh khai hoang và người Tày sống chung. Phong tục của miền núi, miền xuôi hòa trộn. Tầm tuổi Nhất, mười tám, đôi mươi là bố mẹ nhớn nhác lo chuyện cưới hỏi.

Năm đó, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Nhất viết đơn xung phong lên biên giới chiến đấu. Nhà có một con trai, ông xã đội trưởng, ngập ngừng chưa điền tên vào giấy gọi. Nhất đến tận ủy ban xã nài nỉ. Bố mẹ tôi miễn cưỡng tiễn con đi mà trong lòng thon thót, mỏi mòn. Em tôi lên biên giới Hà Giang, đêm nào mẹ cũng ngồi cầu trời, khấn Phật. Dọc dải biên cương Xín Mần, Vị Xuyên, Yên Minh, Mèo Vạc, mặt trận nào cũng bỏng rát. Đạn pháo từ phía bên kia rót sang xối xả như mưa. Mỗi khi nghe thông tin chiến sự ác liệt, bố mẹ tôi như bị bóp nghẹt trái tim.

Năm 1989, cậu Nhất ra quân. Chân ướt, chân ráo, bố mẹ tôi giục lấy vợ. Ý chừng cậu chưa muốn, nên nói với bố:

- Bố mẹ lấy thì lấy, con thì chưa.

- Hai lăm tuổi rồi, ở quê thế là già khọm đấy - Bố tôi rít hơi thuốc lào, thủng thẳng.

- Con muốn đi học nghề, kiếm việc làm đã - Nhất đáp.

- Thì cứ học. Lấy vợ là chuyện khác. Bố mẹ cũng già rồi, muốn có thằng đích tôn - Ông hạ giọng - Xóm bên, có con Mấn, khá gái phết. Con bé ấy, việc gì cũng làm được. Từ phát nương, gieo lúa, cày bừa ruộng, đến chặt cây, xẻ gỗ lại còn mò cua, bắt cá. Trai bản, khối anh không theo kịp. Sức vóc của cô ấy, chắc gì anh đã ăn đứt!

Nhất có cá tính. Dễ mủi lòng nhưng cũng khảng khái. Cậu ấy chưa thích Mấn, chỉ vì hai đứa bằng tuổi nhau. Lo sau này, cô ấy sinh con sẽ già đi. Ông bố động viên Nhất, “bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn”. Trong mắt Nhất, Mấn không phải hoa khôi, cô đẹp hiền từ, chịu thương, chịu khó. Nét đẹp chân quê, đồng nội của cô gái Tày. Biết ý định của gia đình, Mấn chủ động ''tấn công'' Nhất. Cô rủ Nhất đạp xe ra phố ăn kem, đi uống xi-rô. Nhất cũng chiều lòng. Một lần, rồi hai lần. Mấn rủ Nhất đi bắt cá suối, hai lần, rồi ba lần.

Con suối Ngom, chảy men chân rừng, tưới nước cho đồng Nà Hom. Gạo Nà Hom ngon nhất vùng. Ruộng cho hạt cơm thơm, dẻo, như đất bản sinh ra nhiều gái đẹp. Xưa lũ trẻ trong bản, chiều hè nào cũng bì bõm lội suối rồi tắm truồng, chung dòng nước mát với trâu bò, ngan vịt. Nhất và Mấn đều có những ký ức bên suối. Giờ, cua cá đi đâu hết, trẻ con cũng ít ra suối tắm. Thực lòng mình, Mấn đã thầm yêu, trộm nhớ chàng trai vừa hết nghĩa vụ quân sự ấy. Ở bản, con gái tuổi như cô cũng thưa vắng dần. Hôm ấy, nắng nóng. Mấn rủ Nhất lội suối tìm đá cuội. Đang mải mê mò đá, cô trượt chân, ngã xuống dòng nước mát. Nhất loay hoay đỡ cô dậy. Chả biết ai kéo ai mà cả hai lăn quay ra suối. Ma xui, quỷ khiến. Suối mát, sao Nhất thấy nóng bỏng khi chạm vào da thịt Mấn. Mùi hương con gái thơm như hoa cỏ đồng Nà Hom. Nước trôi qua vai hai người. Dòng suối trong veo đã đưa họ gần nhau đến không còn khoảng cách. Nước nóng bỏng, ngọt ngào trên đôi môi run rẩy. Đêm đó, suối đã bừng sáng trong họ. Và, cả hai đã lạc đường về bản.

