Vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Từng bước phát huy bản sắc văn hóa

Nhằm phát triển bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi gắn với phát huy bản sắc văn hóa, 2 năm qua, các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến khu vực miền núi có ĐBDTTS sinh sống.

Bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa

Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho 18 thôn; mua sắm trang thiết bị cho 7 nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 5 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng ĐBDTTS. Địa phương cũng xây dựng tủ sách cộng đồng cho 2 xã đặc biệt khó khăn; tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống của ĐBDTTS Raglai, Ê đê trên địa bàn huyện.

Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) hòa tấu cồng chiêng.

Tương tự, các địa phương khác có ĐBDTTS sinh sống như: Khánh Sơn, Cam Lâm, Ninh Hòa cũng triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm quan tâm, phát triển vốn văn hóa truyền thống của đồng bào trong tình hình mới. Từ đó, diện mạo, tầm vóc và các loại hình văn hóa truyền thống của ĐBDTTS được giữ gìn, nâng tầm, giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn.

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thời gian qua, những thôn vùng ĐBDTTS và miền núi chưa có nhà văn hóa thuộc các địa phương: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh đều đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS cũng được chú trọng thông qua việc tổ chức các loại hình văn hóa phi vật thể, gồm: Phục dựng lễ tạ ơn cha mẹ của đồng bào dân tộc Raglai tại huyện Khánh Sơn; lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào dân tộc Raglai tại huyện Khánh Vĩnh. Các địa phương cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho ĐBDTTS, như: Đánh đàn đá, đánh mã la, hát kể sử thi…; thành lập, hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ tại các thôn, bản; vận động thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của ĐBDTTS…

Sẽ gắn với phát triển du lịch

Được biết, qua thực tế triển khai công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS ở các địa phương cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng ĐBDTTS. Việc hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng các xã vùng ĐBDTTS còn có những trở ngại riêng, cần được tháo gỡ kịp thời. Vì vậy, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm; tăng cường triển khai các văn bản chỉ đạo trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng ĐBDTTS và miền núi, trọng tâm là 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và một số địa bàn đặc biệt khó khăn.

Đội văn nghệ người Raglai ở huyện Khánh Sơn biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật.

Mặt khác, các đơn vị phối hợp đầu tư các thiết chế văn hóa, phát huy vai trò của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, quyết liệt xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tổ chức bảo tồn, giữ gìn và phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại vùng ĐBDTTS và miền núi…

GIANG ĐÌNH