Đẩy mạnh trồng cây ăn quả giá trị cao

Năm 2021, Hà Nội chú trọng chất lượng giống tốt đối với diện tích cây ăn quả trồng mới.

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng: Bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn, chuối… Đây cũng là nhóm cây chủ lực khi chiếm tới 62% tổng diện tích.

Ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn Quảng Đại (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) - một trong những hộ trồng cây ăn quả quy mô lớn cho biết, nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vật tư..., vườn cây ăn quả rộng 3ha của gia đình đã hạn chế sâu bệnh, mẫu mã đồng đều, sản phẩm sáng và đẹp hơn. Vụ bưởi 2020-2021, tuy nhiều nhà vườn khó bán sản phẩm nhưng với mô hình đã được cấp chứng nhận VietGAP, việc tiêu thụ bưởi của gia đình ông Quyết rất thuận lợi, giá bán cao hơn thị trường 3.000-5.000 đồng/quả, hiệu quả kinh tế tăng gần 20%...

Không riêng hộ ông Quyết, hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn thị xã Sơn Tây đã đạt hơn 180ha, tập trung tại các xã: Cổ Đông, Sơn Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ... Đa số loại cây ăn quả (bưởi, chuối, nhãn chín muộn, táo, cam Canh...) trước đây được nông dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống. Song, để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, nâng cao giá trị sản phẩm, ngành Nông nghiệp thị xã Sơn Tây đã tích cực hỗ trợ nông dân triển khai xây dựng mô hình thâm canh bưởi VietGAP và cho kết quả khả quan trong những năm gần đây.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 21.880ha trồng cây ăn quả các loại; sản lượng năm 2020 đạt 300.886 tấn (tăng 35% so với năm 2015). Sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng và theo mùa; trong đó, 62% diện tích trồng các loại quả đặc sản: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô, ổi Đông Dư... Ngoài ra, một số giống cây ăn quả mới du nhập và phát triển trên địa bàn thành phố, như: Xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím... bước đầu cũng cho giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, các mô hình hỗ trợ phát triển cây ăn quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP đang chứng minh rõ tính hiệu quả. Từ thực tiễn đó, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu chăm sóc, cải tạo hơn 1.000ha cây ăn quả hiện có thông qua kỹ thuật mới (lai ghép, cải tạo giống, cải tạo đất...) và trồng mới khoảng 500ha cây ăn quả các loại.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, trên cơ sở kết quả bước đầu cùng những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng các mô hình cây ăn quả giá trị cao, Trung tâm xác định lựa chọn giống, chất lượng giống được ưu tiên hàng đầu... Tùy theo tính chất thổ nhưỡng từng địa phương, Trung tâm sẽ lựa chọn loại cây phù hợp, bảo đảm tính ổn định để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh lãng phí trong đầu tư và hướng tới môi trường xanh, sạch, đẹp… Cùng với giải pháp kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ cây ăn quả chất lượng cao của Hà Nội trên mạng xã hội, truyền hình, báo chí; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; khuyến khích các hợp tác xã, hiệp hội, trang trại xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả...

Sơn Tùng