Thị trường chứng khoán Việt Nam: Con sóng uptrend đang đến gần?

Quý I/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng 13%

Các dòng cổ phiếu “đua” nhau chạy

Theo thông cáo báo chí tình hình kinh tế xã hội quý I/2024 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số rất tích cực, khi mà cao hơn tốc độ tăng của quý I của 4 năm gần nhất, từ 2020 đến 2023.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến ngày 28-3-2024, chỉ số VNIndex đạt 1.286,11 điểm, tăng 2,7% so với cuối tháng trước và tăng 13,8% so với cuối năm 2023; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 15/3/2024) ước đạt 6.662 nghìn tỉ đồng, tăng 12,2%. Tính chung quý I/2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.529 tỉ đồng/phiên, tăng 28,2% so với bình quân năm 2023.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 3 đạt 11.279 tỉ đồng/phiên, tăng 20,5% so với tháng trước; bình quân quý I/2024 đạt 9.698 tỉ đồng/phiên, tăng 48,8% so với bình quân năm 2023.

Cùng với những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, quý I/2024 cũng chứng kiến nhiều dòng cổ phiếu đua nhau tăng rất mạnh. Đầu tiên phải kể đến là dòng cổ phiếu ngân hàng.

Trong quý I/2024, cổ phiếu TCB của Ngân hàng Techcombank có mức tăng hơn 47%; MBB của Ngân hàng Quân đội tăng 35%; CTG của Ngân hàng Công Thương tăng 30%... Hầu hết các mã ngân hàng khác cũng đều có mức tăng 15-20%.

Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2024 sẽ là năm “bùng nổ” của VNIndex

Cổ phiếu chứng khoán cũng chứng kiến mức tăng rất tốt từ đầu năm tới nay. Các mã đầu ngành như SSI (Công ty CP Chứng khoán SSI) tăng 18%, HCM (Công ty CP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) tăng 30%, VCI (Công ty CP Chứng khoán Bản Việt) tăng 27%... Một số mã chứng khoán nhỏ cũng có mức tăng rất tốt, điển hình như FTS (Công ty CP Chứng khoán FPT) tăng 40%, VIX (Công ty CP Chứng khoán VIX) tăng 20%, BSI (Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng BIDV) tăng 35%...

Dòng bất động sản khu công nghiệp cũng chứng kiến nhiều mã tăng “đột biến”. Điển hình như cổ phiếu GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) tăng gần 70%, cổ phiếu SZC (Công ty CP Sonadezi Châu Đức) tăng 22%, cổ phiếu IDC (Tổng công ty CP Idico) tăng gần 20%.

Không nằm ngoài bức tranh chung của thị trường, cổ phiếu họ Dầu khí thời gian qua cũng đã có nhịp tăng khá mạnh mẽ. Trong đó tăng hơn 20%, PVB tăng 25%. Nếu xét trong quý IV/2023, các cổ phiếu PVT của Vận tải Dầu khí hay PVS của Dịch vụ Dầu khí thậm chí đã vượt đỉnh mọi thời đại.

Thị trường đã bước vào giai đoạn uptrend?

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Founder kiêm CEO của FinPeace, nhìn trên đồ thị kỹ thuật chỉ số VNIndex hiện đã vượt lên kênh giảm trung hạn và bắt đầu bước vào “thị trường con bò” (thị trường đầu cơ tăng giá).

Với những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô, kỳ vọng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, sự hồi phục mạnh mẽ của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế như: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ, bán lẻ, ngân hàng, bất động sản…, CEO của FinPeace cho rằng 2024 sẽ là năm rất tích cực của TTCK Việt Nam. Ngoài ra, hiện lãi suất đang neo ở mức thấp, đà lạm phát được kiềm chế, và TTCK quốc tế rất tích cực cũng sẽ là những tác động để các nhà đầu tư có thể kỳ vọng về một “con sóng thần” của chứng khoán vào nửa cuối 2024 và có thể sang năm 2025.

“Tuy nhiên, vẫn còn một số biến cố có thể ảnh hưởng đến TTCK. Ví dụ như tỷ giá VND/USD vẫn đang neo ở mức cao, sự phục hồi sản xuất kinh doanh tại một số ngành còn chậm, giải ngân đầu tư công cũng chưa có những đột phá... Do đó, trong ngắn hạn VNIndex có thể rung lắc trong biên độ 5-10%. Nhà đầu tư ngắn hạn cần lưu ý quản trị rủi ro. Trong khi đó, nhà đầu tư trung - dài hạn có thể canh những nhịp giảm sâu để gom mua cổ phiếu” - chuyên gia tư vấn đầu tư Hồ Hữu Tuấn Hiếu của Công ty chứng khoán SSI nhấn mạnh.

Cổ phiếu PVT của PVTrans đã “break” đỉnh mọi thời đại từ cuối năm 2023

Chung quan điểm, ông Trịnh Thế Hoàn, chuyên gia tư vấn đến từ Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, 2024 sẽ là năm tích cực của chứng khoán Việt Nam. Trong đó các dòng cổ phiếu bất động sản, ngân hàng… sẽ là động lực đẩy thị trường đi lên mạnh mẽ. Ngoài ra, với kỳ vọng từ Lô B - Ô Môn, thì họ cổ phiếu dầu khí (với các mã PVD, , PVT, PVB, BSR…) cũng là dòng cổ phiếu mà nhà đầu tư cần hết sức lưu ý để có được vụ mùa “bội thu”.

Nhiều cổ phiếu họ Dầu khí vượt đỉnh mọi thời đại

Từ cuối năm 2024, mã cổ phiếu PVS của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã vượt đỉnh lịch sử khi chạm mốc 41.200 đồng/cổ phiếu. Sau khi đi ngang tích lũy khoảng 3 tháng, ngày 5/4/2024 PVS tiếp tục vượt đỉnh lịch sử khi chạm mốc 44.800 đồng/cổ phiếu.

Theo báo cáo gửi đến nhà đầu tư, Công ty Chứng khoán Vietcap đã nâng giá mục tiêu từ 31.100 đồng lên 47.800 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ Khả quan lên Mua cho PVS. Công ty này cũng nâng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 của PVS thêm 12% (tương ứng +3%, +6%, +14%, +9%, +28% cho các năm từ 2024 đến 2028).

Cổ phiếu PVD của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cũng đã vượt đỉnh trung hạn khi chạm mốc 34.900 đồng vào ngày 2/4/2024 và đang trong quá trình công phá đỉnh lịch sử được tạo ra từ năm 2015.

Công ty MBS dự phóng lợi nhuận ròng năm 2024-2025 của PVD sẽ lần lượt đạt 967 tỉ đồng (tăng trưởng 66,9%) và 1.234 tỉ đồng (tăng trưởng 27,6%). Chuyên gia MBS sử dụng 2 phương pháp FCFF và P/B để đưa ra giá trị hợp lý của cổ phiếu PVD trong năm 2024 là 35.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

Không chịu thua kém hai “người anh em”, cổ phiếu của Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) cũng đã “break” đỉnh mọi thời đại vào ngày 16/10/2023 với mức giá 30.850 đồng/cổ phiếu. Sau khi đi ngang tích lũy 5 tháng, chuyên gia kỳ vọng PVT sẽ lại nhanh chóng vượt đỉnh.

Đoàn Minh Khang