Đám cưới hai người được tổ chức sau đó ít tháng. Bố tôi tỏ ra mỹ mãn. Mọi sự sắp đặt theo đúng tâm nguyện của ông. Cái duyên số ấy, không có hậu. Một năm, hai năm đến sáu năm vẫn chưa đậu quả. Bố mẹ tôi buồn ra mặt. Ông âu sầu, ra vào với cái điếu cày, không muốn lên rừng. Bà chán, chẳng thèm ra ruộng. Mấn trở thành con gà mái, không biết đẻ trứng, án ngữ cửa chuồng. Nỗi buồn lây sang nét mặt mọi người trong nhà. Chẳng lẽ, dòng họ Phạm lại không có kẻ nối dõi. Không phải lỗi của Nhất, cũng chẳng có lỗi của người con gái Tày. Mấn thầm khao khát có tiếng trẻ trong nhà. Nhiều đêm, cô một mình lần ra suối Ngom, vớt từng kỷ niệm. Con suối mùa đông, lội đến lưng ống chân, sao tối tăm, lạnh buốt. Cô lại về góc phòng nhỏ, khóc ru những viên đá cuội. Rồi Mấn xin phép gia đình chồng về nhà mẹ đẻ. Sau đó vài tháng họ ra tòa chia tay nhau.

Nhất buồn chán, ngược chiến trường xưa, nơi anh đã từng chiến đấu. Biên giới Hà Giang đã hồi sinh sau cuộc chiến. Cả một màu rừng núi, đồi nương bừng thức. Không ai khác, tôi phải đứng ra cưu mang, làm chỗ dựa cho cậu ấy nơi vùng cao, đất khách quê người. Với cương vị và mối quan hệ của mình, tôi có ý định xin cho Nhất làm bảo vệ một cơ quan trong huyện. Trước mắt, cậu phải làm gì đó, chờ cơ hội. Cậu ấy chạy xe ôm, quanh phố huyện, tự mình nuôi thân. Khi gặp khách, cậu đi tối ngày, xuyên đêm không về. Chiếc xe Mink như chàng trai trẻ, hăm hở xông pha mọi nẻo đường núi. Chạy hoài không hết việc. Khách của cậu là những giáo viên cắm bản, là mấy công nhân làm đường. Cũng có khi là khách du lịch đi phượt.

Năm đó, huyện mở đường nhựa qua Kéo Lủng. Con đèo dài hơn chục cây số, nối hai huyện trong tỉnh với nhau. Đó là thời điểm cậu có nhiều khách nhất. Những chuyến đi xa, vượt đèo dốc chênh vênh, gặp trời mưa, trơn trượt, cậu về nằm thượt ra thở. Nhiều đêm cậu ngủ lại tại lán công trường giữa đèo. Những tháng năm trên chốt đã dạy cho cậu bài học vượt gian khó. Đó là bước đệm của anh cựu chiến binh. Nhưng đợi mãi, chẳng có cơ quan, đơn vị nào cần bảo vệ, cậu đâm ra nản. Đời thằng xe ôm vùng cao, kiêm hướng dẫn du lịch, đôi khi kiếm ra tiền nhưng vất vả. Chẳng lẽ cứ lêu têu giãi nắng, dầm mưa suốt ở vùng cao? Độ hơn nửa năm thì đột nhiên cậu bỏ cuộc, quay đầu về quê. Rồi, cũng đột nhiên cậu đòi cưới vợ. Người cậu yêu, một thôn nữ, trẻ trung, xinh đẹp, kém cậu đến hơn chục tuổi.

