'Thời kỳ thúc đẩy tăng trưởng dựa vào vốn và tài nguyên thuần túy đã qua'

Khả năng bán hàng suy yếu do nhu cầu giảm

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm từ 2020 đến 2023.

Các động lực tăng trưởng truyền thống đều tăng tích cực; các khu vực quan trọng của nền kinh tế như nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tiếp tục hồi phục.

Tuy nhiên, hầu hết theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam dù có nhiều “điểm sáng” nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn.

Khả năng bán hàng của doanh nghiệp đang suy yếu.

Tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, có tới 73,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, chỉ trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân mỗi tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) lý giải, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp là khả năng bán hàng suy yếu do nhu cầu giảm.

Dưới góc độ của mình, TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị giảm phát thải các-bon, ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam. Giải ngân tín dụng còn tương đối chậm; chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng.

Việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí lao động. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự báo, bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm, điều này ảnh hưởng đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và thách thức mục tiêu tăng trưởng chung trong năm nay. Do đó, cần phải có những động lực mới thực sự mạnh mẽ để vực dậy “sức khỏe” doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cần có những động lực tăng trưởng mới

Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của ốc hội cho rằng, thời kỳ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào vốn và tài nguyên thuần túy đã qua, giờ đây đòi hỏi cần phải có những động lực tăng trưởng mới. Các động lực đó gồm: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip, công nghệ bán dẫn, hydrogen.

Cùng với đó, Nhà nước cần sớm rà soát và hoàn thiện thể chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hơn hết, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cần phải xem đổi mới sáng tạo là đòi hỏi “sống còn” trong thời kỳ mới.

Thời kỳ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào vốn và tài nguyên thuần túy đã qua.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chia sẻ, một động lực quan trọng cho phát triển của doanh nghiệp Việt Nam đến từ các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên. Vấn đề là Việt Nam cần tận dụng tốt hơn nữa như doanh nghiệp của các nền kinh tế đối tác đã và đang tận dụng.

Bởi theo ông Trịnh Minh Anh, đánh giá khách quan từ các tổ chức quốc tế và các cơ quan trong nước, trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, xuất, nhập khẩu năm 2023 có sự hỗ trợ rất lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế, giúp Việt Nam hợp tác thương mại với nhiều quốc gia hơn và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu

“Điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có”, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng bổ sung thêm, bên cạnh các giải pháp về mặt chính sách, cần phải quyết liệt đổi mới tư duy.

Trên thực tế, theo bà Minh, 3 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

"Song, Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế, bởi thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng", bà Minh khẳng định.

Cũng theo bà Minh, Việt Nam cũng cần lưu tâm đến cả những nội lực khác của nền kinh tế, gắn với quy mô dân số đã vượt 100 triệu dân, gắn với tầng lớp thu nhập trung bình có thể đạt hơn 50 triệu người vào năm 2050, thế hệ ‘Gen Z’ đang ngày một mở rộng và nguồn tài nguyên dữ liệu nhiều tiềm năng.

Anh Vũ