Thị trường Trung Quốc: Kỳ vọng nào cho VHC và PHR?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau 11 tháng 2023 với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.

Nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ nhất là rau quả. Song trên thị trường chứng khoán, có 2 doanh nghiệp đại diện cho 2 nhóm ngành cũng có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc lớn gồm cá tra và cao su.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Vĩnh Hoàn

Năm 2022, sản lượng cá tra xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam đạt hơn 672 triệu USD chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu của sản phẩm này.

Còn 9 tháng 2023, xuất khẩu cá tra phile đạt 290 triệu USD, giảm 34% so cùng kỳ và chiếm gần 67% tổng tỷ trọng. Tuy nhiên với kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc dần hồi phục vào cuối năm sẽ giúp cho sản lượng tiêu thụ mặt hàng này dần được cải thiện.

Riêng trong quý 3/2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cá tra lớn nhất của Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu tăng 19% so quý trước và chiếm 32% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Mức tăng trưởng mạnh so quý trước tại Trung Quốc trong quý 3/2023 chủ yếu do dịp nghỉ lễ vào tháng 8 và tháng 9. Doanh số tại thị trường Châu Âu tăng 19% so quý trước trong khi doanh số tại Mỹ giảm 1%.

Sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam theo thị trường, theo quý

Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng, nhu cầu sẽ phục hồi vào cuối năm 2023, được hỗ trợ bởi sự kích thích của Chính phủ và mùa lễ hội sắp đến. cho rằng doanh số bán lẻ và sản lượng dịch vụ tăng tốc nhẹ so với quý trước trong quý 3/2023 do kích thích tài chính của Trung Quốc có thể tiếp tục tác động tích cực đến triển vọng kinh tế cũng như tâm lý người tiêu dùng trong quý 4/2023 và 2024.

Do đó, VCSC lạc quan hơn và kỳ vọng sự phục hồi mạnh hơn so với quý trước của nhu cầu tiêu dùng và các đơn đặt hàng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong quý 4/2023.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, mảng kinh doanh có nhiều biến động. Từ 2006 đến nay, khi Việt Nam gia nhập WTO, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đã tận dụng tốt thời cơ và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra, cá basa với khoảng 17%, đặc biệt là thị trường Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc.

Vĩnh Hoàn đứng đầu ngành trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam (chiếm 15,4% tỷ trọng xuất khẩu cá tra). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của doanh nghiệp này.

Dự phóng kết quả kinh doanh của VHC

VCSC tin rằng sản lượng bán của Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục phục hồi trong quý 4/2023 khi các nhà khai thác dịch vụ thực phẩm toàn cầu tăng cường hoạt động dự trữ hàng tồn kho khi thị trường toàn cầu bước vào mùa lễ hội, sau đó là sự phục hồi tiêu dùng sôi động hơn, thúc đẩy giá bán phi lê cao hơn vào năm 2024.

Trong dài hạn, VCSC tin rằng cá tra có vị thế vững chắc trên thị trường cá thịt trắng toàn cầu như một lựa chọn kinh tế hơn so với lựa chọn truyền thống như cá tuyết và cá minh thái.

Đồng thời, VCSC duy trì kỳ vọng rằng nguồn cung cá tra thắt chặt của Việt Nam sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2024 do (1) thời tiết El Ninõ không thuận lợi và (2) tác động của chi phí nguyên liệu cao đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, làm giảm bớt sự cạnh tranh và thúc đẩy thị phần sản lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn ở thị trường Mỹ (47,7% trong 9 tháng 2023 từ 43% năm 2022) và Trung Quốc (5% trong 9 tháng 2023 từ 3,2% năm 2022).

VCSC dự báo sản lượng xuất khẩu phi lê của Vĩnh Hoàn sẽ giảm 4% vào năm 2023 trước khi tăng 16% vào năm 2024.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam

Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1,6 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD.

Trong 9 tháng 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 80,88% về lượng và chiếm 80,41% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 156,34 nghìn tấn (+4,6% so cùng kỳ), trị giá 202,44 triệu USD (-2,7% so cùng kỳ).

CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: ) là công ty lớn thứ 3 về diện tích trồng cao su trong nước với 14.500 ha tại Việt Nam và 8.000 ha tại Campuchia.

Doanh thu Q3/2023 của Phước Hòa giảm 13,4% so cùng kỳ xuống 453 tỷ đồng bất chấp sự phục hồi của hai hoạt động kinh doanh cốt lõi là cao su & gỗ (+186% so với quý trước). Quý 3 thường là mùa cao điểm cao su do nhu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc tăng cao, tuy nhiên sự phục hồi của hoạt động sản xuất Trung Quốc chậm hơn dự kiến đã tạo áp lực lên kết quả kinh doanh mảng cao su của Phước Hòa trong năm nay.

Cơ cấu doanh thu mảng cao su và gỗ của PHR

Giá cao su toàn cầu tiếp tục diễn biến kém khả quan trong 6T2023 sau xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, Chứng khoán nhận thấy một vài tín hiệu tích cực có thể thúc đẩy giá cao su từ Q4/2023.

Giá dầu thô dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2024, do các yếu tố từ phía cung như (1) OPEC+ kéo dài thảo thuận cắt giảm sản lượng và (2) các quốc gia thành viên trong OECD tiếp tục duy trì tồn kho dầu thô ở mức thấp trong những năm tới.

Đặc biệt, doanh số bán xe ô tô của Trung Quốc đạt 2,04 triệu chiếc trong tháng 9, mức cao nhất theo tháng trong năm 2023, giúp tổng doanh số bán xe ô tô trong Q3/2023 tăng 9,6% so cùng kỳ. VNDirect dự phóng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ ô tô vào năm 2024 với 22,43 triệu chiếc, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe ở mức cao. Bên cạnh đó, một khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cao su sẽ là động lực tăng giá cao su toàn cầu.

VNDirect tin rằng PHR với vị thế là một trong những nhà sản xuất cao su hàng đầu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất qua đó cải thiện sản lượng và giá bán cao su.

Minh An