Điện hóa, xanh hóa giao thông bằng minibus điện

Xe buýt điện mini (minibus điện) không chỉ giúp kết nối, trung chuyển hành khách từ các tuyến đường, hẻm nhỏ, thúc đẩy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) mà còn góp phần phát triển giao thông xanh cho HCM.

Vận chuyển hành khách công cộng

Vận chuyển hành khách công cộng (VCHKCC) ở TP HCM hiện chỉ đạt khoảng 350-400 triệu người/năm, đáp ứng chưa tới 8% nhu cầu so với tỉ lệ VCHKCC ở các nước phát triển (40% trở lên). Các nguyên nhân chính bao gồm: Xe buýt hiện nay đã xuống cấp, tuy có bổ sung nhưng chưa đáp ứng chất lượng dịch vụ, giảm thu hút hành khách. Phần lớn (85%) người dân ở trong khu dân cư đường sá nhỏ hẹp không muốn đi bộ trên 200 m tới các trạm dừng xe buýt, lượng lớn dân số này chuyển sang xe máy, gia tăng áp lực lên VCHKCC nên xe buýt càng khó hoạt động và người dân càng xa lánh phương tiện này.

Thực tế, năng lực của hệ thống VTHKCC (xe buýt) hiện có thể đáp ứng đến 15%-20% nhu cầu nhưng vì gần 69% là đường phố hẹp dưới 7 m, nên xe buýt càng không thể tiếp cận tốt ở phạm vi dưới 500 m trở lại để người dân dễ sử dụng trong khi chưa có xe trung chuyển.

Do vậy, ngoài việc nâng cấp chất lượng, tiện nghi và dịch vụ xe buýt, cần có phương thức hỗ trợ 85% lượng hành khách từ các hẻm, đường nhỏ trong những khu dân cư nối kết các tuyến xe buýt lớn và metro. Việc đưa vào ứng dụng hệ thống minibus từ 17 đến 29 chỗ đóng vai trò kết nối, trung chuyển là một giải pháp quan trọng, cấp thiết nhằm tăng cường năng lực VCHKCC.

Xe buýt điện là xu hướng tất yếu cho phát triển giao thông xanh ở TP HCM Ảnh: THU HỒNG

Ngoài việc trung chuyển hành khách, minibus điện cũng là phương tiện chở khách du lịch tham quan trong các khu vực khác nhau của TP HCM, rất thuận tiện và phù hợp xu hướng điện hóa.

TP HCM đã có đề án hệ thống minibus trung chuyển (với các loại xe có số chỗ từ 12 trở lên cho các đường hẻm chiều rộng 3-6 m và 17 đến dưới 29 chỗ cho các đường 7-9 m hoặc 12 m) ra các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm. Đây là các loại minibus (điện hoặc hybrid) thiết kế theo quy chuẩn Việt Nam trong một dự án khả thi, đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM và HĐND TP HCM xem xét thông qua, gửi ộ GTVT đề nghị thực hiện trong các năm 2018-2021. Tuy nhiên, điều 5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe buýt phải có từ 17 chỗ trở lên nên đề án trên đang được điều chỉnh lại.

4 tiêu chí cho minibus điện

Vấn đề đặt ra là chọn loại minibus nào phù hợp với xu hướng phát triển của TP HCM.

Theo đó, minibus điện phải đáp ứng cùng lúc 4 tiêu chí: Thứ nhất, số chỗ cho xe buýt. Thứ hai, tuân thủ các quy định kỹ thuật về an toàn cho hành khách theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT về độ bền và cứng vững, quy định về an toàn… Thứ ba, sử dụng hệ thống điện đúng tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Thứ tư, bảo đảm an toàn giao thông trong dòng xe hỗn hợp.

Theo tính toán của đề án hệ thống xe minibus TP HCM, để đáp ứng 40% nhu cầu VCHKCC cần có 3.200 minibus điện cho giai đoạn 2030.

Hiện nay, TP HCM đang có đề án thí điểm sử dụng điện 4 bánh vận chuyển khách tham quan, du lịch tại TP HCM do một công ty đề xuất. Nhà đầu tư triển khai 200 xe điện 4 bánh từ 5-14 chỗ đưa khách từ nơi lưu trú đến các điểm tham quan, giải trí, các trung tâm thương mại, di tích lịch sử, văn hóa và ngược lại. Loại xe này có nguồn gốc từ các loại xe sử dụng trong các khu vui chơi, resort, sân golf có tốc độ thấp (dưới 30 km/giờ), kết cấu đơn giản, được cải tạo thêm phần cửa và một vài tiện ích, không đáp ứng tiêu chuẩn của xe minibus nói chung và minibus điện nói riêng. Xe điện này cần trang bị lại toàn bộ động cơ điện, pin, thay đổi kết cấu thân vỏ, cửa kính chịu lực… để đáp ứng tiêu chuẩn minibus điện, điều này sẽ làm tăng giá gấp đôi thì lại càng không hiệu quả.

Như thế, ở dự án thí điểm này, cơ quan chức năng cần lưu ý phương tiện phải đáp ứng 4 tiêu chí nêu trên, nhất là tiêu chí về tuân thủ các quy định kỹ thuật an toàn cho hành khách theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT. Cho dù là hoạt động trong phạm vi hạn chế nhưng chở khách du lịch ở trung tâm thành phố sẽ phải chạy trên các đường giao thông công cộng có dòng xe hỗn hợp với các loại xe khác có tốc độ cao hơn. Vì thế, khi có va chạm với các xe tốc độ cao hơn thì thân xe dễ bị biến dạng, gây nguy hiểm cho hành khách. Chưa kể ở tốc độ chậm, xe điện 4 bánh này là một tác nhân gây ùn tắc giao thông cục bộ với các xe khác trên cùng làn đường có tốc độ cao hơn (50-60 km/giờ).

Do vậy, cần thận trọng khi đưa loại xe điện 4 bánh này để chở khách tham quan, du lịch trong trung tâm TP HCM. Chúng ta đã có những bài học đắt giá về sử dụng mô tô 3 bánh nhập từ Trung Quốc thay cho xích lô, ba gác tự chế; dự án 10.000 xe 4 bánh gắn động cơ thí điểm thay thế xe ba gác chở hàng nhưng chúng đều hoạt động không hiệu quả, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và cuối cùng phải loại bỏ.

PGS-TS PHẠM XUÂN MAI (cố vấn giao thông TP HCM)