Vợ chồng lĩnh án khi đòi nợ và bài học pháp lý khi đòi tiền

Vướng lao lý khi đòi nợ

Mới đây, TAND Tp.HCM đã tuyên 3 bị cáo (gồm vợ chồng anh N.H.H và em vợ) tổng mức án là 17 năm tù vì vi phạm pháp luật trong khi đòi khoản nợ 7 triệu đồng. Đây thực sự là cái giá quá đắt, bởi nguyên nhân phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, vợ chồng bị cáo còn đang nuôi con nhỏ.

Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội cho biết, trong vụ án trên, vợ chồng bị cáo vốn là chủ nợ, sau hơn 1 năm không đòi được tiền nên rất bất xúc. Sau khi phát hiện con nợ ở quán cà phê đã lao đến hành hung rồi lấy chiếc xe máy và ví của con nợ. Hành vi đòi nợ không đúng cách dẫn đến phạm tội cướp tài sản. Đây cũng là bài học cho mỗi người cần nắm rõ quy định khi đi đòi tiền.

Theo Luật sư Kiên, các vụ án dạng này, đa phần mọi người vì tức giận do nhiều lần, thậm chí nhiều năm không đòi được nợ nên đã tự ý hoặc thuê người đến tận nhà con nợ đập phá tài sản, tự ý lấy tài sản để bán trừ nợ, thuê người đánh đập con nợ, bắt giữ con nợ để ép họ trả tiền,... dẫn đến vi phạm pháp luật.

Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt.

Quan hệ vay tài sản là quan hệ dân sự hợp pháp được pháp luật thừa nhận, được điều chỉnh bởi các quy định về hợp đồng vay tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015. Việc vay mượn có thể được các bên lập thành văn bản hoặc thông qua lời nói, hành vi cụ thể được quy định Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức hợp đồng.

Trường hợp khi đã giao kết hợp đồng mà một trong các bên vi phạm nghĩa vụ dẫn đến phát sinh tranh chấp, thì nếu giải quyết tranh chấp phát sinh này sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự. Các bên sẽ xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Trường hợp người vay tài sản vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vay tài sản, nhưng có các dấu hiệu như: Chiếm đoạt tài sản đã được giao bằng thủ đoạn gian dối; không trả lại tài sản được giao khi đến hạn mặc dù có điều kiện, khả năng trả; đã sử dụng tài sản được giao vào mục đích bất hợp pháp, thì người cho vay tài sản (chủ nợ) hoàn toàn có đủ cơ sở để tố giác hành vi của người vay nợ lên cơ quan công an về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, vì không hiểu biết pháp luật, nóng lòng muốn đòi nợ mà nhiều người đã vướng lao lý như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng...

"Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo khi đi đòi nợ tránh gặp bất lợi, rủi ro pháp lý. Trước hết, cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng vay mượn, thế chấp tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay tài sản được khả thi. Ngoài ra, người vay tài sản cũng cần tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết, các quy định về lãi suất các bên cho vay cũng phải đúng theo quy định pháp luật, giải quyết tranh chấp một cách thấu tình đạt lý, tránh để xảy ra việc đòi nợ trái pháp luật dẫn tới hậu quả đáng tiếc", Luật sư Kiên khuyến cáo.

Cần chuyên nghiệp hóa thay vì cấm

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, đối với ngay các tổ chức tín dụng chuyên cho vay và đòi nợ, được pháp luật dành cho đặc quyền thu giữ tài sản bảo đảm cũng còn gặp khó khăn khi xử lý nợ xấu.

Thực tế, các chủ nợ nói chung có nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng dịch vụ đòi nợ của các công ty. Nguyên nhân, bởi việc đòi nợ rất khó khăn, do ý thức trả nợ của người vay, do sự bất cập của pháp luật, do tòa án và cơ quan thi hành án chưa hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho việc giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ.

Thực tế, việc đòi nợ đã có từ rất lâu đời, là việc rất chính đáng, cần thiết và tự nhiên, tất yếu đối với các chủ nợ nói chung cũng như các tổ chức tín dụng nói riêng.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Do đó, cần xem xét lại thay vì cấm dịch vụ đòi nợ như hiện nay bằng việc đặt ra những điều kiện chặt chẽ, để hoạt động này diễn ra một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ.

Đặc biệt, cần ấn định cụ thể trong Bộ luật Hình sự về mức lãi suất cho vay nặng lãi, thay vì quy định bắc cầu đến Bộ luật Dân sự như hiện nay.

Ngoài ra, cần sửa đổi về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự theo hướng bãi bỏ hoặc nâng lên cho phù hợp với thực tế, hoặc phải dựa theo lãi suất thị trường, tức bám sát vào lãi suất cho vay cao nhất của ngành ngân hàng.

Đặng Ngọc Thủy