Ứng dụng thiết bị dạy học thông minh vào học môn Tiếng Việt lớp 4 tại Hải Phòng

Tiết lên lớp chuyên đề.

Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố với sự tham dự của bà Xuân Thị Nguyệt Hà, Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT; ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở GD&ĐT, cùng cán bộ phòng chuyên môn của Sở và đại diện các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học trên địa bàn.

Tiết học diễn ra trong phòng học thông minh của Trường Tiểu học Núi Đèo vừa được đầu tư xây dựng.

Cô trò khởi động bài học một cách hào hứng.

Trong tiết dạy cô giáo Khánh Linh hướng dẫn học sinh đọc đúng từ ngữ, câu văn, đoạn văn và toàn bộ câu chuyện "Trước ngày xa quê". Các em biết đọc diễn cảm, phù hợp với dòng cảm xúc lưu luyến của nhân vật; nhận biết được đặc điểm của nhân vật thể hiện qua hành động, tâm trạng, cảm xúc buồn, nhớ nhung, bịn rịn khi phải rời xa quê; tìm động từ thể hiện cảm xúc trong bài đọc, vận dụng viết câu nói về tình cảm quê hương; khơi gợi cảm xúc với quê hương, trân trọng tình cảm với gia đình, bạn bè, người thân.

Cô Khánh Linh hướng dẫn học sinh đọc bài.

Các em được phát triển về năng lực giao tiếp, hợp tác, cùng nhau trao đổi thảo luận tìm ra cách đọc đúng, từ ngữ, hình ảnh, câu văn hay; giải quyết vấn đề sáng tạo; phát triển ngôn ngữ, năng lực văn học, cảm nhận được từ ngữ, hình ảnh, câu văn hay trong bài.

Để đạt mục đích bài dạy, cô trò dùng các thiết bị giáo dục thông minh như: Ti vi cảm ứng, máy tính, hình ảnh, video phần mềm tra từ điển, google driver, padlet.

Học sinh ứng dụng thiết bị thông minh vào việc thực hiện yêu cầu bài học.

Học sinh khởi động bài học một cách hào hứng theo nhịp của bài hát "Lời chào của em". Bằng cách dẫn dắt khéo léo, cô trò cùng bước vào bài đọc với tâm trạng phấn khởi. Trò sử dụng máy tính bảng truy cập ứng dụng, sách mềm để tương tác cùng cô và các bạn. Các em được hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm sôi nổi. Qua 3 đoạn của bài đọc, cô giáo hướng dẫn trò cách đọc, nhận xét và cho các em nhận xét chéo lẫn nhau. Qua kiến thức bài học, kĩ năng đọc được hình thành.

Giáo viên kiểm tra hoạt động nhóm của học sinh.

Qua bài đọc, học sinh được cô lồng ghép nội dung giáo dục địa phương về tình yêu quê hương, đất nước.

Chuyên đề được lãnh đạo ngành Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao; giáo viên chủ động xử lý tình huống trong tiết dạy tốt; nhuần nhuyễn trong kết hợp dạy học truyền thống với sử dụng các thiết bị thông minh hiệu quả.

Năm học 2023-2024, là năm học thứ tư thực hiện chương trình GDPT 2018. Chuyên đề “ Dạy học môn Tiếng Việt lớp 4" hôm nay nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn, nâng cao năng lực về ứng dụng CNTT, tăng khả năng tiếp cận thế giới số, cách thức vận hành các thiết bị thông minh để ứng dụng vào các bài giảng, tiết dạy.

Thảo Nguyên