TS. Huỳnh Thanh Điền: Đường đi thông minh của kiều hối

Thiên thời – địa lợi…

KTSG: Tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng” được tổ chức mới đây tại TPHCM thu hút sự quan tâm bởi từ lâu kiều hối đã được xác định là nguồn ngoại tệ quan trọng cần được tận dụng tốt hơn của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước nhận kiều hối trên thế giới, nguồn lực này thường được dùng cho cả mục đích tiêu dùng và đầu tư, và việc nắn dòng tiền này vào khu vực đầu tư, sản xuất kinh doanh luôn là một bài toán với các nước nhận kiều hối. Theo ông, xét trên các nhu cầu và lợi thế hiện có của TPHCM, việc nắn dòng kiều hối vào hạ tầng có ý nghĩa như thế nào và mức độ khả thi của mong muốn này ra sao?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Việt Nam có khoảng 6 triệu kiều bào. Đa số kiều bào của chúng ta rời đất nước cách đây mấy chục năm, sau thời gian làm việc tại các nước phát triển, thu nhập của họ cao hơn nhiều người dân trong nước, nhiều người đã đạt được những vị trí nhất định trong doanh nghiệp hay cộng đồng cư trú. Kiều bào gửi tiền về cho người thân, một phần hỗ trợ họ, một phần để người thân đầu tư, mua bất động sản, thậm chí mua vàng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đã có sự chuyển dịch trong xu hướng sử dụng kiều hối, hướng nhiều hơn vào mục đích đầu tư, sản xuất kinh doanh, chứ không chỉ để tiêu dùng.

Xét về địa kinh tế, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ…, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều lần so với các nền kinh tế đã phát triển châu Âu, châu Mỹ. Dòng tiền khi đầu tư vào khu vực này sẽ có tỷ suất sinh lời cao hơn, ít nhất cũng phải tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình vào khoảng 5%, gấp đôi so với mức tăng khoảng hơn 2% của nền kinh tế Mỹ. Đối với Việt Nam, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nổi bật, nền kinh tế Việt Nam hiện đang mở cửa rất sâu rộng. Đây là môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Về địa chính trị, thế giới đang trải qua giai đoạn nhiều biến động khó lường như xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng tại dải Gaza và gần đây là sự đụng độ trực tiếp giữa Iran – Israel với diễn biến tiếp theo chưa thể dự đoán. Niềm tin của nhà đầu tư ở những khu vực kể trên bị suy giảm nhiều. Trong khi đó, Việt Nam có tình hình chính trị ổn định với đường lối ngoại giao đa phương, làm bạn với tất cả các nước. Tôi dự đoán, với tình hình kinh tế, chính trị như hiện nay, xu hướng gia tăng dòng kiều hối về châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ được duy trì trong khoảng 10 năm tới.

Thực chất, nếu nghiên cứu về tâm lý đầu tư, thông thường, nhà đầu tư quan tâm đến hai điều. Thứ nhất, môi trường đầu tư thân thuộc, ít nhất là có người quen, người thân sở tại và những người ấy hiểu rõ bối cảnh vĩ mô như tình hình kinh tế, xã hội, chính sách đầu tư… Thứ hai, dòng tiền sẽ hướng vào các lĩnh vực quen thuộc, nơi họ hiểu về quy định, quy trình, lề lối làm ăn… Vì vậy, Việt kiều có xu hướng chuyển tiền về cho người thân đầu tư hay kinh doanh trong nước.

Đối với TPHCM, riêng về nhu cầu đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn tính tới năm 2030, thành phố sẽ cần 960.000 tỉ đồng nhưng ngân sách chỉ bố trí được khoảng 20%. Phần còn lại phải huy động từ nguồn vốn xã hội, gồm cả kiều hối. Bằng không, tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông sẽ rất chậm so với kế hoạch.

KTSG: Rõ ràng, việc nắn dòng kiều hối vào đầu tư hạ tầng là nhiệm vụ rất cần quan tâm. Tọa đàm nêu trên có đề cập tới việc phát hành trái phiếu kiều hối, xin ông chia sẻ quan điểm về giải pháp này?

