350 nghìn tỷ đồng đề xuất phát triển văn hóa được phân bổ như thế nào?

Trong cuộc họp báo Quý III do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức chiều ngày 9/10, ông Lê Hồng Phong - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) - khẳng định việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cần thiết trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, văn hóa là lĩnh vực rất rộng, để đầu tư cho chương trình này cần phải có sự lựa chọn, bàn thảo kỹ càng.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia trải qua nhiều lần góp ý của của các bộ, ngành T.Ư, các hiệp hội chuyên ngành, đặc biệt là các chuyên gia có uy tín ở trong lĩnh vực văn hóa.

Họp báo thường kỳ Quý III/2023 do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì.

“Chúng tôi xây dựng chương trình này theo quan điểm nhất quán là để đảm bảo phát triển đồng đều trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa đồng bào dân tộc, giữa các vùng miền, khuyến khích sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn đầu tư cho những lĩnh vực văn hóa để có nguồn thu và tái đầu tư, phát triển”, ông Lê Hồng Phong nêu.

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch vừa xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với tổng vốn 350.000 tỷ đồng

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết chương trình hiện nay được thiết kế với 10 dự án thành phần gồm 265 nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Theo hướng dẫn của Luật Đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới dừng ở bước xin chủ trương để đầu tư.

Ông Lê Hồng Phong - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

“Chúng tôi đã tổng hợp toàn bộ nhu cầu, những vấn đề cấp thiết của các bộ, ngành T.Ư, địa phương về văn hóa. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định của Nhà nước để thẩm định về chủ trương đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi được thẩm định, chương trình sẽ được trình Quốc hội, sau đó sẽ chính thức được ban hành”, lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính nói.

Trong quá trình xây dựng và sau khi có chủ trương, Vụ Kế hoạch Tài chính sẽ thực hiện rà soát dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương, từ đó cân đối nguồn lực sao cho phù hợp.

Cũng trong cuộc họp báo, ông Lê Hồng Phong thông tin về việc chậm trễ chi trả tiền giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT. Năm 2022, do chưa có danh sách tác giả nhận giải nên chưa thể làm dự toán. Sau khi cấp bù dự toán, các bên tiếp tục làm việc về cách phân bổ, cấp dự toán và chi trả giải thưởng.

Nhiều tác giả chưa được nhận tiền thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Ngày 27/9, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 4062/BVHTTDL-KHTC, gửi Bộ Tài chính danh sách cá nhân được nhận tiền thưởng kèm theo tên đơn vị, cơ quan và dự toán kinh phí bổ sung cho từng đơn vị, cơ quan tương ứng theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

Ngày 3/10, Bộ Tài chính có văn bản trình Thủ tướng. Thủ tướng đã xin ý kiến các thành viên Chính phủ về việc bổ sung dự toán cho các nội dung, trong đó có chi trả giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT. Đến nay, toàn bộ thủ tục hành chính đã xong, tiền thưởng sẽ sớm được chuyển đến các tác giả.

Gia Linh - Ngọc Ánh