Yên Bái: Ngày càng nhiều bạn trẻ chọn HTX để khởi nghiệp

Lập nghiệp từ mô hình HTX - làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội

Những năm gần đây, số lượng HTX do thanh niên làm chủ ở ên Bái ngày càng tăng và hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề: Nông, lâm - ngư nghiệp, dịch vụ tổng hợp, vận tải, du lịch…, góp phần thay đổi tư duy về nghề nghiệp, việc làm của bản thân và thế hệ trẻ. Những Giám đốc HTX độ tuổi 8X, 9X, 2K đã biết cách nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt luôn tiên phong, sáng tạo áp dụng chuyển đổi số (CĐS) vào hoạt động với khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Năm 2022, có 37 HTX do thanh niên làm chủ, trong tổng số 97 HTX được thành lập mới toàn tỉnh, chiếm 38%, đến năm 2023 số HTX do thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX tăng lên 45 Hợp tác xã với gần 400 thành viên, chiếm 43% số HTX thành lập mới toàn tỉnh năm 2023 (104 HTX), trong năm 2023 còn có 90 Tổ hợp tác do đoàn viên, thanh niên làm chủ được thành lập.

Đoàn viên Đỗ Tuấn Lương sinh năm 1993 - Thạc sỹ kinh tế tốt nghiệp ở Úc, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (huyện Văn Chấn), là một trong những cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại HTX theo chính sách thu hút của tỉnh Yên Bái, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, mong muốn được góp phần làm giàu cho quê hương, anh đã cùng Ban lãnh đạo HTX quyết tâm “đưa công nghệ 4.0 lên nương chè Kiến Thuận” giúp cho sản phẩm chè của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận bay xa tại các thị trường quốc tế khó tính như: Mỹ, Nga, Anh quốc và Ả rập Xê út…mang lại thu nhập ngày càng cao cho HTX và thành viên.

Không dừng ở đó, năm 2023 anh Đỗ Tuấn Lương và một số bạn trẻ tiếp tục thành lập HTX chè Shan tuyết Phình Hồ tại huyện Trạm Tấu là huyện có 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, để nâng cao thương hiệu cũng như giá trị của cây trà Shan tuyết cổ thụ và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tuy mới thành lập, song HTX chè Shan tuyết Phình Hồ được đánh giá là mô hình HTX điển hình của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số tại tỉnh Yên Bái với việc bán các sản phẩm chè trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiktok shop, Tiktok, facebook…, có hàng trăm ngàn followers và hàng triệu lượt xem.

Anh Đỗ Tuấn Lương chia sẻ: “Thành quả trong 1 năm qua khi áp dụng các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh chè Shan tuyết cổ thụ là: Giữ giá và bao tiêu toàn bộ nguyên liệu cho các hộ thành viên; Sản lượng chè thành phẩm năm 2023 đạt 3 tấn chè búp khô và đã bán lẻ ra thị trường đến thời điểm hiện tại là 2.500kg; thương hiệu đã cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng Tiktok và Facebook”.

Anh Đỗ Tuấn Lương - Giám đốc trẻ 9X HTX chè Shan tuyết Phình Hồ chia sẻ mô hình HTX điển hình trong Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái tại Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các HTX, Tổ hp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tháng 11/2023.

Với anh Nguyễn Văn Huỳnh là đoàn viên thanh niên dân tộc Tày - đảng viên trẻ 9X hiện là Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát (huyện Văn Yên) đang là “ngọn lửa” truyền nhiệt huyết về tinh thần nghiên cứu sáng tạo, cống hiến sức trẻ và trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bên cạnh rất nhiều giải thưởng của tập thể HTX và cá nhân, năm 2022 anh Huỳnh vinh dự là đại biểu trẻ nhất trong số các “Nhà khoa học không chuyên” tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tôn vinh 62 “Nhà khoa học của Nhà nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức với Giải pháp sáng tạo là bếp bình đun nóng lạnh tận dụng nhiệt thừa, được sử dụng thay cho bình nóng lạnh điện, nóng lạnh gas, bình năng lượng mặt trời.

