Xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ngãi

Trong quá trình xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Ngãi những năm qua, du lịch biển đảo được xem là dòng sản phẩm cốt lõi, đang sở hữu những ưu thế vượt trội cả về tự nhiên lẫn sự đầu tư của địa phương. Trong đó, huyện Lý Sơn đã trở thành hạt nhân thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển, đóng góp khoảng 25% trong tổng lượt khách cũng như tổng doanh thu du lịch của tỉnh, được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh đầu tiên và là địa phương đầu tiên của tỉnh mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Khu du lịch Suối Khoáng nóng HAMYA, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa). Ảnh: Trí Phong

Tại các huyện đồng bằng, ven biển, các khu, điểm du lịch cũng được hoàn thiện một bước; một số điểm tham quan, du lịch cộng đồng được hình thành và thu hút du khách như gành Yến, bàu Cá Cái (Bình Sơn), Gò Cỏ (TX.Đức Phổ)...

Tuy nhiên, dù các sản phẩm du lịch của tỉnh tương đối phong phú, có khả năng đáp ứng đa dạng các nhu cầu du lịch khác nhau, song đây không phải là những sản phẩm đặc sắc. Để tạo ra sự khác biệt, độc đáo và hấp dẫn cho một sản phẩm du lịch nói riêng và du lịch của Quảng Ngãi nói chung, thì một trong những vấn đề cần tập trung là nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng hình ảnh.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay đòi hỏi những yêu cầu mới trong công tác phát triển du lịch phù hợp với thực tế cũng như xu hướng phát triển du lịch của thị trường du lịch thế giới. Trong đó, cần xây dựng, định vị thương hiệu, hình ảnh điểm đến của địa phương, nhằm quảng bá đa dạng thị trường khách du lịch đến tỉnh cũng như khai thác hết những tiềm năng và thế mạnh của du lịch Quảng Ngãi. Sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Xây dựng Chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng 2030”. Đây được xem là cơ sở quan trọng để tạo dựng và duy trì uy tín, chất lượng thương hiệu du lịch của tỉnh.

Với các tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Ngãi cần xây dựng thương hiệu cho các điểm du lịch, thương hiệu sản phẩm du lịch, thương hiệu doanh nghiệp du lịch... từ đó dần khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Ngãi trên bản đồ du lịch khu vực, cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Để du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, định vị thương hiệu đặc trưng riêng, du lịch Quảng Ngãi cần tiếp tục đổi mới, tập trung nâng cao các sản phẩm chủ đạo về du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, văn hóa... Ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận điểm đến; thu hút đầu tư, phát triển các dự án du lịch trọng điểm để khai thác lợi thế; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, nhưng phải mang tính đặc thù của từng địa phương, tạo ra giá trị thương hiệu cho các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường giới thiệu, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức; cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch...

TRÍ PHONG