– Hạ tầng cần đầu tư tại TPHCM nên chia thành hai loại, một là hạ tầng dùng chung như đường sá, trường trạm…, không tiến hành thu phí khi được đưa vào sử dụng; hai là hạ tầng có thu phí như nhà máy xử lý rác, các trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm thể dục thể thao, sân bay, bến cảng…

Đối với loại hạ tầng đầu tiên, thành phố phải đứng ra làm. Nếu không đủ tiền thì thành phố phải đi vay từ nguồn trái phiếu và trả lại thông qua việc trích từ số ngân sách thu trên địa bàn. Hiện nhiều ý kiến kêu gọi cách huy động nguồn kiều hối thông qua trái phiếu kiều hối, theo tôi, chưa thực sự phù hợp. Bản chất việc phát hành trái phiếu nghĩa là đi vay tiền, vì thế, phải làm rõ khoản vay dùng cho mục đích cụ thể nào. Cần định dạng đó là trái phiếu công trình hướng đến nguồn kiều hối của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Đối với loại hạ tầng thứ hai, có thể thực hiện huy động vốn theo hai cách. Cách thứ nhất là theo các hình thức đối tác công – tư như BOT, BT…, thông qua các công ty đầu tư hạ tầng có vốn góp của Việt kiều. Cách tiếp theo là các công ty hạ tầng lớn hiện hữu có thể thành lập công ty có vốn góp từ Việt kiều để tham gia dự thầu các dự án hạ tầng có tiềm năng. Trên thực tế, vốn góp của Việt kiều tại các doanh nghiệp hạ tầng lớn, các quỹ đầu tư hay doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hiện không hề ít. Chúng ta cần kích hoạt tốt hơn dòng vốn tới các địa chỉ này.

Bài học thu hút yếu nhân

KTSG: Vậy chúng ta nên làm như thế nào, thưa ông? Chúng ta đã có khung chính sách để hiện thực hóa dự định này hay chưa?

– Muốn huy động trái phiếu công trình hướng tới dòng kiều hối hay thu hút vốn góp của Việt kiều trực tiếp vào các dự án hạ tầng đều đòi hỏi sự đồng bộ rất cao trong việc vận hành thị trường tài chính, trong chính sách đầu tư công.

Đối với thị trường tài chính, nguyên tắc để thu hút kiều hối là tính linh hoạt trong đầu tư và thanh khoản. Tính linh hoạt trong đầu tư thể hiện ở chỗ các chương trình đầu tư đảm bảo người có vốn nhiều hay ít đều có thể tham gia. Ngoài việc phân phối trực tiếp trái phiếu công trình cho các nhà đầu tư là Việt kiều, cần thực hiện niêm yết trái phiếu công trình trên thị trường chứng khoán, chẳng hạn sàn HOSE. Nghĩa là phải tìm cách nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. TPHCM đang có lộ trình xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, vậy nên, việc thu hút đầu tư vào trái phiếu công trình thông qua niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ thuận lợi.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để Việt kiều đầu tư thông qua các quỹ thu hút kiều hối. Trên thế giới, việc thu hút nguồn kiều hối thông qua các quỹ rất phổ biến, nhất là ở các nước nhận kiều hối lớn như Ấn Độ, Israel. Chúng ta nên tạo điều kiện để Việt kiều thành lập các quỹ, mỗi quỹ có những tôn chỉ, mục đích khác nhau, có thể dùng để mua trái phiếu công trình, có thể dùng để đầu tư trực tiếp vào các công trình hạ tầng thông qua góp vốn tại các doanh nghiệp liên quan, có thể rót tiền vào các dự án cụ thể theo mục tiêu của quỹ, bao gồm cả những dự án thuần túy thiện nguyện, đóng góp cho quê hương…

Tính linh hoạt trong thanh khoản đòi hỏi việc giao dịch trái phiếu công trình hay cổ phiếu tại các công ty đầu tư hạ tầng phải thuận lợi, khi dôi dư tiền bạc, nhà đầu tư Việt kiều dễ dàng mua vào và ngược lại, khi cần tiền mặt có thể bán ra đơn giản. Việc này liên quan trực tiếp tới sự vận hành của thị trường chứng khoán, đồng thời, đòi hỏi cả sự đồng bộ trong chính sách đầu tư công, để các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và lựa chọn phương án rót tiền có lợi nhất cho họ.

