Bài học từ chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 thần tốc

Sáng 19/6, TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay cùng mục tiêu về tốc độ triển khai trong 7 ngày.

Ngày 23/6, theo báo cáo nhanh kết quả tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hàng ngày của dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), TP.HCM mới tiêm được hơn 50.000 liều, chiếm khoảng 69% số lượng được phân bổ đợt 3 và 6% số vaccine của cả 2 đợt.

Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng tại 9 địa phương khác gồm Nam Định, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tiền Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang thậm chí chỉ đạt dưới 40%.

Trước thực tế này, Bộ Y tế đã ra cùng lúc 2 công văn khẩn yêu cầu các địa phương này khẩn trương hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Những sự thay đổi ngay sau đó đã phát huy tác dụng khi đến nay, riêng tại TP.HCM, hơn 800.000 người đã được tiêm trong đợt 4.

Dù vậy, trao đổi với Zing, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thừa nhận chiến dịch lần này gặp phải một số khó khăn và Việt Nam sẽ có thêm nhiều bài học trong thời gian tới.

Khó khăn

- Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của Việt Nam thời gian qua có những thuận lợi và khó khăn nào?

- Về thuận lợi, dù chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lần này có quy mô lớn, số lượng người tiêm đông, hệ thống tiêm chủng đã triển khai trên toàn quốc trong thời gian trước đó với khoảng hơn 13.000 cơ sở gồm chương trình tiêm chủng mở rộng tại xã, phường, các điểm tiêm chủng ở bệnh viện, cơ sở tiêm dịch vụ.

Ngoài ra, nhân lực tham gia công tác tiêm cũng đã được tập huấn, có kinh nghiệm trong việc tổ chức.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Phạm Thắng.

Về khó khăn, vaccine phòng Covid-19 còn rất mới. Trong khi đó, nhiều cơ sở điều trị, bệnh viện lần đầu tiên tham gia tiêm vaccine. Bởi vậy, các cán bộ tiêm buộc phải được tập huấn về sử dụng vaccine cũng như theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc cung ứng vaccine Covid-19 tại Việt Nam vẫn khá hạn chế. Số lượng và thời gian cung ứng vaccine không được các nhà sản xuất thông báo sớm. Do vậy, các địa phương sau khi được phân bổ vaccine mới có thể lập kế hoạch chi tiết về việc tổ chức tiêm.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều loại vaccine Covid-19 khác nhau. Mỗi loại đều có yêu cầu riêng về bảo quản, thời gian sử dụng, liều lượng cũng như chỉ định tiêm cho từng độ tuổi. Lúc đó, Bộ Y tế sẽ phải thường xuyên được tập huấn và cập nhật hướng dẫn sử dụng từng loại vaccine cũng như tổ chức tiêm an toàn.

Hàng nghìn người chờ đợi tiêm vaccine Covid-19 ở nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Danh.

Một thách thức khác với các địa phương khi tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19 là phải sắp xếp số lượng người tiêm trong cùng một buổi không được quá đông, đảm bảo giãn cách giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Dù vậy, các địa phương này vẫn phải triển khai tiêm nhanh nhất sau khi nhận được vaccine để tăng độ bao phủ trong cộng đồng, qua đó chủ động bảo vệ những người có nguy cơ cao và được ưu tiên.

Kinh nghiệm

- Từ các đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 tại các điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh hay TP.HCM vừa qua, chúng ta có được những bài học và kinh nghiệm nào?

- Từ tháng 3, chúng ta đã triển khai 2 đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc. Song song với đó là chiến dịch tiêm chủng tại các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt là ở TP.HCM với quy mô lớn trong thời gian ngắn.

Thông qua đó, tôi tin rằng các địa phương đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho việc triển khai tiêm chủng với quy mô lớn gấp nhiều lần trong thời gian tới. Đặc biệt là công tác lập kế hoạch và các khâu chuẩn bị tổ chức phải rất kỹ càng.

Việt Nam sẽ rút ra được nhiều bài học cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn quốc tới đây. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Các địa phương sẽ phải huy động tối đa nguồn lực xử trí phản ứng sau tiêm, tổ chức tiêm đảm bảo giãn cách, phòng lây nhiễm virus tại các điểm. Đồng thời, chúng ta sẽ phải tích cực hơn trong việc truyền thông cho người dân sẵn sàng tiêm chủng khi tới lượt và thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về theo dõi sức khỏe trong thời gian sau đó.

- Theo bà, giải pháp nào sẽ giúp Việt Nam tiêm chủng vaccine Covid-19 thành công trên toàn quốc trong thời gian tới?

- Tới đây, khi Việt Nam tiếp nhận thêm nhiều loại vaccine Covid-19 cùng số lượng lớn, Bộ Y tế đã có kế hoạch phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông để huy động tối đa nhân lực vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm nhanh, an toàn nhất có thể.

Ngoài ra, ngành y tế cũng đã huy động tất cả nhân lực gồm hệ dân y, quân y, y tế các ngành, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc cũng như hệ thống tư nhân để tham gia vào chiến dịch tiêm chủng với quy mô quốc gia.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và Chính phủ, hệ thống dây chuyền lạnh chuyên dụng trong tiêm chủng mở rộng cũng đã được trang bị bổ sung.

Vừa qua, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng và các đơn vị liên quan cũng đã phối hợp để chuẩn bị phương án tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vaccine, bơm kim tiêm tới điểm tiêm nhanh nhất.

Sự phối hợp và chuẩn bị tốt sẽ là giải pháp giúp Việt Nam tiêm chủng thành công. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Công tác điều phối cũng sẽ được ưu tiên để sử dụng nguồn lực hiệu quả, điều động vaccine, vật tư giữa các địa phương kịp thời. Bản thân các địa phương cũng phải lập kế hoạch chi tiết cho việc triển khai tiêm cụ thể ở từng điểm.

Từ đây, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc sắp tới.

- Bà đánh giá như thế nào về vai trò của việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân trong thời điểm này và người dân nên làm gì?

- Vaccine là biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm. Vai trò của nó còn trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Đại dịch Covid-19 sẽ chỉ thực sự chấm dứt khi vaccine được bao phủ rộng ở từng địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Với Việt Nam, bên cạnh biện pháp 5K của Bộ Y tế, vaccine là giải pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Chúng ta cũng đã đặt mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng với độ bao phủ trên 70% người dân.

Do đó, chúng ta rất cần sự chung tay và giúp sức của tất cả người dân. Mọi người cần tích cực tham gia tiêm chủng vaccine Covid-19. Các đối tượng tiêm chủng cũng nên đến tiêm ngay khi tới lượt, đồng thời phối hợp với cán bộ y tế, theo dõi sức khỏe sau tiêm để góp phần đảm bảo an toàn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 30/6, nước ta có thêm 179.188 người được tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, 130.437 người ở TP.HCM. Tổng cộng 3.776.980 liều đã được sử dụng. Số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 193.041.

Quốc Toàn