Xung lực mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: BẢO NGỌC

Quy hoạch tỉnh lần này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi ảng Ngãi đã tạo cho mình thế và lực mới. Từ một tỉnh nghèo, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, với tinh thần năng động, sáng tạo, sự chung sức, đồng lòng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của trung ương, giờ đây Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, là một trong những trung tâm công nghiệp của vùng Duyên hải Trung bộ và là một trong những điểm sáng trong cả nước về phát triển kinh tế - xã hội kể từ sau đại dịch Covid-19. Đây là những nền tảng quan trọng để Quảng Ngãi tập trung trí tuệ, tâm huyết để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh đúng như kỳ vọng.

Cấu trúc 2 - 3 - 4 - 6

Trước khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đúng một năm, vào tháng 11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW đặt mục tiêu đưa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển... Trong đó, Quảng Ngãi với Dung Quất và Lý Sơn được định vị phát triển hết sức rõ ràng. Tại KKT Dung Quất sẽ mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia; còn huyện Lý Sơn sẽ được đầu tư, phát triển trở thành trung tâm du lịch biển, đảo. Chính vì thế, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Lãnh đạo tỉnh trao Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho 3 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 14 nghìn tỷ đồng, tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh. Ảnh: BẢO NGỌC

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 2 - 3 - 4 - 6. Đó là 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị, 4 hành lang kinh tế chiến lược và 6 vùng không gian kinh tế động lực. Trong đó, 2 trung tâm động lực tăng trưởng bám sát theo định hướng Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đó là hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm công nghiệp - dịch vụ của vùng động lực miền Trung tại KKT Dung Quất; phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo. Hai động lực quan trọng này phát triển đúng định hướng sẽ chắp cánh đưa Quảng Ngãi vươn xa.

Với cấu trúc 3 trung tâm đô thị lớn, Quảng Ngãi có đô thị trung tâm với TP.Quảng Ngãi là hạt nhân; hạt nhân của trung tâm đô thị phía bắc là TX.Bình Sơn và trung tâm đô thị phía nam là TX.Đức Phổ.

Quy hoạch tỉnh lần này “thiết kế” 4 hành lang kinh tế chiến lược gồm hàng lang bắc - nam, đông tây phía bắc, đông tây phía nam và hành lang kinh tế kết nối nội vùng phía tây. Đồng thời, Quảng Ngãi sẽ có 6 không gian kinh tế động lực gồm cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; vùng động lực công nghiệp; vùng kinh tế sinh thái biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp và vùng kinh tế biển, đảo.

Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết, phát triển hài hòa và bền vững. Dĩ nhiên, việc phát triển của Quảng Ngãi mang tính “hiệp đồng” nên sẽ đi lên trong mối liên kết vùng, nhất là với những tỉnh lân cận như Quảng Nam, Bình Định, nhằm phát huy những lợi thế khác biệt của mỗi địa phương để cùng phát triển.

Hiện thực hóa quy hoạch

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một khi đã có quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt, khi có dự án tốt sẽ có nhà đầu tư tốt. Nhưng quy hoạch tốt mới chỉ là điều kiện cần có. Phát biểu tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức vào cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, việc phê duyệt quy hoạch mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình phát triển mới. Để cụ thể hóa, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh còn rất nhiều việc phải làm.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi nêu bật 6 không gian kinh tế động lực của tỉnh. Ảnh: ĐVCC

Để Quy hoạch tỉnh sớm đi vào thực tế với đầy đủ nội hàm và giá trị mang lại cao nhất, việc cần kíp là tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện một cách chi tiết, khoa học. Công tác quản lý quy hoạch phải được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ. Các thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế cũng sớm được hoàn thiện, ban hành. Tất cả phải làm cho quy hoạch thật sự trở thành nguồn lực quan trọng, tạo xung lực mới để Quảng Ngãi phát triển nhanh hơn, hài hòa hơn, bền vững hơn.

Quy hoạch mới thể hiện tư duy mới, tầm nhìn xa, thì việc triển khai thực hiện quy hoạch cũng cần tư duy mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn với những cách làm đột phá, năng động, sáng tạo, phù hợp. Khi đó, khát vọng đưa Quảng Ngãi thành một tỉnh phát triển khá của cả nước mới sớm thành hiện thực.

HOÀNG HÀ