HTX DVNN Huỳnh Phát đã thành lập Chi đoàn thanh niên trong HTX vào tháng 5/2023,

Hợp tác xã Du lịch Đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) được thành lập vào tháng 7/2022 do đoàn viên thanh niên Lý A Dờ sinh năm 1998 làm Giám đốc, hiện đang thuê gần 5 ha diện tích ruộng bậc thang tại khu vực đồi Mâm Xôi để cấy lúa, làm du lịch và thành lập 2 đội văn hóa văn nghệ quần chúng, một tổ đội xe ôm, kiêm hướng dẫn viên du lịch, để phục vụ du khách.

Vào các tháng cao điểm của mùa du lịch, HTX tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động thời vụ và quản lý 500 xe ôm đưa khách đi thăm quan khu vực đồi Mâm Xôi, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương, giúp bà con có thêm cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ngay trên mảnh đất quê hương.

Ở tuổi 33, chị Đồng Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh (HTX Hiền Vinh) cùng tập thể HTX Hiền Vinh với 03 năm hoạt động từ khi thành lập (năm 2020) đến nay, đã có tới 5 sản phẩm OCOP: Cá mương sấy Hồ Thác Bà, Cá Rô lọc xương sấy Hồ Thác Bà, Thịt Trâu sấy gác bếp, Thịt Lợn sấy Hiền Vinh, Lạp sườn gác bếp Hiền Vinh... Trong đó bộ sản phẩm: Cá mương sấy Hồ Thác Bà, Cá Rô lọc xương sấy Hồ Thác Bà, Thịt Trâu sấy gác bếp của HTX vừa được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2023. Hiện HTX Hiền Vinh đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 thành viên và người lao động với mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời HTX luôn chấp hành tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Với hoài bão, khát vọng làm giàu, thời gian tới nữ Giám đốc HTX 9X Đồng Thị Hiền cùng tập thể HTX Hiền Vinh sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để tăng số lượng, chất lượng các sản phẩm, tăng doanh thu và nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hình ảnh Giám đốc HTX Hiền Vinh Đồng Thị Hiền marketing sản phẩm OCOP 3 sao Thịt trâu sấy gác bếp Hiền Vinh

Đồng hành với Thanh niên “khởi nghiệp, lập nghiệp”

Đánh giá về sự phát triển của các HTX do thế hệ trẻ làm chủ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Nhân Đạo, nhận định: Lợi thế của người trẻ là có sức khỏe, có kiến thức, được đào tạo bài bản; năng động, sáng tạo, biết cách nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, thì thanh niên luôn là lực lượng tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý điều hành HTX và tiêu thụ sản phẩm, từ những lợi thế đó sẽ giúp người trẻ ngày càng thành công hơn trong lập nghiệp từ mô hình HTX, tạo thành phong trào phát triển kinh tế tập thể rộng khắp trong các tầng lớp thanh niên và người dân trong xã hội.

Theo số liệu báo cáo của Tỉnh đoàn Yên Bái, đến hết năm 2023 toàn tỉnh Yên Bái có trên 40.000 cán bộ, đoàn viên và 185.000 thanh niên, với số lượng, chất lượng đông đảo người trẻ như vậy, sẽ là nguồn nhân lực lớn để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình Kinh tế tập thể, HTX trong tuổi trẻ tỉnh nhà.

Tiếp tục đồng hành với đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, nhất là với việc thanh niên chọn mô hình HTX để lập thân, lập nghiệp, Liên minh HTX tỉnh đã ký Quy chế phối hợp với Tỉnh đoàn Yên Bái, nhằm thúc đẩy phát triển mô hình KTTT, HTX trong đoàn viên, thanh niên.

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh tích cực tuyên truyền, hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh Yên Bái và Trung ương, đồng thời kêu gọi nguồn vốn đầu tư, ủy thác với hệ thống ngân hàng để đoàn viên thanh niên được tiếp cận vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền về Kinh tế tập thể, HTX, khởi sự kinh doanh và nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại… Tạo điều kiện để các bạn trẻ phát huy thế mạnh của KTTT, để lập thân, lập nghiệp, đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Hoàng Hà