Tưởng rằng con thuyền tình của cậu Nhất đã êm xuôi, mát mái. Ai ngờ, trước ngày cưới cậu, một người phụ nữ, bụng chửa vượt mặt, đến nhà tôi. Cô ấy nói rằng, đứa con trong bụng cô là của anh Nhất. Cô gái dân tộc Nùng ở bản Nà Liệng, dưới chân đèo Kéo Lủng. Mười mấy cây số, tôi nghĩ, chắc phải có ai đó chở xe ôm đưa cô từ Kéo Lủng tới đây? Nhìn cô gái người Nùng, nói tiếng Kinh chưa sõi, tôi thật ái ngại. Cô gái còn rất trẻ, chừng mười tám tuổi, nước da trắng, đôi mắt đen láy, đầy ẩn ức. Tôi mời cô vào nhà, rót nước mời và nói thẳng rằng:

- Em trai tôi, không có khả năng sinh con. Cô đừng làm điều sai, rồi đổ vấy cho cậu ấy. Tốt nhất, cô hãy về nhà sinh nở rồi chăm sóc cho cháu.

- Em nói đúng mà. Con anh Nhất thật. Cô gái, đặt một tay vào bụng mình, mắt nhìn tôi như cầu cứu.

- Đã bảo rồi, tôi không tin. Tôi vẫn kiên quyết.

Cô gái kể lể, thanh minh thế nào, tôi cũng bỏ ngoài tai. Hình như có giọt nước mắt lăn trên má cô ấy. Người phụ nữ thễu thệt bước ra, cái bụng tròn hun hút dưới nắng trưa oi nồng của phố huyện.

Tôi sửa soạn về quê đám cưới cậu em, giấu bặt chuyện cô gái Nùng, bụng mang, dạ chửa. Cho dù lận đận, long đong, cuối cùng thì cậu Nhất đã có bến đỗ mới. Lần này, bố mẹ tôi không tổ chức linh đình. Chỉ làm mươi mâm cơm trong anh em và láng giềng lân cận. Mợ Nhất (quê tôi có thói quen gọi vợ theo tên chồng) tên là Miên, một cô gái nhỏ nhắn, duyên dáng, luôn thường trực nụ cười. Mái tóc mềm, mượt, dài qua gấu áo. Mấy chị em tôi, ai cũng thích để tóc dài. Nghe kể, nhà mợ cùng tỉnh, ở huyện phía dưới. Cậu quen mợ trên một chuyến xe bão táp lên biên giới.

Xong đám cưới, tôi vội vã lên với công việc. Năm học mới bắt đầu với bộn bề của sự học vùng cao. Lại bù đầu với sắp xếp nhân sự, chuyển đi, chuyển đến, xây dựng, tu sửa trường, lớp. Chưa hết, lại cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học; thay mới sách giáo khoa; tăng cường giáo viên cắm bản… Vòng quay của nghề nghiệp, không chỉ riêng vùng cao mà ở đâu cũng vậy. Nó giống như mùa vụ, thời tiết.

Có khách đợi ở cửa nhà tôi. Nhìn dáng vẻ, tôi nhận ra người phụ nữ Nùng ấy. Bây giờ là hai mẹ con. Đứa nhỏ được địu sau lưng. Cái địu vải chàm, màu lam, hoa văn tươi sáng, hình cây và núi. Thứ hoa văn và trang phục của người Nùng ở đây, không lẫn với các dân tộc khác. Gam màu trầm ấm với đường chỉ thêu thanh thoát. Tôi mở cửa, mời khách vào nhà. Người mẹ trẻ nhìn tôi, vẻ ái ngại, mãi mới thốt lên lời:

- Đây là thằng cháu của bác. Con bố Nhất đấy. Nó đã được hơn hai tháng.

- …

Tôi đến gần, ngó vào cái địu của người mẹ trẻ. Một thằng bé, đôi má hồng, căng mịn như trái đào. Nó vẫn ngủ vùi trên lưng mẹ. Kéo cái mũ, kẻ xọc, tua xanh đỏ ra khỏi đầu, tôi xoa nhẹ lên tóc nó. Mái tóc mềm, mượt, lơ thơ, dấp dính mồ hôi mà thơm như nắng. Tôi chợt nghĩ đến vợ chồng cậu Nhất đang trong những ngày tháng hạnh phúc nhất. Bố mẹ tôi rất vui khi cũng vừa mới biết tin, vợ chồng cậu đã khai hoa, kết trái.

