Xuất khẩu vào châu Mỹ chưa đạt kỳ vọng dù có CPTPP

Nhằm nhìn lại chặng đường 2 năm thực thi Hiệp định và tác động đối với việc phát triển thị trường tại các nước thành viên CPTPP thuộc khu vực châu Mỹ, sáng 27/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam”.

Xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế chỉ đạt 4%

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá sau 2 năm, Hiệp định CPTPP đã có kết quả tích cực đối với sự tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước châu Mỹ, đặc biệt là 2 thị trường mới là Canada và Mexico.

Theo đó, năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu sang 2 quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD, tăng 45% và 3,17 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018.

"Tuy nhiên, tổng thể kết quả tăng trưởng xuất khẩu chung sang các nước CPTPP vẫn chưa đạt được như đã kỳ vọng", bà Trang đánh giá.

Công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy sau 2 năm thực thi CPTPP, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn rất thấp, mới chỉ đạt 4%.

Trong đó, tỷ lệ thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ theo CPTPP hiện còn ở mức thấp. Cụ thể, Mexico chỉ chiếm 1,3%, Canada cũng chỉ chiếm 1,1%...

Lý giải nguyên nhân, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng bên cạnh các yếu tố khách quan như tình hình dịch Covid-19 thì các vấn đề chủ quan từ chính các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước châu Mỹ chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo bà Trang, hiện nay các doanh nghiệp Việt đang gặp khó về vấn đề quy tắc xuất xứ. "Doanh nghiệp khi bước vào lần đầu tiên thì sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Đối với một số mặt hàng chủ lực như dệt may, các quy tắc xuất xứ về vải, sợi còn nhiều khó khăn", bà nêu ví dụ.

Ở các sản phẩm nông sản, theo bà, Việt Nam đã cố gắng cải thiện chất lượng, nhưng vì còn sản xuất nhỏ lẻ nên khó khăn trong cải thiện một cách đồng bộ.

Ngoài ra, một lượng lớn doanh nghiệp vẫn chưa nắm vững quy định, cam kết của CPTPP. "Đa phần các doanh nghiệp chỉ nghe đến các ưu đãi thuế quan chứ chưa nắm sâu và tận dụng được những lợi thế. Đồng thời, công tác thông tin về cam kết, ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ chưa thực sự hiệu quả", bà đánh giá.

Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đồ gỗ và Mỹ nghệ TP.HCM cũng thừa nhận hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tuy làm xuất khẩu nhưng chủ yếu là gia công, do đó chưa thực sự tận dụng được Hiệp định. "Doanh nghiệp vẫn chờ người mua hàng đến là nhiều, vẫn chưa có tính chủ động", ông nói.

Do đó, theo Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, cần có giải pháp mạnh, mới nâng cao hiệu quả thực thi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp cần nâng cao sự chủ động như nắm bắt thông tin, tự mình tìm hiểu đàm phán, thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và có sự chuẩn bị bài bản về nhân lực, tài lực.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP. Ảnh: Hoàng Hà.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, cho biết Canada là thị trường khá tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Với dân số hơn 36 triệu người và mức tăng trưởng GDP ổn định (3%/năm), Canada là một trong số những thị trường phát triển. Giá trị nhập khẩu trên đầu người tại Canada luôn luôn cao gấp đôi Mỹ dù quy mô dân số chỉ bằng 1/10.

Chính phủ Canada cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích hấp dẫn, với nhiều mặt hàng được miễn thuế đến 0% và những dự án hỗ trợ đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Canada thuận lợi hơn.

Mặt khác, Việt Nam cũng được Canada xem là đối tác thương mại ưu tiên nhờ việc tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại tự do và nền kinh tế năng động.

“Thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp Canada tìm nhà cung ứng, cơ sở đặt nhà máy tại Việt Nam khá nhiều, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ”, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada chia sẻ.

Tuy nhiên, để thâm nhập được sâu hơn vào thị trường này, bà Đỗ Thị Thu Hương lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; thích ứng với quy tác xuất xứ, thủ tục lưu trữ, chứng minh xuất xứ.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2017 trên cơ sở thỏa thuận tiền thân là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

CPTPP được ký kết vào ngày 8/3/2018 bởi 11 nước thành viên gồm Australia, Canada, Chile, Brunei, Mexico, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore và Việt Nam.

CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với Australia, Canada, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Singapore và có hiệu lực từ 14/1/2019 với Việt Nam.

Thanh Thương