4 cách đóng góp công sức vào cuộc chiến chống dịch

Không cần đao to búa lớn hay cầu kỳ, những đóng góp dù nhỏ bé từ mỗi cá nhân đều thể hiện tình yêu nước, giúp chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Tính đến chiều 19/6, Việt Nam đối diện với 4 đợt bùng phát dịch, ghi nhận 12.508 ca mắc Covid-19, 62 trường hợp tử vong.

Công cuộc chống dịch đang ở giai đoạn quyết liệt. Có nhiều cách để mỗi người thể hiện trách nhiệm cá nhân, góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

1. Đóng góp cho quỹ vaccine

Đây là hành động đơn giản, có ý nghĩa để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Mọi cá nhân, tổ chức có thể nhắn tin hoặc chuyển khoản ủng hộ quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.

Cách làm: Soạn tin nhắn theo cú pháp “Covid NK” gửi 1408. Trong đó, N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2.000. Số tiền đóng góp bằng 1.000 đồng nhân N lần. Ví dụ, nếu muốn ủng hộ 50.000 đồng, soạn “COVID 50K” rồi gửi 1408.

Địa chỉ chuyển khoản ủng hộ quỹ vaccine:

Theo số liệu cập nhật của Ban quản lý quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, số dư quỹ tính đến 11h ngày 19/6 là 5.774 tỷ đồng (bao gồm cả ngoại tệ quy đổi). Số tiền đóng góp kể trên đến từ 322.455 tổ chức, cá nhân, tăng hơn 3.500 trong vòng 24 giờ qua.

2. Tham gia tình nguyện

Với học viên, sinh viên ngành y, việc viết đơn đăng ký tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm nóng là hành động thiết thực nhất.

Ngoài ra, các bạn trẻ, sinh viên trường khác có thể đăng ký tham gia đội tình nguyện ở địa phương với nhiều nhiệm vụ như trực khu vực cách ly, chốt phong tỏa, nhập liệu thông tin xét nghiệm, phát tờ rơi, khuyến cáo cư dân thực hiện biện pháp 5K, hỗ trợ dọn dẹp địa điểm được trưng dụng làm khu cách ly, hỗ trợ lái xe cứu thương, chở hàng tiếp tế, nấu ăn cho lực lượng chống dịch,...

Một hình thức nữa các bạn trẻ có thể tham gia là nấu cơm tại các bếp ăn tình nguyện cho tuyến đầu chống dịch hoặc quán cơm 0 đồng tặng người khó khăn trong dịch.

Bằng cách này hay cách khác, xung phong vào tâm dịch hay không, mỗi hành động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đều cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm.

3. Tuân thủ quy tắc 5K

Thực hiện thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế là cách đơn giản, chủ động phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”. Cụ thể:

Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
Không tụ tập đông người.
Thực hiện khai báo y tế trên app NCOVI, cài đặt ứng dụng BlueZone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

4. Không chia sẻ tin giả

Trong tình dịch diễn biến phức tạp, điều quan trọng là giữ bình tĩnh, không hoang mang và tin tưởng vào công tác chống dịch của chính phủ.

Mỗi cá nhân nên hạn chế xem, đọc, nghe các tin tức tiêu cực trên TV, mạng xã hội. Chỉ tiếp nhận nguồn tin đáng tin cậy về dịch bệnh từ WHO, Bộ Y tế, chính quyền địa phương và cơ quan báo chí chính thống.

Bên cạnh đó, ai cũng cần cẩn trọng hơn với từng nút like, share của mình để không vô tình góp phần lan truyền tin giả, gây khó khăn cho quá trình chống dịch.

Đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ tingia.gov.vn.

Cổng thông tin này được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử xây dựng nhằm tiếp nhận phản ánh về tin giả, thẩm định, dán nhãn các tin giả, không xác thực. Ngoài ra, khi phát hiện tin giả, người dân có thể gọi đến số 18008108 để báo cáo.

Thiên Nhi

Illustration: Minh Trí