Người mẹ trẻ nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Em sẽ nuôi cháu. Chỉ mong bác và gia đình nhận cháu là con họ Phạm. Em biết anh Nhất đã lấy vợ, nhưng…

- Thôi, em cứ cho cháu về, chị sẽ bàn tính sau. Mẹ tròn, con vuông là tốt rồi. Nói xong, tôi nhét vội ít tiền vào tay người phụ nữ - Em cầm chút nhé, dù sao, đây cũng là tấm lòng của chị.

Người phụ nữ địu con lầm lụi bước ra cửa. Cây hoa giấy trước nhà buông chùng mấy bông phớt hồng. Tôi chạy theo, mua thêm dây sữa dúi và tay người mẹ trẻ.

Lủng, tên do ông ngoại đặt, cũng là tên con đèo ấy. Nó bằng tuổi con đường nhựa qua đèo, như cây rừng bám vào vách núi để tồn tại. Một đứa con không bố. Ba tháng tuổi, Xin Sài Lủng đã phải ở nhà với ông bà ngoại, để mẹ đi nấu cơm cho công nhân làm đường. Đói sữa thì khóc, khóc chán lại ngủ. Ông bà chăm cháu bằng những món ăn và kinh nghiệm của người miền núi. Trưa rặt hay tối muộn, mẹ nó mới trở về cho con bú sữa. Ba năm sau, con đường qua đèo đã làm xong, những công nhân làm đường lại đến nơi khác, mở con đường mới. Mẹ của Sài Lủng, hết việc làm, trở về với nương rẫy, trồng ngô, sạ lúa.

Cuối mùa mưa năm ấy, một chàng trai ở phía bên kia con đèo, đến nhà xin cưới mẹ Sài Lủng. Mẹ đi lấy chồng, Sài Lủng vẫn ở với ông bà ngoại. Người chồng của mẹ vốn nhà nghèo, không được học đủ chữ. Ông ta lấy rượu làm bạn. Đi làm dâu, để con ở nhà ngoại, mẹ Sài Lủng chỉ biết việc nương rẫy, bếp lửa, sinh con và cam chịu trong ngôi nhà sàn ọp ẹp. Hai đứa nhỏ theo nhau ra đời. Chúng cũng nheo nhóc trong cảnh khốn khó của bố mẹ.

Tuổi thơ Sài Lủng gắn liền với chăn trâu, hái rau rừng, kiếm củi. Ông bà cho cháu đi học để biết chữ cho bằng lũ trẻ trong bản. Nó cứ phổng phao mà lớn. Khoai sắn, ngô đậu và rau rừng, nước suối đã cho nó sức vóc một trai bản. Mười sáu năm sau, giọt máu hồng bên con đèo Kéo Lủng giờ đã thành một chàng trai, khỏe như chú ngựa non, chắc như cây thông núi. Ông bà ngoại và mẹ vẫn nói với thằng bé rằng, nó là con người Kinh, quê dưới xuôi. Ông bà nhắc nhủ cháu, sông suối muốn nhiều nước phải nhờ vào những mạch của ngọn nguồn, cây xanh, thân cứng bởi có gốc rễ bền chặt. Càng lớn, cu cậu càng khao khát tìm bằng được bố đẻ.

Từ khi được nghỉ chế độ, tôi có nhiều thời gian rảnh. Với niềm đam mê, tôi lang thang đi chụp ảnh ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn mái ngói xỉn nâu, rêu phủ ven chân núi. Tôi yêu từng nét đẹp văn hóa của đồng bào. Mỗi phiên chợ, tôi xách máy ảnh, chỉ để chụp những sinh hoạt, bán mua. Chợ phiên phố huyện còn là ngày hội giao lưu văn hóa, đủ các sắc màu. Người Tày, Nùng trang phục chàm, lam. Người Mông, váy áo hoa, xanh đỏ trắng sặc sỡ. Người La Chí, áo xanh, đen, khiêm nhường.

Tôi đang giơ máy ảnh, một cậu trai lạ hoắc chào tôi:

- Cháu chào bác Minh. Bác có biết cháu?

