Tiếng Pháp – cầu nối tình đoàn kết

Ngày quốc tế Pháp ngữ được kỷ niệm vào ngày 20/3 hàng năm. (Ảnh minh họa: umontreal.ca)

Ngày 20/3/1970, tại Cộng hòa Niger, 77 thành viên Cộng đồng Pháp ngữ đã ký hiệp định Niamey (La Francophonie). Kể từ đó, ngày 20/3 hàng năm được lấy làm Ngày Quốc tế Pháp ngữ để kỷ niệm ngôn ngữ và văn hóa cộng đồng Pháp ngữ. Pháp ngữ là một ngôn ngữ phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3), vì vậy là dịp để những người nói tiếng Pháp thể hiện sự gắn bó của mình với tiếng Pháp, khẳng định tình đoàn kết và mong muốn được chung sống cùng nhau trong sự khác biệt và đa dạng, cũng như đề cao những giá trị mang tính toàn cầu của nhân loại.

Mỗi năm, Liên hợp quốc kỷ niệm 6 "Ngày ngôn ngữ", dành cho 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc, đó là tiếng Ả Rập, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.

Chuyên gia về truyền thông và đa ngôn ngữ của Liên hợp quốc Carole Maisonneuve tuyên bố cho biết: “Đó là việc làm cho mọi người nhận thức được sự giàu có về ngôn ngữ” của Liên hợp quốc và “về sự đóng góp vô giá của chủ nghĩa đa ngôn ngữ đối với một chủ nghĩa đa phương hiệu quả, dựa trên sự minh bạch”.

Liên hợp quốc đánh giá đa ngôn ngữ có tầm quan trọng đặc biệt đối với tổ chức này hơn bao giờ hết vì nó thúc đẩy sự khoan dung và bảo đảm sự tham gia hiệu quả của tất cả mọi người vào quá trình làm việc của Liên hợp quốc.

Tiếng Pháp gắn kết với phụ nữ

Ngày Quốc tế Pháp ngữ năm nay được kỷ niệm với chủ đề "Phụ nữ Pháp ngữ, phụ nữ kiên cường", để nhắc nhở về 190 triệu phụ nữ của 88 quốc gia và chính phủ thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ, "những người đang phải chiến đấu hàng ngày, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa từng có”.

Bà Madeleine Oka-Balima, phụ trách đơn vị bình đẳng giới của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), tuyên bố: “Phụ nữ tham gia nhiều hơn trong khu vực phi chính thức với sự giam hãm và tất cả những hậu quả do đại dịch gây ra, họ đã chứng kiến nguồn thu nhập của mình biến mất chỉ sau một đêm”. “Ở một số nước nói tiếng Pháp trên thế giới, thu nhập do một phụ nữ tạo ra giúp đáp ứng nhu cầu của 5 hoặc 6 người, vì vậy họ đã bị ảnh hưởng và cộng đồng của họ cũng bị ảnh hưởng” – bà Oka-Balima nói thêm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia về bình đẳng giới của OIF, nếu phụ nữ là nạn nhân đầu tiên của đại dịch, thì "phản ứng của họ là chìa khóa giúp kiềm chế tình trạng vô cùng khó khăn mà chúng ta đã phải sống suốt một năm qua". “Về vấn đề giáo dục, chúng tôi đã thấy phụ nữ trẻ ở nhiều quốc gia nói tiếng Pháp trên thế giới, ở châu Phi, ở các quốc gia châu Âu và Bắc Phi, đặt mình lên vị trí hàng đầu của các sáng kiến để tiếp tục giúp đỡ những người khác” – bà Oka chỉ rõ.

Đa ngôn ngữ, cơ bản hơn bao giờ hết

Vào ngày 20/3, Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa ngôn ngữ.

Theo Liên hợp quốc, đa ngôn ngữ giữ vai trò cốt yếu để xây dựng cầu nối giữa các nền văn hóa, giữa các cộng đồng ngôn ngữ, xây dựng sự hòa hợp giữa các quốc gia và sự hiểu biết lẫn nhau. Đó cũng là nền tảng cho công việc của Liên hợp quốc vì nó cho phép tiếp xúc tốt hơn với những người thụ hưởng. Làm thế nào để tiếp cận hoặc đánh giá nhu cầu của những người thụ hưởng hành động nhân đạo hoặc các dự án phát triển nếu bạn không thể giao tiếp và tương tác với họ.

Lấy minh chứng các hoạt động gìn giữ hòa bình phát triển trong một bối cảnh ngôn ngữ, chuyên gia về truyền thông và đa ngôn ngữ của Liên hợp quốc Carole Maisonneuve giải thích: “Nếu bỏ qua bối cảnh ngôn ngữ này cũng là tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm”.

Trong năm qua, đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc truyền đạt thông tin mấu chốt, chẳng hạn như những việc làm để đề phòng lây nhiễm hoặc lợi ích của việc tiêm chủng, bằng ngôn ngữ mà các đối tượng mục tiêu sử dụng thành thạo. Cũng như vậy để thoát khỏi khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra và xây dựng cuộc sống trở lại tốt đẹp hơn vì cần tiếp tục huy động mọi thành phần xã hội, mọi cơ quan công quyền và toàn thế giới với tinh thần nhân ái và đoàn kết.

Có thể thấy rằng Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3) được kỷ niệm hàng năm đã trở thành một ngày hội của những người nói tiếng Pháp và yêu tiếng Pháp tại các quốc gia trên thế giới. Cùng với các ngôn ngữ khác, tiếng Pháp đã, đang và sẽ góp phần là cầu nối gắn kết mọi người dân, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng quốc tế và nỗ lực chung sống trong sự khác biệt, đa dạng và cùng phát huy các giá trị nhân văn của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây nên những tác động toàn cầu như hiện nay./.

Khánh Linh