Đến Đồng Tháp, thưởng thức 'đặc sản' câu cá, chèo xuồng ngắm sen

Đồng Tháp có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Phát huy nét văn hóa bản địa đặc trưng

Du lịch nông nghiệp được xác định là loại hình chủ lực trong chiến lược phát triển của Đồng Tháp. Các mô hình Làng du lịch du lịch sinh thái - ẩm thực; du lịch trải nghiệm - giáo dục; du lịch sinh thái, trải nghiệm - nghỉ dưỡng hay những trải nghiệm như chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, tham quan miệt vườn, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê... được xem như "đặc sản" của du lịch Đồng Tháp.

Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gồm: 8 Homestay (hình thức tiếp đón và lưu trú của khách du lịch theo cách thức bình dân), 2 Farmstay (hình thức lưu trú tại trang trại), 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề.

Các huyện trong tỉnh cũng đã lan tỏa và phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp khai thác các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Đơn cử như tại huyện Tháp Mười, nhiều hộ dân đang khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Khu du lịch Đồng Sen. Đến đây, du khách được trải nghiệm bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, chụp ảnh lưu niệm, câu cá giải trí, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen và mua sắm các sản phẩm được chế tác từ sen...

Huyện Lai Vung đang phát triển hiệu quả các mô hình du lịch nông nghiệp tham quan vườn cây ăn trái như: trải nghiệm vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận...

Hay vùng trồng hoa kiểng Sa Đéc (thành phố Sa Đéc) đã phát triển 18 điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp; trong đó có 12 điểm đang khai thác hiệu quả...

TS. Trần Văn Túy tại Viện Kinh tế Văn hóa nhận định, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Phát triển các loại hình du lịch này không chỉ giúp địa phương bảo vệ tài nguyên môi trường mà còn phát huy nét văn hóa bản địa đặc trưng vốn có của địa phương.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho rằng, mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quảng bá vùng đất, con người Đồng Tháp.

"Mô hình này tạo điều kiện hỗ trợ các điểm du lịch mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, đóng góp từ 5-6% GRDP cho tỉnh", ông Tuyên nói.

Tại huyện Tháp Mười, nhiều hộ dân đang khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Khu du lịch Đồng Sen. (Nguồn: Người Lao động)

Nâng tầm giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp

Ông Ngô Quang Tuyên nhận thấy, tỉnh cần định hướng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển du lịch nông nghiệp và giúp nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn.

Đồng thời, Đồng Tháp cần phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao (như du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử kết hợp lễ hội, du lịch ẩm thực Sen).

Tại hội thảo “Nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp” diễn ra mới đây, các chuyên gia cũng đề xuất, tỉnh cần quy hoạch từng vùng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với thế mạnh tài nguyên bản địa từng địa phương; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, kết hợp du lịch với các dịch vụ vui chơi giải trí mang tính trải nghiệm cao.

Bên cạnh đó, tăng cường tính liên kết giữa các hộ kinh doanh, giữa các địa phương trong tỉnh và với công ty dịch vụ, đơn vị lữ hành du lịch; quan tâm đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú...

Đại diện Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: "Chính quyền Đồng Tháp cần tạo chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư trang trại du lịch. Đi kèm với đó, chính quyền cần ban hành cơ chế riêng để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển.

Cần phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú; tạo thương hiệu quốc gia cho xoài Đồng Tháp; xác định đối tượng phục vụ của loại hình du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, việc thu hút nhân lực trẻ quay trở về quê hương phát triển du lịch cũng là vấn đề cần quan tâm".

Về phía Đồng Tháp, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng đổi mới, nâng tầm giá trị sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh nhiều hơn.

Tỉnh sẽ phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour, tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp; tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng.

Gia Thành