- Ơ, chưa. Cậu là học sinh ở Cốc Díu, hay ở bản Nhìu Súa?

- Cháu tên là Sài Lủng, con bố Nhất.

- … Ơ, ơ, à…

Tôi sững sờ, lúng túng. Đã mười mấy năm trôi qua, câu chuyện tưởng như rơi vào quên lãng. Tôi hình dung cậu bé có mái tóc mềm mỏng, dấp dính mồ hôi, đôi mắt nhắm tít ngày nào. Mái tóc ấy giờ bồng bềnh rẽ ngôi giữa. Và đôi mắt sáng trong, hồn nhiên đang nhìn tôi thăm thẳm. Sau giây lát, tôi hỏi:

- Vậy, con đi chợ cùng ai?

- Cháu đưa mẹ đi mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em - Thằng bé chỉ về phía góc chợ, trả lời - Mẹ cháu đang ở kia ạ.

Tôi mời hai mẹ con vào nhà. Bây giờ tôi mới có dịp ngắm kỹ người phụ nữ Nùng. Cô đẹp tinh khôi và chân chất. Nét duyên tự nhiên như hoa dại trên đồi núi. Dáng người thanh mảnh, nước da sáng. Gương mặt hấp dẫn bởi đôi mắt trong veo, tươi tắn, đầy thu hút. Vạt tóc mai, hai bên mái, màu vàng nhạt, nhìn kỹ mới biết nó đã được nhuộm. Tai đeo chiếc vòng khuyên bạc nhỏ. Đó là trang sức còn lại duy nhất để nhận ra cô là người Nùng. Sau vài câu chuyện xã giao, người mẹ mau mắn hơn lần trước, cô chủ động đề xuất:

- Hôm nay, em đưa cháu đến, muốn để bác sắp xếp đưa cháu về quê nhận bố.

Tôi nói luôn:

- Cảm ơn em. Nhưng… nhưng… chuyện đó hãy từ từ. Trước mắt, chị muốn được khoa học xác nhận, nên theo chị, ta nên lấy mẫu của hai người để giám định ADN trước. Việc này không khó, chị sẽ làm mọi thủ tục cần thiết.

Sài Lủng nãy giờ đi ngắm từng bức ảnh treo trên tường. Nó vẫn không bỏ qua câu chuyện giữa hai người. Tôi ngắm thằng bé từ đầu đến chân. Một trai bản cao ráo, dáng thư sinh. Mái tóc vàng hoe lông bò, một “đặc sản” của trẻ trâu miền núi. Cháu được thừa hưởng đôi mắt sáng của mẹ. Cái sống mũi cao, nét quen quen. Làm sao tôi có thể nhận biết được sự tương đồng của cậu bé với em trai mình. Tôi mời hai mẹ con dùng bữa trưa và hẹn ngày sẽ trực tiếp đến Nà Liệng.

Tôi buộc phải nói với mọi người trong gia đình, đặc biệt mợ Nhất, việc đứa con của cô gái Nùng. Không ngờ, chính mợ là người ủng hộ cao. Mợ bảo: Đó là câu chuyện của quá khứ. Họ Phạm có thêm người là thêm sức mạnh. Cậu Nhất, thì ỡm ờ như kiểu học sinh chống chế lỗi. Trước khi đi Nà Liệng, tôi báo tin cho cậu Nhất chuẩn bị mẫu để gửi đi giám định.

Nà Liệng có vài ba chục hộ dân, những mái nhà sàn, lợp cọ xen lẫn lợp ngói âm dương, bình yên dưới chân núi. Ba phía bản là ruộng bậc thang xếp kề nhau, quấn quýt mây vờn. Nguồn nước từ thác Réo, lao giữa hai triền núi rồi vòng qua bản. Con suối về đây, dường như muốn được nghỉ ngơi, trôi chậm lại sau một hành trình hối hả.

