Thành quả kinh tế của năm 2023: 'Tạo đà' cho giai đoạn 2024 - 2025

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn tặng bằng khen cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội năm 2023. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Thực hiện Nghị quyết năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; phục hồi chậm, tăng trưởng thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm...; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, bất động sản chưa ổn định; giá nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao… Trong nước, do tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, nên thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và gặp nhiều khó khăn; giá đầu ra nông sản một số loại giảm sâu, làm giảm động lực sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế của tỉnh… Song, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, ủng hộ của Nhân dân, nên kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Năm 2023, có 23/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt so chỉ tiêu Nghị quyết. Tăng trưởng GRDP đạt 8,25% (Nghị quyết 7,5%, xếp thứ 02 so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thứ 12 cả nước). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,95%, mức tăng cao so với các năm trước đây; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,63% (công nghiệp tăng 17,11%, xây dựng tăng 8,03%); khu vực dịch vụ tăng 7,70%. Thu ngân sách đạt 17.175 tỷ đồng, đạt 133% dự toán, tăng 8,89% so với cùng kỳ; tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35.367 tỷ đồng, tăng 12,06% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 56.180 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 32.011 tỷ đồng (đạt 100,03% Nghị quyết), tăng 17,07% so với cùng kỳ. Thu hút 10 dự án đầu tư (tăng 04 dự án so với cùng kỳ); trong đó, có 09 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư trên 930 tỷ đồng và 01 dự án nước ngoài, tổng vốn đầu tư 2,5 triệu USD. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch tỉnh à Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh công nhận xã Tân An, huyện Càng Long đạt chuẩn đô thị loại V, nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,1%, vượt chỉ tiêu nghị quyết.

Đồng chí Lê Văn Hẳn. Ảnh: KIM LOAN

Nữ công nhân lao động Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Bảo Tiên, xã Song Lộc, huyện Châu Thành trong giờ làm việc. Ảnh: KIM LOAN

Năm 2023, đưa 1.192 lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, đạt 132,4% chỉ tiêu Nghị quyết (năm 2019: 640 lao động; năm 2020: 460 lao động; năm 2021: 292 lao động; năm 2022: 915 lao động). Các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đều đạt và vượt, toàn tỉnh có 85/85 xã đạt nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; hiện có 09/09 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả đạt năm 2023 đã tạo phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Qua đó, rút ra kinh nghiệm quý báu là: Khi tập trung, dồn sức, xác định công tác trọng tâm, trọng điểm thì dù khó khăn mấy cũng sẽ thành công. Năm 2024 - năm quyết định nhiều vấn đề quan trọng để tạo điều kiện cho tổng kết giai đoạn 2021 - 2025, là năm cần tập trung dồn sức để tổng kết nhiệm kỳ. Trong bối cảnh tình hình vừa thuận lợi vừa khó khăn đan xen, tỉnh vận dụng phù hợp, tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gắn với thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025), nhất là thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược và các giải pháp đã đề ra.

Thứ hai, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu đãi hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, chủ động triển khai giải ngân vốn năm 2024. Triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung thực hiện đề án phát triển kinh tế biển, kinh tế ban đêm của tỉnh đến năm 2030; chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển đô thị.

Thứ tư, thực hiện hiệu quả cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và cạnh tranh. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, tập trung dồn sức của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện và hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới.

Thứ sáu, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, trước tiên chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, sáng tạo, tương thích với thời kỳ đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển nền hành chính của tỉnh.

Thứ bảy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của tỉnh.

LÊ VĂN HẲN

(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh).