Thách thức mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2024

A.I

(KTSG Online) – Tình trạng gián đoạn hàng hải hiện nay ở kênh đào Suez, nằm phía trên Biển Đỏ và ở kênh đào là những thách thức mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2024.

Maersk, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, thông báo tất cả tàu container của hãng tạm dừng đi qua Biển Đỏ sau vụ tấn công bất thành của phiến quân Houthi nhằm vào tàu Maersk Hangzhou của hãng vào cuối tuần qua. Ảnh: Getty

Diễn diễn trên xuất hiện đúng lúc các căng thẳng địa chính trị đang đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình hoạt động gia công và phân phối hàng hóa. Đồng thời, các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp lâu đời đang thiết lập chuỗi cung ứng mới cho năng lượng sạch, bao gồm các hoạt động hỗ trợ lĩnh vực ô tô, vốn là nền tảng của mạng lưới hậu cần sản xuất.

Tất cả những điều này gây khó khăn mới cho chuỗi cung ứng từ chip bán dẫn đến hàng tiêu dùng, gia tăng áp lực lên các công ty đang nỗ lực xây dựng tính chống chịu và linh hoạt cao hơn trong hoạt động để ứng phó trong bối cảnh sản xuất và vận chuyển đang thay đổi nhanh chóng.

Những cú sốc và thay đổi đột ngột trên đặt ra thách thức trong năm nay đối với các hãng vận tải biển, cũng như các công ty vận tải đường bộ và hậu cần khác khi họ phải chuyển điều chỉnh nguồn lực theo sự chuyển hướng của dòng chảy hàng hóa và sự thay đổi của nhu cầu.

Các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông đang đe dọa dòng chảy ngũ cốc, dầu mỏ và hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và tình trạng di cư ồ ạt đến Mỹ đang làm gián đoạn các tuyến đường thương mại từ Kênh đào Panama đến biên giới Mỹ-Mexico.

Căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, khiến chuỗi cung ứng quốc tế trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Dòng chảy thương mại toàn cầu đang thay đổi khi các nhà nhập khẩu của Mỹ ngày càng rời xa Trung Quốc, nhà cung cấp hàng hóa chính của thế giới. Họ tìm đến các nhà cung cấp thay thế ở các nước như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. Nhưng tại những nước này, họ cũng đang gặp phải tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Điều đó cho thấy chiến lược giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng có thể tạo ra những thách thức mới.

Năm 2023, Mexico vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Các công ty vận tải hàng hóa và hậu cần dự báo, quan hệ thương mại Mỹ-Mexico sẽ phát triển hơn nữa trong năm 2024. Theo công ty nghiên cứu thị trường xe tải ACT Research, lượng đơn đặt hàng xe đầu kéo hạng nặng từ Mexico trong tháng 11 tăng hơn 150% so với một năm trước.

Nhưng tình trạng gián đoạn thương mại ở biên giới Mỹ-Mexico vẫn chưa thể giải quyết. Trong những tháng gần đây, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ thỉnh thoảng đóng cửa cửa khẩu đường sắt và xe tải với Mexico để điều chuyển nhân viên sang hỗ trợ lực lượng tuần tra biên giới xử lý làn sóng người nhập cư bất hợp pháp.

Các hãng vận tải biển cũng đang chuyển hướng lộ trình. Tình trạng khô hạn ở Panama khiến giới chức trách giảm số lượng tàu đi qua Kênh đào Panama, hành lang thương mại quan trọng giữa châu Á và Bờ Đông của Mỹ, khi mực nước của con kênh này xuống thấp

Lo ngại đang gia tăng đối với Kênh đào Suez ở Ai Cập, nơi cũng cung cấp các tuyến đường đến Bờ Đông của Mỹ, khi phiến quân Houthi ở Yemen liên tục tấn công vào các tàu hàng đi qua Biển Đỏ, nằm ở phía nam của con kênh này. Các hãng vận tải biển đang chuyển hướng tàu của họ khỏi Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm một tuần hoặc lâu hơn.

Hôm 2-1, Maersk, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, thông báo tất cả tàu container của hãng tạm dừng đi qua Biển Đỏ. Quyết định được đưa ra sau khi phiến quân Houthi, được Iran hậu thuẫn ở Yemen, dùng các xuồng nhỏ để tiếp cận tàu Maersk Hangzhou của Maersk ở vùng biển này với ý đồ bắt giữ vào cuối tuần qua. Các thăng quân sự của Mỹ đẩy lùi cuộc tấn công này và tiêu diệt 10 tay súng của Houthi. Ngay sau đó, hôm 1-1, Iran điều một tàu chiến đến Biển Đỏ, khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Nathan Strang, giám đốc vận tải đường biển tại Công ty giao nhận Flexport, cho biết, việc các tàu container chuyển hướng khỏi Biển Đỏ khiến bất kỳ dự báo nào trước đây của các chủ hàng về giá cước vận chuyển container “chẳng còn ý nghĩa gì nữa”.

Các chuyển động địa chính trị và tình trạng gián đoạn hàng hải ở Kênh đào Panama đang định hình lại dòng chảy hàng hóa ở Mỹ cũng như chuỗi cung ứng nội địa vận chuyển hàng hóa từ cảng đến nhà máy và thị trường bán lẻ. Khối lượng hàng hóa đến các cảng Bờ Tây của Mỹ tăng vọt trong những tháng cuối năm 2023, với mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Điều này xảy ra khi các chuyến hàng đến các cửa ngõ nhập khẩu ở Bờ Đông và Bờ biển Vịnh Mexico (giáp với Mỹ về phía đông đắc) sụt giảm.

Theo Hiệp hội Vận tải thương mại Thái Bình Dương, trong tháng 10, các cảng ở Bờ Tây của Mỹ xử lý gần 34% thương mại container trên toàn thế giới chảy vào Mỹ, tăng từ mức hơn 31% trong tháng 10-2022. Tỷ lệ đó có thể tăng nhanh vào năm 2024. Người đứng đầu công đoàn đại diện cho công nhân bến tàu tại các cảng Bờ Đông và Bờ biển Vịnh Mexico cảnh báo, các thành viên chuẩn bị tham gia một cuộc đình công, nếu không đạt được thỏa thuận lao động mới để thay thế hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào tháng 9. Điều đó cũng đặt tính linh hoạt lên hàng đầu trong chiến lược của các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần trong năm 2024.

Theo WSJ, Reuters, UPI

Khánh Lan