Không khó khăn, tôi đã tìm đúng ngôi nhà ông ngoại Sài Lủng. Mẹ Sài Lủng đang sắp xếp, thu dọn đồ đạc trong ngôi nhà. Bên nắm tìn (nguồn nước dẫn bằng thân cây tre, vầu từ lưng núi về), Sài Lủng giúp ông ngoại mổ gà. Căn nhà sàn đơn sơ, thoáng mát, đón gió từ hướng núi. Ông bà ngoại mừng lắm, khi biết tôi đến. Tôi chào ông bà và nói chuyện bằng tiếng Nùng. Câu chuyện càng thêm ấm áp, thân gần. Trong câu chuyện, tôi bày tỏ lòng biết ơn ông bà đã chăm sóc, dạy dỗ cháu Sài Lủng khôn lớn. Tôi hẹn mời ông bà về quê, đón cháu về nhận bố và anh em họ hàng.

Ăn xong, tôi cùng mẹ Sài Lủng nằm nghỉ trưa. Gió núi dịu dàng lướt qua góc nhà sàn, nơi dành riêng cho phụ nữ. Người mẹ trẻ Nùng dãi bày, giọng thương mến, chân tình:

- Một tối muộn, bên lán công trường, em đang dọn đồ để về nhà thì anh ấy đến. Chiếc xe Mink đỗ xịch bên lán. Một người lạ, em chưa gặp bao giờ. Anh bảo:

- Còn gì không, cho anh ăn. Đói quá.

- Có chút cơm thừa thôi, anh có ăn không?

- Có. Anh ấy cầm nồi, xúc cơm ăn ngon lành.

Rồi anh phóng vụt xuống đèo. Lần khác, rồi lần khác nữa, vẫn chiếc xe Mink và mái tóc xơ tướp, dừng trước lán. Buổi chiều muộn, mây đen làm cho con đèo tối mịt. Trời đột nhiên mưa. Mưa như thác đổ. Con đường đang làm, chị biết đấy, ngổn ngang đất đá. Chỉ có hai người giữa rừng đêm. Em cảm thấy sợ. Nhưng chẳng lẽ lại đuổi anh ấy đi. Em nấu gói mì tôm cho anh ấy. Gió tạt thốc tháo. Sấm chớp xé toang màn đêm. Cơn mưa rừng dai dẳng. Anh ấy kể cho em về gia đình, về chị gái đang ở phố huyện. Em tin đó là lời nói thật. Em hỏi thẳng:

- Anh đã có vợ chưa?

Anh cũng thật thà:

- Anh lấy vợ sáu năm, không có con. Vợ chồng anh đã chia tay nhau.

Mưa vẫn không ngớt. Và, đêm đó, thần núi đã xui em trở thành vợ anh Nhất.

Tôi quay mặt về phía cô gái Nùng, nắm tay em, kéo lên ngực mình, khẽ gọi:

- Mợ Nhất. Chị xin lỗi em. Chị thương em, và chị yêu Sài Lủng. Em hãy tha lỗi cho chị.

Trước khi về tôi vẫn nhớ lấy các mẫu cho việc xét nghiệm. Thâm tâm tôi nghĩ đây chỉ là thủ tục pháp lý cho những phát sinh dân sự sau này. Hóa ra những danh vọng viển vông bấy lâu nay tôi ôm ấp, chẳng là gì cả. Nà Liệng đã cho tôi yêu thương giọt máu hồng bên Kéo Lủng.

Gia đình tôi mở tiệc lớn đón nhận Sài Lủng, mời cả làng dự. Hai xe ô tô ngược đèo đón cháu, ông bà ngoại, và các cô bác thân cận. Cả nhà tôi thuê xe về quê. Tôi đã chụp được khoảnh khắc cha con cậu Nhất ôm nhau. Có giọt nước mắt muộn màng của người cha, từng bỏ rơi giọt máu của mình nơi lưng đèo. Cậu Nhất đưa con trai Sài Lủng đi thắp hương cho ông bà nội, thăm anh em họ hàng.

Tôi gọi điện cho mẹ Sài Lủng báo tin. Niềm hạnh phúc vỡ òa. Tôi nghe đầu máy bên kia giọng cô gái Nùng, nức nở, nghẹn ngào. Rồi tiếng khóc của hạnh phúc. Nước mắt của cô, tự bao giờ tràn xuống đôi má tôi, ngọt ngào và ấm áp.

Tuyên Quang, mùa hè 2023