'Vua bò' và thương hiệu 'Bò Krông Pa': Đi tìm thương hiệu

Rahlan H’Rơnl bên chuồng bò lai 23 con của gia đình

Cải tạo đàn bò

Ở Krông Pa, Ama Doa được mệnh danh là “Vua bò”, bởi ông đã từng sở hữu đàn bò lên đến cả 500 con. Hơn thế nữa, ông còn cho bà con nhận nuôi rẽ để thoát nghèo, thậm chí nhiều người có của ăn của để nhờ nuôi rẽ bò của ông.

Ngoài Ama Doa thì ở Krông Pa cũng có không ít người (là đồng bào J’rai) sở hữu đàn bò dăm bảy chục con, thậm chí cả trăm con. Đã từng có người nói đùa: “Đầu người Krông Pa bằng… đầu bò Krông Pa!”, nghĩa là, bình quân mỗi nhân khẩu ở huyện Krông Pa sở hữu một con bò! Đây được xem là huyện có nhiều bò nhất ở Tây Nguyên- so cùng đơn vị hành chính.

Nhiều là vậy, tuy nhiên tỷ lệ bò lai là rất thấp, vì thế mà bò Krông Pa vẫn chưa thực sự giúp người dân nơi đây vươn lên làm giàu.

Ở xã Phú Cần - quê hương của “Vua bò” Ama Doa, cả xã có 6 thôn buôn với 1.528 hộ, 6.547 nhân khẩu. Có 4 buôn nuôi bò nhiều gồm M’lá, Thim, Bluk và Tang. Cả xã có 3.481 con bò, trong đó có 1.220 con bò lai.

Giải thích về việc tỷ lệ bò lai của xã còn thấp, Chủ tịch UBND xã - ông Nguyễn Khắc Dương, cho biết: Đồng bào J’rai ở đây vẫn giữ phong tục thích nuôi bò cỏ (bò địa phương), bởi bò cỏ - theo đồng bào là phù hợp hơn trong việc phục vụ lễ hội, ma chay, cưới hỏi, cúng tế… Trong khi bò lai cần có đồng cỏ lớn, vốn lớn, rồi kỹ thuật chăm sóc, giá thị trường lại khó ổn định. Theo đó, việc tuyên truyền, vận động đồng bào dần chuyển sang nuôi bò lai không thể làm trong ngày một, ngày hai.

Báo cáo mới nhất từ Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 63 ngàn con bò, trên tổng đàn hơn 200 ngàn con bò toàn tỉnh Gia Lai. Theo Phó trưởng phòng Võ Ngọc Châu, “tuy sở hữu bầy bò lớn nhất vùng, nhưng tỷ lệ bò lai hiện mới chỉ đạt 23%”. Cũng theo ông Châu, năm nào huyện cũng có chương trình lai cải tạo đàn bò. Kế hoạch năm 2021, sẽ có 800 liều tinh để phối lai cho 800 con bò, gồm các giống bò cho giá trị kinh tế cao như BBB, Agus…

“Khó, nhưng vẫn phải làm. Bằng mọi cách phải nâng tỷ lệ bò lai của huyện lên ngày một nhiều, bởi một trong những thế mạnh của huyện nhằm giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu là chăn nuôi bò”, ông Võ Ngọc Châu nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Bí thư huyện ủy Krông Pa - ông Tô Văn Chánh, cho biết: Lai cải tạo để nâng chất lượng đàn bò là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Theo đó những năm gần đây, huyện đã sử dụng nguồn vốn khoa học công nghệ trong việc lai cải tạo đàn bò, làm thí nghiệm và đã đem lại hiệu quả cao. Huyện đã chọn được ba dòng bò lai phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân địa phương, đang được nhân rộng trong dân. Đây là những giống bò phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở địa phương, không kén ăn, ít bệnh… Từ đó, huyện sử dụng các nguồn vốn như vốn từ chương trình khoa học công nghệ, nguồn vốn khuyến nông hàng năm để lai nhân rộng.

Cũng theo ông Chánh thì, Krông Pa là huyện có diện tích cây ngắn ngày, cây hàng năm rất lớn. Tận dụng thế mạnh này, huyện đã có chủ trương vừa tuyên truyền, khuyến khích, vừa hỗ trợ mọi mặt để mở rộng đồng cỏ, lấy thức ăn cho bò lai.

Trở lại với “Công chúa bò” Rahlan H’Rơnl, cô cho biết, những năm cuối đời, cha cô - “Vua bò” Ama Doa đã khuyến khích các con phát triển đàn bò lai. Ông khuyên nên giữ lại một ít bò cỏ để phục vụ các nhu cầu lễ tế, ma chay cưới hỏi, còn ưu tiên nhân rộng đàn bò lai. Bởi ông cũng thấy được giá trị kinh tế của bò lai lớn hơn rất nhiều so với bò cỏ.

