Đa dạng các mô hình tạo việc làm cho lao động nông thôn

Huyện Hồng Ngự

Hội viên phụ nữ tham gia mô hình đan ghế nhựa trong thời gian nhàn rỗi

Thực hiện theo định hướng và chỉ đạo của UBND huyện, mỗi năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người LĐ từ cơ sở; xem xét các loại hình nghề nghiệp phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể, đề xuất mở các lớp đào tạo nghề có hiệu quả cao, thu hút học viên tham gia. Trong đó, tập trung đào tạo các nghề sơ cấp theo hướng phi nông nghiệp gồm thắt võng, nữ công gia chánh, dệt chiếu, kết cườm, tạo sản phẩm từ lục bình, đan ghế nhựa; công nghệ điện, điện lạnh, tiện, hàn, may công nghiệp, lắp ráp sửa chữa và nhóm nghề dịch vụ sửa kiểng, trang điểm, chăm sóc móng và tóc và nhóm nghề chế biến và bảo quản thủy sản đào tạo theo địa chỉ...

Qua khảo sát nhu cầu thực tế, trong năm 2020, huyện Hồng Ngự đã mở 9 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, có 190 học viên là LĐ nhàn rỗi tham gia. Các lớp nghề gồm may công nghiệp, đan thảm lau chân, may túi xách tự hoại, đan ghế nhựa tại 9 xã, thị trấn trong huyện. Đặc biệt, sau học nghề, các đơn vị, địa phương đã chủ đạo liên kết, tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 81% học viên, với mức thu nhập trung bình từ 3,5 triệu - 4,5 triệu đồng/tháng đối với nghề may và 1,5 triệu - 3,5 triệu đồng/tháng đối với nghề đan ghế nhựa. Trong năm 2020 có 2.955/2.600 LĐ được giải quyết việc làm, số LĐ chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là 1.152/1.089 LĐ (đạt 105,8% kế hoạch).

Phối hợp, thực hiện nhiệm vụ tư vấn, đào tạo nghề, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hồng Ngự duy trì có hiệu quả 7 mô hình tổ hợp tác gồm may gia công, trồng rau an toàn, đan ghế nhựa với 100 thành viên, 8 tổ liên kết với hơn 140 thành viên. Đến nay, các tổ hợp tác duy trì sinh hoạt thường xuyên, các tổ trưởng liên hệ tốt với các công ty và đại lý cung cấp hàng để nhận và giao hàng đúng thời gian, đảm bảo cho các thành viên có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân từ 2 – 3,5 triệu đồng. Điển hình như mô hình Tổ may gia công liên kết của Hội LHPN xã Thường Lạc, hiện có 20 thành viên tham gia. Mỗi tháng, các chị nhận hàng may gia công tại nhà cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn có Tổ đan ghế nhựa với trên 200 hội viên, phụ nữ tham gia có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Chị Phan Thị Ngọc Hà ngụ Ấp 6, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết: “Năm 2018, gia đình tôi khó khăn, sống chủ yếu nhờ giăng lưới theo mùa lũ hay làm thuê vào mùa khô, thu nhập bấp bênh. Năm 2019, Hội LHPN xã có vận động và tổ chức dạy nghề đan ghế nhựa. Tôi cũng tham gia, sau khi học xong thì nhận gia công sản phẩm. Đến nay, tôi đã chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và nhận đơn hàng về giao lại cho hội viên, phụ nữ trong tổ đan. Điều tiện lợi là tôi vừa có thể gia công sản phẩm và có thể làm việc nhà với thu nhập dao động từ 4 triệu - 6 triệu đồng/tháng”. Đề cập đến hiệu quả của mô hình, bà Phan Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết: “Xác định chủ trương giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra nên Hội LHPN xã luôn tạo mọi điều kiện về đào tạo nghề, vay vốn để chị em phát triển kinh tế. Qua đó giải quyết tiêu chí số 11 về giảm nghèo và tiêu chí số 12 về lao động có việc làm...”.

Tập trung các chính sách hỗ trợ, vận động thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu thực tế tại địa phương, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Ngự cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu, có định hướng nghề gắn với việc làm ổn định. Hội LHPN huyện Hồng Ngự tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các đề án: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939); tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trong giai đoạn 2017- 2027 (Đề án 938); các chương trình, kế hoạch phối hợp vận động, tư vấn hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động LĐ nhàn rỗi và LĐ qua đào tạo...

H.An