Xuất khẩu gặp khó vì sao doanh nghiệp thực phẩm vẫn rộng đường xuất ngoại?

Việt Nam hiện có hơn 5 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thông qua kiều bào ở các nước, việc đưa hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt ra thế giới của nhiều doanh nghiệp trong nước trở nên thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại

Trước đây, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam thường được xuất ngoại vào dịp Tết cổ truyền để phục vụ kiều bào. Tuy nhiên, gần đây khách hàng không chỉ là người Việt, khách mua mặt hàng đặc sản này có cả người nước ngoài.

Các doanh nghiệp nhận định, năm nay tình hình kinh tế khó khăn, dự báo kiều bào ít về Việt Nam ăn Tết nên nhu cầu mua các sản phẩm “quê nhà” sẽ tăng, các nhà nhập khẩu sẽ tăng lượng hàng, vì vậy doanh nghiệp trong nước đang gấp rút sản xuất các sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Các loại mắm truyền thống của công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia trên đường xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Song Hương Foods ) cho biết xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 60% doanh số của công ty và thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan.

"Theo dự báo của phía đối tác bên Mỹ, do biến động kinh tế Việt kiều về nước năm nay sẽ ít hơn năm trước. Do đó, nhu cầu tiêu dùng của kiều bào ở nước ngoài sẽ tăng, những công ty xuất khẩu như trúng số. Đây là cơ hội để chúng tôi tăng tốc, chuẩn bị kế hoạch, nguồn nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm, lấy phần lời của xuất khẩu để bù đắp cho hoạt động bán không lợi nhuận tại thị trường trong nước”, Tổng giám đốc Song Hương Foods cho hay.

Ngoài nhu cầu sử dụng sản phẩm của kiều bào tăng, để có được đơn hàng xuất khẩu tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp cho biết phải liên tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là những sản phẩm tiện lợi, ăn ngay để phù hợp cuộc sống bận rộn của kiều bào để có thể xuất khẩu lượng lớn.

Tại công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia (Thanh Hóa), năm nay sản phẩm xuất khẩu chủ lực là các loại mắm truyền thống tăng gần 30% so với năm ngoái nhờ doanh nghiệp mở thêm nhiều thị trường mới.

Còn công ty TNHH Gạo Ngon Nhất (TP HCM) đến thời điểm này đã xuất được khoảng 70 tấn gạo ST25 phục vụ Tết cho kiều bào và cộng đồng người châu Á. Ông Nguyễn Lưu Tường, giám đốc công ty, chia sẻ: "Tết năm ngoái, chúng tôi chỉ xuất khẩu gạo ST25 sang Mỹ, năm nay có thêm thị trường Singapore, Trung Quốc. Những thị trường này khách hàng quen với gạo thơm Thái Lan, nay bắt đầu làm quen với gạo Việt Nam".

Thách thức về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Đáng chú ý, gần đây, đơn hàng đặc sản quê hương của các doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu trong dịp tết mà sau tết hàng vẫn được xuất đều đặn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho biết các mặt hàng đặc sản tết giờ đây không chỉ dành riêng cho những người Việt Nam ở nước ngoài mà đang trở thành những mặt hàng hấp dẫn đối với nhiều khách nước ngoài. Chẳng hạn, tại Song Hương Foods đưa sang thị trường Mỹ với 19 sản phẩm từ bánh nậm, bánh giò (chay, mặn), xôi khúc (chay, mặn), bánh gai, bánh cam, bánh bò, xôi chéo, xôi ngọt, xôi gấc, xôi sầu riêng, chả tôm, cà pháo…

"Giai đoạn đầu chúng tôi tập trung xuất khẩu để phục vụ kiều bào, để bất cứ người Việt nào sống trên đất Mỹ cũng có thể ăn món ăn quê hương. Chỉ cần mở tấm bánh giò, bánh xôi xéo… là tự nhiên họ sẽ cảm nhận vị ngon của quê hương. Giai đoạn thứ hai, là nỗ lực ký hợp đồng với hai đối tác ở Việt Nam để họ bán sản phẩm truyền thống xuất đi nước ngoài tại hệ thống của họ. Giai đoạn thứ ba, tiếp tục con đường mang những sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra toàn thế giới", Tổng giám đốc Song Hương Foods nói và khẳng định, sẽ có ít nhất 100 món cấp đông là bánh truyền thống và đồ chay để xuất khẩu trên toàn thế giới và sẽ nỗ lực để đưa sản phẩm vào siêu thị Costco (Mỹ).

Tuy nhiên, hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng xây dựng thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đưa ra nước ngoài đều ở quy mô nhỏ lẻ và mang tính thời vụ hoặc xuất khẩu thuần túy dưới nhãn mác của khách hàng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, yêu cầu tiêu chuẩn thực phẩm của các thị trường ngày càng cao đang là thách thức mà các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam phải vượt qua để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó điều cần thiết nhất là các doanh nghiệp phải nắm chắc các thông tin, các dự báo để chọn cho mình một chiến lược phù hợp cả ngắn hạn và trung hạn.

Là một trong những doanh nghiệp có hơn 22 năm xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nông sản chế biến sâu ra 102 thị trường trên thế giới, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp cần chủ động hơn và phải tự thân vận động rất nhiều thì mới có thể vươn ra thế giới. Các hệ thống phân phối hiện đại cũng nên lựa chọn tất cả các sản phẩm tốt, xuất khẩu tốt, có thương hiệu tốt, có chế biến sâu để đưa lên kệ, không đưa đồng tất cả lên kệ cùng bán sẽ không công bằng.

Theo Tổng giám đốc Phúc Sinh, xu hướng phát triển bền vững là xu hướng không thể thay đổi được. Người tiêu dùng trong nước và quốc tế có xu hướng lựa chọn những sản phẩm phát triển bền vững, sản phẩm an toàn, xanh.

Thanh Hoa