'Giảm ảnh hưởng' - Cuộc chiến chống lại phong trào mua hàng qua mạng

Những video "tuyên chiến" với tiêu thụ quá mức trên TikTok. (Nguồn: Vietnam+)

Mặc thử quần áo mới mua, bổ sung kho dự trữ đồ ăn, khoe các sản phẩm làm đẹp là những hình ảnh đang tràn ngập trên . Những video này thu hút một số lượng lớn người theo dõi, và từ đó tăng doanh số cho những mặt hàng được giới thiệu trong video.

Nhiều người dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm được người khác ca ngợi, hoặc những bộ trang phục mà người khác mặc lên đẹp. Điều này dẫn đến sự bùng nổ của các video “review” trên mạng xã hội, thu hút một lượng lớn khách hàng đến ăn hay mua hàng theo lời giới thiệu.

Nhưng cũng từ trào lưu này, không ít người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự thất vọng khi họ mua sắm hoặc trải nghiệm theo các video review mà không nhận được kết quả như ý, gây lãng phí tiền và thời gian.

Và giờ đây, một nhóm nhà sáng tạo nội dung đang trở thành tâm điểm của TikTok khi kêu gọi người dùng mạng từ bỏ thói quen mua sắm quá nhiều hàng hóa, mà họ gọi là “tiêu dùng quá mức.”

Họ được gọi là những người “giảm ảnh hưởng” – những nhà sáng tạo nội dung đang cố gắng thuyết phục mọi người không mua những sản phẩm đang “hot” trên mạng, mà thay bằng sản phẩm khác có công dụng tương đương nhưng giá rẻ hơn.

Những video "tuyên chiến" với tiêu thụ quá mức trên TikTok. (Nguồn: Vietnam+)

Và giờ đây, làn sóng “giảm ảnh hưởng” này đang phát triển mạnh hơn thành một cuộc chiến chống lại sự tiêu dùng quá mức, gắn liền với cụm từ "overconsumption".

Nhiều nhà sáng tạo nội dung cho rằng TikTok đã khiến người dùng tin rằng càng mua nhiều đồ mới chúng ta càng hạnh phúc hơn hoặc cảm thấy thành công hơn. Điều này đã dẫn đến tình trạng tiêu thụ quá mức - mọi người đang mua nhiều hơn mức họ cần và tiêu tiền một cách không cần thiết. Mặt khác, hành vi này cũng ảnh hưởng đến môi trường.

Một người dùng TikTok có tên Michelle cho biết: “Tiêu dùng quá mức giống như một cơ chế đối phó của cơ thể. Điều này không chỉ có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn mà còn khiến bạn suy sụp.”

Một người sáng tạo nội dung khác, Ellie, cho biết trên TikTok rằng hiện nay nhiều người đang phải đối mặt với khó khăn tài chính, và “thật nản lòng khi lên mạng xã hội và chứng kiến những người trẻ tuổi đang đi du lịch khắp nơi và mua tất cả những sản phẩm xa xỉ nhưng vô dụng.”

Nhiều video trên mạng khoe những bộ sưu tập khổng lồ về các sản phẩm làm đẹp được sắp xếp, lưu trữ một cách cẩn thận. Tuy nhiên, mọi mỹ phẩm đều có hạn sử dụng, và phần lớn trong số này sẽ trở thành những sản phẩm không kịp sử dụng hoặc không sử dụng hết, gây lãng phí và tốn kém.

Đối với những TikToker có sức ảnh hưởng, việc đăng tải các sản phẩm, hàng hóa đôi khi là một cách để họ kiếm tiền từ các nhãn hàng, hoặc tăng tương tác để thu hút được các quảng cáo. Tuy nhiên, đối với những người theo dõi mạng bình thường, việc mua theo các TikToker chỉ khiến họ nghèo đi và các công ty thì giàu lên.

Theo một người dùng TikTok, việc những người có ảnh hưởng khoe kho hàng họ sở hữu chỉ mang tính chất “hào nhoáng và phô trương,” nhưng lại kích thích mọi người chạy theo họ. Bởi trong xã hội hiện tại, nhiều người cho rằng việc sở hữu nhiều tài sản hoặc các món đồ hợp thời trang là rất thú vị và giúp chúng ta thỏa mãn ước mơ.

Những video "tuyên chiến" với tiêu thụ quá mức trên TikTok. (Nguồn: Vietnam+)

Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao cũng trở thành một chủ đề nổi bật trên mạng xã hội.

Bên cạnh các video về việc mua sắm quá mức, cũng ngày càng có nhiều các video thảo luận về mức giá tiêu dùng ngày càng cao hoặc việc kiếm tiền khó khăn đến mức nào. Nó cho thấy sự thay đổi rõ rệt so với loạt nội dung tích cực thường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram.

Cuộc chiến chống lại sự tiêu dùng quá mức có lẽ là một cách những nhà sáng tạo nội dung cố gắng xác định lại tiêu chuẩn của sự “sành điệu” hay thành công.

Thay vì khuyến khích mua sắm và đưa ra những sản phẩm mới nhất cần mua, cuộc chiến giảm ảnh hưởng hiện nay đang cố gắng làm nổi bật những lợi ích cũng như thú vị của việc sống đơn giản hơn và tiết kiệm hơn./.

(Vietnam+)