Đảng cầm quyền Nhật sẽ cho phụ nữ dự họp, nhưng không được ý kiến

Đề xuất nêu trên do ông Toshihiro Nikai, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, tiết lộ tại cuộc họp báo vào cuối ngày 16/2, theo Reuters.

Tổng thư ký Nikai nói ông biết có nhiều ý kiến phàn nàn chuyện đàn ông “thống trị” trong ban điều hành đảng. Tuy vậy, ông khẳng định mọi người đều được bầu lên hợp lệ.

Toshihiro Nikai, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, trong một chuyến công tác ở Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters.

Ông Nikai thừa nhận việc để các nữ nghị sĩ "quan sát" quá trình ra quyết định của đảng là điều quan trọng. "Họ cần phải hiểu rõ những cuộc họp bàn nào đang diễn ra, cần phải biết thảo luận về vấn đề gì", ông Nikai nói tại cuộc họp báo.

Tuy nhiên, điểm quan trọng mà Nikkei Asia chỉ ra là các quan sát viên chỉ được phép dự họp chứ không được bày tỏ quan điểm ngay tại chỗ. Họ có thể gửi ý kiến đến văn phòng ban thư ký sau cuộc họp.

Ông Nikai thông báo đề xuất trên trong bối cảnh ông Yoshiro Mori, trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, phải từ chức hồi tuần trước vì những phát ngôn phân biệt giới tính.

Khi đó, cựu Thủ tướng Mori cho rằng phụ nữ không nên được dự họp vì họ nói quá nhiều. Phát biểu này vấp phải chỉ trích từ dư luận cả trong và ngoài nước, nhưng nó là ví dụ điển hình về tình trạng phân biệt giới tính ăn sâu trong lòng xã hội Nhật Bản.

Đầu tuần này, một nhóm nghị sĩ đảng LDP yêu cầu ông Nikai tăng tỷ lệ nữ giới nắm các vị trí chủ chốt trong đảng. Tuy nhiên, việc đề xuất chỉ cho phép phụ nữ là quan sát viên trong các buổi họp khiến nhiều người chỉ trích đảng LDP không nhạy cảm với thời cuộc.

Trả lời Reuters, Belinda Wheaton, nhà xã hội học văn hóa tại Đại học Waikato ở New Zealand, nói nhiều nhà lãnh đạo Nhật để phụ nữ dự họp như cách đánh bóng thương hiệu.

“Cần phải chất vấn họ vì sao lại cho rằng đàn ông ở độ tuổi 70-80 có thể làm việc tốt hơn đàn ông trung niên khoảng 40-50, hay là so với một phụ nữ", chuyên gia Wheaton nói.

Nhật Bản xếp hạng 121 trong số 153 quốc gia theo chỉ số Khoảng cách Giới Toàn cầu trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020. Đất nước này bị cho điểm kém bởi tỷ lệ nữ giới trong các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị rất thấp.

Minh An