Có nên mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú - 'tinh hoa' trong ngành Y?

Người đồng tình, người còn băn khoăn

Từ trước đến nay, đào tạo bác sĩ nội trú được coi là tinh hoa vì điều kiện khắt khe và chỉ tiêu ít. Các chuyên gia bắt đầu tranh luận hình thức đào tạo này có nên mở rộng hay vẫn thắt chặt như từ trước đến nay.

GS.Nguyễn Đức Hinh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y à Nội cho hay, một bác sĩ học 9 năm khám chữa bệnh chắc chắn rất khác một bác sĩ học 6 năm và đương nhiên khi khám chữa bệnh sẽ giảm được sai sót, giảm làm phiền người bệnh.

Bác sĩ nội trú là tinh hoa trong ngành Y, động lực nâng chất lượng khám chữa bệnh. Đang có hai luồng ý kiến tranh luận về việc có nên mở rộng đào tạo đội ngũ tinh hoa này hay không.

Đồng tình với việc mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú, GS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói rằng, rất cần đào tạo bác sĩ nội trú đại trà vì kiến thức trong 6 năm học bác sĩ mới chỉ là cơ bản.

Muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu phải học Nội trú. Trước kia một khóa học chỉ gần 10% bác sĩ nội trú, nhưng giờ cần nhiều hơn, do đó, các trường có đủ điều kiện về giảng viên cơ hữu, cơ sở thực hành, thì phải mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú.

Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú, ngoài lý thuyết chuyên sâu, phải có cơ sở thực hành, nên phải có thầy cô hướng dẫn lâm sàng tốt, phòng học, phòng phòng tiền lâm sàng tốt nhất của mỗi chuyên ngành. Hiện phòng tiền lâm sàng hiện còn đang thiếu, nên cần được đầu tư.

Với học viên, phải chăm chỉ, tuân thủ tốt quá trình đào tạo, không phải học kiểu đối phó mà là học lấy kiến thức cho chính bản thân để làm nghề tốt hơn. Hiện nhiều bác sĩ trẻ e ngại chương trình đào tạo bác sĩ nội trú 9 năm là dài và có theo được toàn bộ chương trình hay không.

Khi hỏi về quan điểm có nên mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Nguyễn Duy Ánh nói rằng trước đây, quy định khi học bác sĩ nội trú phải ở bệnh viện 24/24 giờ.

Ngoài chuyện bệnh viện quản lý rất chặt chẽ, chương trình học của nhà trường luôn kín lịch. Với việc đào tạo này, đội ngũ bác sĩ nội trú có nhiều kinh nghiệm khi được học tập các thầy, cô hàng đầu trong chuyên môn của mình và tự tin hành nghề sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, theo GS.Ánh, có thực tế hiện nay là chất lượng đào tạo bác sĩ nội trú đã có phần giảm sút so với trước. Vậy nên nếu chúng ta mở rộng đào tạo đại trà, sa sút trong chất lượng sẽ làm mất đi chất lượng và bản chất của bác sĩ nội trú. Khi đó niềm tin vào nguồn nhân lực chất lượng cao giảm sút.

Bên cạnh đó, với việc đào tạo mở rộng, có tình trạng thừa bác sĩ nội trú tại tuyến trên, trong khi đó, tuyến dưới vẫn khát nhân lực chất lượng cao.

GS.Ánh cho rằng, việc đào tạo là đúng, nhưng đào tạo xong các bác sĩ nội trú mặc định ở lại viện lớn, không về địa phương và họ sẽ khó tìm được đúng vị trí như kỳ vọng.

Đưa ra các kiến nghị đề xuất để nâng chất lượng bác sĩ nội trú, theo GS.Nguyễn Duy Ánh, trước đây vì quá hiếm hoi nên bác sĩ nội trú được ưu tiên khá nhiều thứ, trong đó, có ưu tiên về chỗ làm việc.

Vì thế, gần như “luật bất thành văn” là bác sĩ nội trú ra trường được ở lại các bệnh viện tuyến trung ương, ở lại Hà Nội và các thành phố lớn, nên các tỉnh hầu như trắng bác sĩ nội trú dù rất cần. Trong khi hiện nay, bệnh viện tuyến trung ương cũng không còn chỗ để nhận bác sĩ nội trú nữa, vì mỗi năm đào tạo nhiều hơn.

Ở các nước phát triển, bác sĩ nội trú phân bố khá đồng đều khi bác sĩ nội trú ra trường đều về làm việc tại các địa phương rồi mới trở về các bệnh viện lớn, để các bác sĩ giỏi phải cống hiến. Ở nhiều nước, bác sĩ nội trú chưa đi các tỉnh, các bệnh viện có quyền từ chối nhận.

Do đó, Việt Nam cần có chính sách bác sĩ nội trú tốt nghiệp phải đi các tỉnh một thời gian, rồi mới được về Trung ương, dĩ nhiên, nhà nước cần hỗ trợ để họ đủ sống và cống hiến. Bằng cách này, các tỉnh sẽ có bác sĩ giỏi.

