Cùng con chữ hiện thực hóa ước vọng

Rước lộc xuân về nhà

10 năm nay thư pháp gia Bùi Chính Hưng, CLB Việt Tâm bút, không ăn Tết cùng gia đình mà đồng hành với Hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Nét đẹp và ý nghĩa của hoạt động xin - cho chữ đầu năm khiến ông thay đổi dần suy nghĩ, bởi “ở góc độ nào đó hoạt động này đã tác động đến cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình và xã hội”.

Thư pháp gia Bùi Chính Hưng cho chữ tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn. Ảnh: H.Sen

Theo ông Hưng, xin chữ những ngày đầu năm giống như rước lộc xuân về nhà với nhiều điều may mắn, thuận lợi. Mỗi người xin chữ sẽ có mục tiêu trong năm mới, trợ duyên cho các sự kiện trọng đại trong cuộc đời, như kết hôn, chuyển đổi công việc, chuyển cấp, thi cử… từ đó họ có thêm động lực phấn đấu, hoàn thiện bản thân.

Lệ thường người già mong sức khỏe, người đi làm muốn ổn định công việc, học sinh thích thi cử đỗ đạt, học giỏi hơn, chăm ngoan hơn, có quyết tâm, kiên trì, rèn giũa, luyện tập để trở thành người có ích, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội... Ai cũng muốn thông qua con chữ để hoàn thiện bản thân, gửi gắm niềm tin, ước vọng, khát khao, lấy con chữ làm động lực đồng hành trong cả năm, hiện thực hóa mục tiêu trong năm mới.

“Năm con rồng 2024, chúng ta đều mong muốn có một phép nhiệm màu như tích cá chép hóa rồng. Song để có được điều đó phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi người. Nếu chúng ta đang chờ đợi cơ hội bứt phá thì cứ xin chữ, chơi chữ và theo đuổi ý nghĩa của những con chữ đó, tôi tin phép mầu sẽ xuất hiện với những ai không ngừng nỗ lực và luôn có niềm tin”, ông Hưng đưa ra lời khuyên.

“Chữ nhiệm thì thiêng, nghĩa ngộ thì đắc”

“Không có quy ước hay nguyên tắc chung, mẫu chữ chung giữa người xin và người cho chữ; cũng không có con chữ dành riêng cho công việc, độ tuổi hoặc nhóm người nhất định”, thư pháp gia Bùi Chính Hưng nói. Việc xin - cho chữ tùy thuộc ở mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Đơn cử, với người xin chữ vì công việc, thêm cơ hội thăng tiến, ổn định kinh tế… thông thường có thể xin chữ Thuận lợi, song sẽ là chữ Quyết tâm, Mục tiêu, Ý chí, Kiên trì… nếu muốn có bước chuyển mình; chữ Tĩnh, Bền, An yên… khi muốn dừng lại.

“Tùy thuộc vào bối cảnh, con người cụ thể, ước vọng cụ thể, người cho chữ sẽ cố gắng tìm con chữ phù hợp. Có thể nói, qua tương tác với người xin chữ, người cho chữ sẽ cùng tìm giải pháp cho vấn đề của mỗi người. Như thế, con chữ sẽ có tác dụng, xứng đáng trở thành thú chơi đệ nhất như ông cha ta từng đúc kết: Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, ông Hưng cho biết.

Ông Hưng giải thích thêm, nếu chỉ nhìn vào vẻ đẹp của chữ thì khó có thể so bì với tranh vì tranh nhiều màu sắc, đa phong cách và muôn vàn phương pháp thể hiện. Tuy nhiên, mỗi con chữ lại toát lên những đường nét vi diệu, nghiêm cẩn, nghệ thuật, ẩn chứa nhiều điều. Từng có câu: Ở đâu có chữ, ở đó có nghĩa/ Chữ thấy người đọc, nghĩa nhận người xem/ Chữ nhiệm thì thiêng, nghĩa ngộ thì đắc/ Chữ chơi được nhắc, ngộ đắc hàng ngày. Mỗi con chữ sẽ mang đến một điều gì đó, giúp chúng ta sống ý nghĩa hơn, thậm chí thay đổi hành vi, hình thành thói quen, từ đó nhân lên nhiều lần giá trị của chân - thiện - mỹ.

Chơi chữ là phải lấy chữ làm đối tượng để tương tác, có nghĩa phải đọc hiểu, xem cảm, ngẫm ngộ, hành thụ. Rộng hơn, phải hiểu nghĩa của chữ, xem đường nét, hình hài, mỹ thuật của nó để cảm nhận ý nghĩa, nội hàm. Do đó, ai hiểu chữ nào chơi chữ đó sẽ có tác dụng nhiều nhất, bởi mỗi lần ta đọc con chữ, não bộ sẽ tương tác, nhập tâm, lâu dần sẽ biến thành hành động vô thức.

“Ở phương diện người cho chữ, tôi vui khi được đóng góp một phần công sức vào sứ mệnh truyền tải văn hóa truyền thống, lan tỏa rộng khắp ý nghĩa của nét đẹp chơi chữ ngày xuân. Tuy nhiên, thay vì chỉ dịp Tết đến xuân về hay vào những sự kiện quan trọng mới xin chữ, mà thú chơi này cần được thường xuyên mới khai thác đầy đủ hiệu quả của chữ Việt, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Vì vậy, tôi đã phát triển hệ thống Trò chơi chữ Việt, với khoảng 20 trò chơi, trong đó có Cờ chữ Việt, Chi chi chành chành - tên lửa thành công, Nhảy sạp tình yêu sự học, Thẻ chữ Việt… giúp người chơi đến với chữ nhẹ nhàng hơn, học mà chơi, chơi để học”, thư pháp gia Bùi Chính Hưng chia sẻ.

Hương Sen