Dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ | Hà Nội tin mỗi chiều

Dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên thí sinh có giải học sinh giỏi hay chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào lớp 10 công lập. Thông tin này nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ sở giáo dục, các thí sinh và phụ huynh khi mùa ển sinh đang đến gần.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở dĩ Bộ bỏ quy định về điểm khuyến khích, trong đó có quy định ưu tiên chứng chỉ trong tuyển sinh lớp 10 vì nhận thấy có thể gây mất công bằng. Thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn. Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có mong muốn học tốt môn ngoại ngữ, thì điều kiện đi lại và vấn đề học phí luôn luôn là trở ngại lớn. Như vậy, dùng chứng chỉ để tuyển sinh là không công bằng.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng làm phương tiện học tập và làm việc, chứ không phải học chỉ để lấy chứng chỉ phục vụ tuyển sinh. Các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ và thi lấy chứng chỉ vẫn là điều tốt. Nếu vừa có chứng chỉ, vừa chăm chỉ học ngoại ngữ, học sinh vẫn có lợi thế thi môn ngoại ngữ vào lớp 10 nên cũng không cần thiết phải cho điểm khuyến khích. Do vậy, không thể nói việc bỏ quy định ưu tiên chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh làm giảm phong trào học tiếng Anh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS. Ảnh: Nhật Thịnh

Trước kiến nghị của các địa phương về việc cộng điểm ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ này, trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, đánh giá cụ thể nhưng rất khó có chuyện tuyển thẳng không kèm điều kiện khác với thí sinh có chứng chỉ IELTS. Các tỉnh, thành được chủ động kế hoạch tuyển sinh, môn thi, hình thức, nhưng tuyển thẳng hay ưu tiên thì phải thực hiện theo yêu cầu của Bộ. Trong năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông tại một số địa phương.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, xét tuyển thẳng học sinh THPT qua chứng chỉ IELTS có thể xuất phát từ nhận thức tích cực của một số phụ huynh và nhà trường muốn hướng con em đến năng lực công dân toàn cầu, mà một trong những tiêu chí đó chính là ngoại ngữ. Tuy nhiên, mong muốn này dường như bị “chủ nghĩa thành tích” làm cho sai lệch. Giống như trở thành một trào lưu, một số trường phổ thông dựa vào năng lực ngoại ngữ như một tiêu chí để được ưu tiên, xếp lớp, chọn trường. Nhiều chuyên gia cũng không ủng hộ việc “sính” xét chứng chỉ ngoại ngữ từ bậc phổ thông vì thực tế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Ngoài ra, còn gây ra hệ lụy học lệch, học tủ, học sinh bỏ qua môn học chính khóa để dồn lực vào học ôn IELTS, vô hình chung sẽ làm các em bỏ đi rất nhiều kiến thức nền tảng cơ bản. Ở bậc học này, phụ huynh cần chuẩn bị cho con tư duy phản biện độc lập để thích ứng với những thay đổi liên tục của thời cuộc.

Thời điểm này đã có 20 tỉnh, thành phố công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Để hóa giải áp lực thi cử cho các thí sinh thì trước tiên là phải hay đổi nhận thức từ chính các bậc cha mẹ. Chứng chỉ ngoại ngữ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để học sinh bước vào cánh cổng lớp 10, vào đại học hay thành công hơn trong cuộc sống.

Xử lý nghiêm hai thanh niên đi xe máy đánh người, tạt đầu xe ô tô trên đường Vành đai 2

Thông tin về vụ hai thanh niên đi xe máy gây gổ, đánh người, tạt đầu xe ô tô trên đường Vành đai 2 đang khiến dư luận bức xúc. Cơ quan chức năng đã tạm giữ hai thanh niên này đồng thời tiếp tục xác minh những người có liên quan để xử lý.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện video ghi lại sự việc xảy ra vào 16h ngày 25/2, chị Nguyễn Phạm Thục Anh ở quận Long Biên, Hà Nội điều khiển ô tô con trên đường Vành đai 2 hướng từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Khi đến gần khu đô thị Times City, chị bất ngờ bị hai thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, tạt đầu xe. Nếu ô tô nào bấm còi thì người điều khiển xe máy dùng chân đạp vào xe và đấm vào kính. Đây cũng là tuyến đường chỉ dành riêng cho xe ô tô, tuy nhiên hai thanh niên đã cố tình vi phạm, thách thức pháp luật. Khi thấy chị Thục Anh đi chậm lại để tránh va chạm, hai thanh niên liền giả vờ đổ xe, yêu cầu chị xuống nói chuyện. Khi chị Thục Anh kiên quyết không xuống xe thì bị các đối tượng thách thức, hăm dọa. Trong lúc hai thanh niên chửi bới chị Thục Anh, một ô tô con 4 chỗ khác vượt lên cũng bị chặn đầu. Hai nam thanh niên giật cửa kính và hành hung lái xe khi người đàn ông này xuống để nói chuyện trái phải.

Hai đối tượng Trần Văn Hiệp và Trịnh Thịnh tại cơ quan công an.

Đường vành đai 2 trên cao nối từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở, tốc độ cho phép 80km/h. Tuyến đường này chỉ dành cho ô tô, cấm xe máy, xe thô sơ và người đi bộ. Theo Chỉ huy Đội cảnh sát giao thông số 4, ngoài hành vi đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, hai thanh niên còn có dấu hiệu hình sự như hành hung, phá hoại tài sản. Tại cơ quan công an, hai đối tượng đã khai nhận có uống bia trước khi lái xe nên đã không kiểm soát được hành vi của mình.

Những trường hợp vi phạm trên đường cao tốc như hai thanh niên vừa nêu không phải cá biệt. Trên các diễn đàn giao thông, không khó để bắt gặp những hình ảnh qua video được các tài xế ghi lại về các hành vi lạng lách, đánh võng, cà khịa người đi đường. Những hành vi này không chỉ mang họa cho bản thân, mà còn khiến những người điều khiển phương tiện khác gặp tai bay vạ gió khi chẳng may va chạm với những người thiếu ý thức này. Chưa kể, nếu tai nạn xảy ra những thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn, kéo theo sự ùn tắc giao thông trên cao tốc, gây ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc của biết bao con người.

Lưu thông, di chuyển trên đường là một phần thiết yếu hàng ngày của cuộc sống. Những lái xe xung quanh chắc chắn là bạn đồng hành, chứ không phải đối thủ thù nghịch hay chướng ngại vật giữa bạn và đích đến. Thái độ lịch sự, văn minh, tuân thủ pháp luật là yếu tố quyết định để có một hành trình an toàn./.