Vì sao Doanh nghiệp Việt còn thờ ơ với việc đầu tư, xây dựng thương hiệu?

Bộ Công Thương từng công bố kết quả khảo sát hơn 500 doanh nghiệp về nhận thức bảo vệ thương hiệu cho thấy: ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Trong đó, chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu và chỉ chú trọng đăng ký tại Việt Nam, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài và chưa quan tâm khai thác và quản lý thương hiệu.

Doanh nghiệp Việt còn thờ ơ với việc đầu tư, xây dựng thương hiệu

Trong lĩnh vực nông sản, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay có khoảng hơn 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký và có đến 80% doanh nghiệp nông sản Việt chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chính bởi vậy, các sản phẩm nông sản của ta dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa và quốc tế.

Từ đó, tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng. Chưa kể, bảo hộ sở hữu trí tuệ có một nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ. Vì vậy, nhãn hiệu của chúng ta được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì chỉ có giá trị bảo hộ tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ nước khác. Việc này đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu (hay chỉ dẫn địa lý) của chúng ta có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước họ và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, độc quyền sở hữu nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký.

Tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng.

Cụ thể, mới đây nhất là trường hợp của gạo ST25. Trong 2 năm qua gạo ST25 đạt giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2019, rồi giải Nhì năm 2020 nhưng hiện thương hiệu gạo này đã bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ. Như vậy, sau khi bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu, đơn vị trong nước muốn xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Lý giải nguyên nhân khiến một bộ phận doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh từng chia sẻ với báo chí: Hiện trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, có đến 90% là doanh nghiệpvừa và nhỏ, thậm chí nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nên mặc dù rất muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhưng “lực bất tòng tâm” vì tiềm lực tài chính còn hạn chế.

Để khắc phục bất cập này, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ trong quá trình xây dựng thương hiệu theo hướng đưa ra thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ hiệu quả hàng hóa trong nước. Hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, nhằm giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.

Thực tế, Chính phủ đã có chương trình Thương hiệu quốc gia qua đó giúp đỡ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá thờ ơ với Chương trình Thương hiệu Quốc gia, dù chương trình này đã được triển khai 18 năm.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu từ cơ quan quản lý bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực, quyết tâm xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu quốc gia. doanh nghiệp nếu vận dụng hiệu quả thương hiệu quốc gia sẽ có thêm cơ hội để vươn lên mạnh mẽ, đưa hàng Việt mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vận dụng hiệu quả thương hiệu quốc gia sẽ có thêm cơ hội để vươn lên mạnh mẽ.

Đồng thời, đầu tư cho máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý, sản xuất, chế biến... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư cho nghiên cứu thị trường nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp; Xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm nhằm bảo đảm về tính minh bạch của quy trình sản xuất, từ đó tạo tấm “giấy thông hành” cần thiết cho hàng nông sản. Doanh nghiệp cũng cần chủ động quảng bá thương hiệu nông sản của doanh nghiệp ra thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, với các thương hiệu mới khi tham gia bất cứ một thị trường nào cũng đều gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, các thương hiệu mới có thể liên kết với các thương hiệu đã có tên tuổi nhằm tận dụng sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình./.