“Thực ra, nuôi bò lai cũng không khó. Huyện đã chọn được một số giống bò lai phù hợp và dễ chăm nuôi. Hơn nữa, bò lai nuôi nhốt nên có thêm một lượng phân lớn trong chuồng. Cứ một bao phân bò khô, cháu bán được 30.000 đồng. Chỉ lo nuôi bò lai không đủ thức ăn cho bò”, Rahlan H’Rơnl chia sẻ.

Nông dân đã hiểu được giá trị của bò lai. Huyện cũng đã có nhiều động thái tích cực như đã nêu trên. Do đó, vấn đề nâng tỷ lệ bò lai trên tổng đàn bò của huyện sẽ là không khó.

Mỗi bao phân bò khô bán được 30.000 đồng.

Đi tìm thương hiệu

Khi nhắc tên Krông Pa, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm bò một nắng. Bò một nắng Krông Pa không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, mà đã có mặt ở khắp cả nước. Sau mỗi chuyến công tác hay du lịch ở Gia Lai, ngoài một số mặt hàng đặc trưng, người ta vẫn không quên mua vài cân bò một nắng mang về làm quà.

Krông Pa từng được nhắc đến với cái tên “chảo lửa Krông Pa”, bởi thời tiết ở đây vô cùng nắng nóng. Theo khảo sát của nhiều chuyên gia, số giờ nắng trong năm ở Krông Pa đạt khoảng 1.700 giờ/năm - là địa phương có số giờ nắng cao nhất tỉnh Gia Lai. Bò nhiều, nắng nhiều nên từ hàng mấy chục năm nay, người dân nơi đây đã nghĩ ra cách làm bò một nắng. Ban đầu chỉ đơn giản là để dành ăn dần, sau đó đã trở thành đặc sản với quý ông để nhắm cùng bia, với quý bà để thỏa mãn nhu cầu… ăn vặt.

Bò một nắng Krông Pa được làm từ phần thịt đùi, phần thịt ngon nhất của con bò. Sau khi tẩm ướp gia vị, người ta đem phơi dưới cái nắng như đổ lửa của Krông Pa. Phơi một ngày (một nắng) là được. Khi ăn, lấy miếng bò nướng trên bếp than hồng, đến khi vừa ngửi được mùi thơm là ăn được. Bò một nắng Krông Pa chấm với muối kiến vàng, nhìn người ta ăn thì… nhỏ dãi, ăn vào một lần thì… nghiện! Khi bán cho khách một cân bò một nắng, người ta kèm thêm một hộp nhỏ bằng nắm tay trẻ em đựng muối kiến vàng, là vậy.

Theo ông Võ Ngọc Châu, một số giống bò lai mà huyện đã chọn trong thời gian qua như BBB, Agus… đã thể hiện được tính ưu việt, đó là thích nghi với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của huyện, dễ nuôi, ít bệnh, không kén ăn… Đặc biệt, những giống bò này tăng trọng khá, tỷ lệ thịt rất cao, đạt khoảng 60 - 65%, cao ngang tỷ lệ thịt lợn. Theo đó, rất phù hợp đối với các sản phẩm từ bò, như bò một nắng.

Ông Võ Ngọc Châu cho biết huyện đang tích cực triển khai các dự án, đã trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) nhằm đưa sản phẩm bò của huyện thành thương hiệu “Bò Krông Pa”, gồm những sản phẩm từ bò như bò thịt tươi, bò sấy sợi, bò một nắng, bò sấy bếp… Dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ chính thức ra mắt thương hiệu “Bò Krông Pa”.

Riêng với sản phẩm bò một nắng, để hỗ trợ phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ cuối năm 2018, tỉnh Gia Lai đã triển khai dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Bò một nắng Gia Lai”.

Mới đây nhất, sản phẩm bò một nắng Gia Lai đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ. Đây là lợi thế lớn đối với các chủ sở hữu, giúp sản phẩm vươn xa hơn nữa. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra nhiều thách thức với địa phương trong vấn đề “tiếp sức” cho sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận bảo hộ.

Kết quả khảo sát 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm bò một nắng ở Gia Lai mới đây, chỉ có 7 đơn vị đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho đơn vị minh, 17 đơn vị mong muốn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò một nắng Gia Lai”, 19 đơn vị chấp nhận tuân thủ các quy định về chất lượng và quy trình sản xuất của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận.

Trần Đăng Lâm