Cốt yếu trong chính sách đầu tư công để thu hút nguồn lực kiều hối nằm ở chỗ thành phố phải tạo được niềm tin cho Việt kiều về hiệu quả và tính ổn định của dự án. Trong quy hoạch phát triển thành phố, phải lập danh mục các dự án thu hút trái phiếu công trình, các dự án hợp tác công tư với các thông tin cụ thể, minh bạch về quy mô dự án, quy mô đầu tư, thời gian thu hồi vốn, nguồn thu, tỷ suất sinh lời và cam kết của thành phố trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, từ khâu chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng tới giai đoạn thu hồi vốn.

Ngoài ra, cần cam kết với nhà đầu tư về tính ổn định trong chính sách đầu tư công. Thông thường, các dự án hạ tầng lớn có thể kéo dài tới năm năm, 10 năm, do vậy, phải đảm bảo tính kế thừa trong việc đầu tư dự án, có các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng trong trường hợp xảy ra các biến động trong môi trường vĩ mô. Các công cụ điều tiết như thuế, lãi ngân hàng… có thể thay đổi hàng năm nhưng nhìn chung vẫn phải hướng tới chia sẻ lợi ích và rủi ro với nhà đầu tư.

Trong một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, dòng tiền rất thông minh và tự nó sẽ tìm đến các địa chỉ đầu tư hiệu quả nhất. Chỉ cần đưa ra các dự án có tỷ suất sinh lời cao và an toàn, chúng ta sẽ không sợ thiếu tiền đầu tư phát triển thành phố.

Tôi xin lưu ý thêm, các nguyên tắc nêu trên còn có thể áp dụng với việc đầu tư vào các hạ tầng mềm như khoa học công nghệ, nhân lực hay thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 98 về Thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TPHCM là khung pháp lý, vấn đề còn lại là thành phố sẽ áp dụng như thế nào? Chẳng hạn, muốn ưu tiên phát triển hạ tầng mềm nào, thành phố có thể đưa ra cơ chế, chính sách ưu đãi riêng, cả chính sách tài khóa lẫn những hỗ trợ về quỹ đất. Quy hoạch phát triển từng ngành, từng lĩnh vực nên rõ ràng, công khai, minh bạch để Việt kiều, doanh nghiệp bình đẳng và yên tâm đầu tư.

KTSG: Từ đầu cuộc trò chuyện, ông luôn đề cập tới niềm tin cho nhà đầu tư. Ngoài sự ổn định về chính sách, niềm tin trong việc đầu tư vào trái phiếu công trình hay vào các hạ tầng cứng, hạ tầng mềm có thể được tăng cường thông qua các cá nhân đứng đầu các quỹ đầu tư hay làm chủ các dự án cụ thể. Quan điểm của ông như thế nào và chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ đâu?

– Một trong những chính sách giúp cho nền kinh tế Trung Quốc có những bước phát triển vượt bậc để đạt được thành tựu hiện có là chính sách đưa những người xuất sắc nhất ra nước ngoài học tập và khuyến khích họ ở lại làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Song song với đó, Trung Quốc quy hoạch, chuẩn bị hạ tầng, cả hạ tầng cứng như đường sá, bến cảng, sân bay… tới hạ tầng mềm về nhân lực, công nghệ và sự chuẩn bị này được thực hiện với lộ trình phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước tỉ dân.

Khi những người giỏi đã thành tài, có vị trí quan trọng, được tiếp cận với các cách thức quản lý tiên tiến nhất và những công nghệ cập nhật nhất tại các tập đoàn đa quốc gia, một mặt, họ sẽ lôi kéo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới Trung Quốc (nên có những giai đoạn, vốn FDI đổ vào Trung Quốc một cách mãnh liệt). Mặt khác, chính những người tài năng này sẽ trở về nước, cùng với vốn, đội ngũ nhân lực và công nghệ tại các nước phát triển và thành lập các doanh nghiệp tại Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc, vì thế, có nền tảng rất vững chắc để phát triển, bắt kịp với các quốc gia có công nghệ tiến bộ nhất trên thế giới.

Tính tới thời điểm này, số lượng người Việt làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia kiểu như vậy tại châu Âu, Mỹ… không phải là ít. Việt Nam có thể cân nhắc bài học của Trung Quốc với những điều chỉnh phù hợp với thực tế của chúng ta.

Hoàng Hạnh