Băn khoăn về chất lượng đào tạo

Băn khoăn về chất lượng đào tạo bác sĩ nội trú, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói rằng, chúng ta hy vọng sẽ có 100% bác sĩ nội trú, nhưng các cơ sở đào tạo có đủ giảng viên, cơ sở thực hành, chuyên gia kèm cặp các bác sĩ nội trú không? Hay vào học nội trú thì muốn học đâu thì học, thậm chí là bỏ học cả tuần không ai kiểm tra, thậm chí giảm tiêu chuẩn đào tạo nội trú so với bác sĩ nội trú trước kia.

Thực tế thì đào tạo bác sĩ nội trú đã có những tiêu chí cứng, vì dù thông minh bao nhiêu vẫn phải chuyên cần, chăm chỉ. Ngành y không thể thông minh thay cần cù. Vậy nên phải có khung đào tạo, môi trường đào tạo và cả người giám sát đào tạo, để bác sĩ nội trú phải thực sự là những người giỏi tay nghề.

Ngoài ra, việc đào tạo bác sĩ nội trú và chính sách việc làm cho họ phải đi đôi với nhau, tránh đào tạo ra nhiều mà ra không bố trí được việc làm. Đào tạo ít thì lại không đạt được chính sách quốc gia cần có nhiều bác sĩ giỏi. Do đó, đầu vào cũng phải vừa đủ tránh dư thừa.

Còn theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có khoảng 40% bác sĩ tại bệnh viện là bác sĩ nội trú, trung bình mỗi khoa phòng có 4-5 bác sĩ nội trú. Việc đào tạo nhiều sẽ không thừa, vì hiện nay, việc nhiều cơ sở y tế kết hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo bác sĩ nội trú theo địa chỉ.

Tuy nhiên, ông Điển cho rằng, khó khăn của việc đào tạo bác sĩ nội trú khi mở rộng là phải bảo đảm chất lượng đào tạo và phải có lộ trình.

“Lộ trình có thể đặt ra tăng từ 5% đến 10% trong từng năm. Để tiến tới đạt được như Pháp có tới 80-90% bác sĩ nội trú, tôi nghĩ chúng ta phải mất 20-30 năm nữa. Việc khó khăn của đào tạo bác sĩ nội trú chính là không phải nơi nào cũng có cơ sở thực hành bảo đảm tiêu chuẩn và lực lượng thầy cô giảng dạy”, bác sĩ Điển cho hay.

Do đó, ông Điển đề xuất, ngành Y tế có thể đưa ra một kỳ thi tuyển chung bác sĩ nội trú và sau đó các bác sĩ sẽ được lựa chọn nơi mình thực hành đào tạo theo điểm từ cao xuống thấp. Mỗi năm, các bác sĩ đều có quyền thi lại để đăng ký lại hồ sơ. Điều đó cần phải có một ban điều phối mang tầm quốc gia để hoạt động này được triển khai tốt nhất.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, theo GS. Hinh phải chuyển đổi mô hình đào tạo bác sĩ nội trú là đào tạo bắt buộc cho tất cả các bác sĩ trước khi hành nghề như thế giới đã làm. Ngay cả Lào, Campuchia, bác sĩ ra trường đều phải học nội trú mấy năm.

Nhưng có một trở ngại, theo nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội là hiện tại nhiều trường chưa được cấp phép đào tạo bác sĩ nội trú. Do đó cần quy định mỗi khu vực có bao nhiêu người dân thì phải có một trường y và các bệnh viện thực hành của trường y đó.

Trên thế giới, cứ 2-3 triệu dân là có một trường đại học y. Chúng ta có 90 triệu dân phải có ít nhất là 30 trường đại học y rải đều, còn nếu tụ lại ở một số chỗ và nhiều nơi không có, thì vùng không có sẽ không có được đầu tầu để kéo lên. Nhiều tỉnh lớn không có trường đại học y, trong khi, Hà Nội và TP.HCM lại có rất nhiều trường.

Mỗi trường cũng cần có một số bệnh viện thực hành, chứ không thể một bệnh viện nhận sinh viên của 3-4 trường, vì sẽ “giẫm chân” lên nhau.

Ở Việt Nam, từ khi hình thành hệ bác sĩ nội trú đến giờ đều đồng đầu học 3 năm, là không hợp lý. Thế giới có hệ 3 năm, 4 năm, thậm chí 5 năm, như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật tim mạch.

Bác sĩ gia đình hay bác sĩ đa khoa ra trường cũng phải học nội trú, vì là tuyến sàng lọc đầu tiên và có phát triển tốt hệ thống này mới giảm tải được cho tuyến trên. Phải tổ chức theo mô hình như vậy mới hội nhập quốc tế.

D.Ngân