Bộ Công Thương bàn về việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh chủ trương ưu tiên xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới là cần khẩn trương thể chế hóa hệ thống chính sách, pháp luật và chiến lược thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia.

Xây dựng một đạo luật về phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao Bộ Công Thương triển khai để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, vững chắc cho các chính sách phát triển công nghiệp quốc gia trong thời kỳ mới.

Quang cảnh buổi làm việc.

Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm được nghiên cứu xây dựng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW, phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa; kiến tạo được một số đột phá về chính sách để thúc đẩy việc phát triển, chuyển đổi nền công nghiệp theo hướng từ theo chiều rộng sang chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp.

Việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm do đó là trọng tâm công tác của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này.

Thông qua buổi làm việc, Bộ trưởng ễn Hồng Diên nhấn mạnh các nội dung trọng tâm cần nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự án Luật Công nghiệp trọng điểm và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (cũng như đối với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp khác); bảo đảm chất lượng của nội dung và thời hạn tiến độ của các nhiệm vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý việc xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp cần bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết số 29-NQ/TW; chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý và chiến lược bền vững, thống nhất cho việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên của quốc gia...

MINH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.