CGV lỗ hơn 2 tỷ mỗi ngày trước khi kêu cứu Thủ tướng

Giữa tháng 5, Thiên Ngân, BHD Việt Nam, CGV và Lotte Cinema ký vào văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp xin hỗ trợ về thuế, lãi vay, gia hạn nộp bảo hiểm, ghi nhận chiếu phim là hoạt động thiết yếu và sớm cho rạp chiếu phim được hoạt động trở lại. Văn bản cho biết doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên.

Thực tế, trong năm 2020, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (chủ sở hữu cụm rạp CGV) lao dốc mạnh so với một năm trước đó vì tác động của dịch Covid-19.

Doanh thu năm 2020 của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam đạt gần 1.400 tỷ đồng, giảm trên 60% so với năm 2019. Chi phí gia tăng khiến số lỗ của CGV Việt Nam tăng đột biến lên hơn 850 tỷ.

Trung bình mỗi ngày, chủ sở hữu 79 rạp chiếu phim trên cả nước lỗ hơn 2,3 tỷ đồng. Cũng do khó khăn, công ty đã phải đóng bớt một số cơ sở chiếu phim trong kỳ.

CGV và các cụm rạp kêu cứu trước nguy cơ phá sản. Ảnh: CGV.

Trước thời điểm có dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của CGV Việt Nam tăng trưởng ổn định. Năm 2016, doanh thu thuần ở mức 2.140 tỷ đồng, lãi gộp 369 tỷ, tương ứng với biên lợi nhuận gộp khoảng 17% (được đánh giá là khá thấp). Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng.

Đến năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của chủ cụm rạp CGV cải thiện dần lên 2.623 tỷ đồng rồi 2.880 tỷ, lợi nhuận gộp của hai năm này lần lượt ở mức 466 tỷ và 351 tỷ. Doanh nghiệp báo lãi 106 tỷ đồng trong năm 2017 nhưng lại lỗ 38 tỷ năm 2018.

Trong năm 2019, doanh thu của CGV tăng trưởng 29%, lên 3.708 tỷ đồng. Đơn vị nắm khoảng 50% thị phần ngành chiếu phim tại Việt Nam báo lãi 122 tỷ đồng, cao nhất từ khi thành lập.

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của CGV Việt Nam đạt 3.696 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 627 tỷ, chiếm 17%. Doanh nghiệp nợ ngắn hạn 1.589 tỷ đồng, nợ dài hạn 1.480 tỷ.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, các doanh nghiệp cho biết một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp hoạt động ở ngành điện ảnh là dòng tiền trong kinh doanh. "Chúng tôi mong muốn được Chính phủ hỗ trợ trong việc giãn các loại thuế, cơ cấu lại khoản nợ đến hạn, gia hạn đóng bảo hiểm xã hội", đại diện CGV cho biết.

"Chúng tôi đang cố gắng cầm cự thông qua việc cắt giảm các chi phí không cần thiết để đảm bảo đời sống nhân viên không bị ảnh hưởng", đại diện của CGV khẳng định.

CJ CGV là chuỗi rạp chiếu phim multiplex lớn nhất tại Hàn Quốc, bắt đầu kinh doanh chiếu phim từ năm 1995. Doanh nghiệp Hàn Quốc chính thức vào Việt Nam từ năm 2011, khi chi hơn 70 triệu USD thâu tóm gần như toàn bộ Công ty Envoy Media Partners (EMP).

Thời điểm đó, EMP đang là chủ sở hữu 80% vốn tại cụm rạp chiếu phim MegaStar, với thị phần chiếu phim khoảng 60% tại Việt Nam. 20% vốn còn lại nằm trong tay Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC). Đến cuối năm 2013, CJ CGV Hàn Quốc đã chính chuyển đổi thương hiệu MegaStar tại Việt Nam thành CGV.

Văn Hưng