Mục tiêu cao nhất là kiến tạo môi trưởng kinh doanh lành mạnh

Trong suốt 67 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thể hiện rõ vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, ổn định thị trường, bảo vệ nhà sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được Chính phủ, bộ ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương ghi nhận.

Lực lượng Quản lý thị trường ra đời từ năm 1957 với nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách Quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ. Dù trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tách-nhập, song, hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi các giải pháp phát triển kinh tế.

Trước ngày 12/10/2018, lực lượng Quản lý thị trường hoạt động theo mô hình cấu trúc ngang bao gồm các Chi Cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố với 681 Đội Quản lý thị trường. Song trong bối cảnh thị trường phát triển như vũ bão, tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại... diễn biến rất phức tạp, ở mức độ tinh vi, khó đoán định. Các hành vi vi phạm xảy ra không chỉ ở một địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh nữa mà có phạm vi, quy mô rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Thậm chí nhiều đối tượng đã kết nối với người nước ngoài để đưa hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Đặc biệt, với sự phát triển của Internet, công nghệ thông tin, thương mại điện tử đã và đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện kiểm tra và xử lý. Chính vì thế, cách tổ chức lực lượng Quản lý thị trường theo mô hình cũ, chia cắt theo địa phương đã bộc lộ những giới hạn, không theo kịp nhu cầu quản lý trong tình hình mới.

Để giải quyết những tồn tại, bất cập nêu trên ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Theo đó, Tổng Cục được tổ chức theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc tập trung thống nhất.

Ngay khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã bắt tay vào khắc phục các bất cập của mô hình tổ chức cũ bị phân tán, cắt khúc theo vùng lãnh thổ. Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Với sức mạnh của mô hình mới, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiến công vào những điểm nóng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như: à Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý nghiêm, điển hình như: Kiểm tra, xử lý nhiều trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái (Quảng Ninh), Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Ninh Hiệp...; phát hiện lô hàng nhập, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại sân bay Tân Sơn Nhất; kho hàng chứa trữ 50 tấn hàng hóa với hơn 4 triệu sản phẩm tại Bắc Ninh; phát hiện lô hàng là thuốc tân dược, kit test nhanh Covid-19, mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất tại khu vực Cảng Hà Nội...

Đặc biệt, trong năm 2020, 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã thể hiện vai trò tiên phong trong trận chiến chống đại dịch Covid-19 khi vừa kiểm tra, kiểm soát thị trường, vừa tham gia túc trực để điều phối các mặt hàng phòng chống dịch tới tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý. Lực lượng Quản lý thị trường cũng là cơ quan đầu tiên đưa ra cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nạn thu gom khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng để tái chế, bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, một số vụ việc có dấu hiệu hình sự đã chuyển cơ quan công an như tạm giữ trên 4 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá gần 10 tỷ đồng tại Bắc Ninh, công an đã ra quyết định khởi tố, tạm giam đối tượng người nước ngoài; vụ việc 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ không có hóa đơn chứng từ, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra...

Trong những năm 2022, 2023 lực lượng Quản lý thị trường cũng ngăn chặn thành công nhiều vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu. Đây là những nỗ lực không nhỏ của toàn lực lượng Quản lý thị trường trong điều kiện Covid-19 kéo dài, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong và sau dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hệ thống tổ chức mới, lực lượng Quản lý thị trường đã phát huy vai trò, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường.

Không chỉ quyết liệt chỉ đạo trong lực lượng, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã chủ động phối hợp các lực lượng chức năng, bộ ngành để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường đặc biệt đối với vấn đề buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm áp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm… Ở cấp địa phương, lực lượng Quản lý thị trường quận, huyện đã xử lý nhiều vụ việc, địa bàn nổi cộm.

Thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mà còn giúp lực lượng Quản lý thị trường ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đủ sức “đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả”.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị thành viên thuộc Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương làm việc rất trách nhiệm, cố gắng và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Lực lượng Quản lý thị trường đã thực sự phát huy vai trò, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường” - ông Đặng Văn Dũng ghi nhận.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường từng chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều mặt trái của thị trường đòi hỏi phải có phương thức mới trong tiếp cận, đấu tranh và xử lý. Nắm bắt thực tế này, Tổng cục đã chủ động phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, coi đó là công cụ đi đầu tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, toàn lực lượng đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác Quản lý thị trường, đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cơ sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; hệ thống xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu...

Ngoài ra, nhằm hướng tới xây dựng lực lượng chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng xác định, đào tạo nguồn nhân lực chính là một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng. Do đó, ngay từ năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành đào tạo đầu tiên về lĩnh vực Quản lý thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên, lực lượng có một trường Đại học đào tạo chính quy, bài bản và chuyên sâu.

Điểm nhấn trong suốt 67 năm qua, có lẽ phải kể đến chính là năm 2021, trang phục màu “cỏ úa” đã chính thức được thay màu áo mới - màu xanh dương làm chủ đạo, biểu tượng cho sự trung thành, tin cậy. Với sự thay đổi trang phục mới, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng từng đánh giá: “Việc thay đổi trang phục chính là thay đổi cả bộ mặt của Tổng cục. Lãnh đạo Bộ rất kỳ vọng từ sự thay đổi trang phục này, với mong muốn hình ảnh của Quản lý thị trường trong mắt người dân, Chính phủ sẽ đẹp hơn”.

Ngoài ra, một điểm nhấn khác của lực lượng Quản lý thị trường đó là năm 2021, Tổng cục lần đầu tiên khai trương Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội và thành lập Tạp chí quản lý thị trường (cả bản in và điện tử).

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, lực lượng Quản lý thị trường cũng ghi dấu ấn trong các nhiệm vụ mang yếu tố chính trị, như tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác hỗ trợ lưu thông và tiêu thụ nông sản mùa vụ cho bà con nông dân.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen, Bộ trưởng ễn Hồng Diên cho rằng, lực lượng Quản lý thị trường cần nhận thức rõ và đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao; tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng phương pháp, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức công vụ để hướng tới xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng chỉ đạo: “Mục tiêu cao nhất của công tác Quản lý thị trường không phải là số tiền xử phạt, số vụ kiểm tra được thật nhiều, mà mục tiêu cuối cùng phải hướng đến là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng”.

Cùng đó, Bộ trưởng chỉ đạo, Quản lý thị trường cả nước cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm đối với một số mặt hàng thiết yếu, trọng điểm, như xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau, củ, quả, thuốc lá...

Hiện thực hóa các nhiệm vụ trên, người đứng đầu lực lượng Quản lý thị trường – ông Trần Hữu Linh cho biết, trong thời gian tới, lực lượng tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chính quyền địa phương. Song song đó, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh nổi cộm trên thị trường.

“Thay vì kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7 - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ và cho biết, những năm gần đây, lực lượng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn và các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Kết quả, nhiều biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đã được Tổng cục ký kết, triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả khi các vụ việc vi phạm đã từng bước giảm về quy mô, số lượng...

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục, tới đây, lực lượng sẽ tiếp tục hành trình xây dựng đội ngũ công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, để hướng tới xây dựng một lực lượng Chính quy - Chuyên nghiệp - Hiện đại đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp.

Hoàng Giang - Thu Giang