Vận dụng Nghị quyết 98, phát huy tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài

Sáng 8-5, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài HCM tổ chức “Tọa đàm quốc tế vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TP HCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; Chỉ thị số 27-CT-TU; Nghị quyết số 18/NQ-HĐND”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM cho biết đơn vị đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo TP triển khai thực hiện nhiều nội dung nhằm phát huy tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển chung của TP.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM phát biểu khai mạc tọa đàm

Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Thành ủy - HĐND - UBND TP HCM đã tích cực, chủ động trong việc triển khai và vận dụng cơ chế “đặc thù” của Nghị quyết 98. Cùng với đó là sự chung tay góp sức của người dân TP và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các yếu tố này đã giúp TP HCM từng bước đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bà Trần Tuệ Tri (người Việt ở Singapore, Cố vấn Cấp cao Việt Nam Brand Purpose) cho rằng để tiếp tục nâng cao và phát huy hơn nữa tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo, TP HCM cần thiết phải có những giải pháp đột phá hơn, tập trung về “Chất” chứ không chỉ về “Lượng”.

Bà Trần Tuệ Tri cũng chỉ ra những điểm mà TP HCM có thể tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 98/2023 để phát huy hết tiềm năng của mình. Qua đó tạo nên những đột phá trong đổi mới sáng tạo và thúc đẩy động lực tăng trưởng của thành phố.

Cụ thể, tạo dựng được khu tổ hợp dịch vụ tập trung cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là Trung tâm R&D ở 2 lãnh vực xanh và chip bán dẫn; đẩy mạnh kết nối quốc tế thu hút nguồn lực tài chính, chuyên gia, công nghệ từ nước ngoài vào thành phố giúp các doanh nghiệp SMEs và startup nâng cao năng lực và tăng trưởng quy mô ra quốc tế; tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo.

Bà Trần Tuệ Tri (người Việt ở Singapore, Cố vấn Cấp cao Việt Nam Brand Purpose) đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của TP HCM

Ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP HCM nhìn nhận hoạt động KH&CN của TP HCM thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Tuy nhiên, việc đầu tư cho KH&CN tại TP HCM còn hạn chế, nhỏ, lẻ và tản mạn; tỉ lệ chi cho hoạt động nghiên cứu R&D chỉ chiếm 8,41% tổng chi ngân sách cho KH&CN.

Theo ông Lê Thanh Minh, TP HCM cũng đang thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành, chưa tạo được sản phẩm KH&CN thực sự mang tính đột phá, chủ lực; cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ; hoạt động thu hút các chuyên gia, nhà khoa học còn nhiều hạn chế. Ông Lê Thanh Minh kỳ vọng Nghị quyết 98 sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của ngành KH&CN, thu hút được đội ngũ nhân lực cao về phát triển TP HCM.

Tọa đàm quốc tế vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TP HCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; Chỉ thị số 27-CT-TU; Nghị quyết số 18/NQ-HĐND

TS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Chuyên gia cao cấp Y Sinh, Phó Chủ tịch Hội chuyên gia và trí thức người Việt Nam tại Đan Mạch đã đề xuất các giải pháp thu hút nhân tài ngành y tế cho sự phát triển của TP HCM.

Theo đó, cần thành lập một mạng lưới/ Task Force Y tế TP HCM. Với Task Force này, TP HCM có thể bắt đầu bằng việc tập hợp một danh sách các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y, bác sĩ người gốc Việt giỏi, đang làm việc tại các bệnh viện, trường đại học trên thế giới và ngay trong nước. Mạng lưới sẽ tạo sự kết nối, có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao này tham gia vào tư vấn, giải quyết các bài toán yêu cầu, mong muốn của thành thố với các hình thức hợp tác, hỗ trợ linh hoạt như trực tuyến, hội thảo,...

Bà Cấn Huyền Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam - Nhật Bản cho rằng để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác, đầu tư của Nhật Bản vào TP HCM thì cần phải xây dựng các kênh liên lạc và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp hai bên. Cần chú trọng đến việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự kết nối và giao lưu, bao gồm các hội thảo, diễn đàn và chương trình đào tạo nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững.

Tin, ảnh: LÊ VĨNH