Thạc sĩ y khoa bỏ cơ hội thành bác sĩ chuyển sang bán bánh mì

Xuất sắc từ nhỏ

Hoàng Hiểu Bân là con trai duy nhất trong một gia đình ở Thiệu Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc). Từ nhỏ, trong khi bạn bè cùng tuổi mải chơi, Hiểu Bân lại ngoan ngoãn đọc sách ở nhà. Tính cách của anh trầm lặng và hay tò mò mọi thứ. Mỗi tối, anh thường hỏi bố mẹ những điều đọc được trong sách.

Bố mẹ Hiểu Bân bận kinh doanh cả ngày, không tránh khỏi việc bỏ bê thiếu quan tâm con. Là đứa trẻ hiểu chuyện, anh chưa từng gây rắc rối ở trường. Tan học, Hiểu Bân tự giác hoàn thành bài tập về nhà, không để bố mẹ thúc giục. Ở trường, Hiểu Bân chăm chú nghe giảng và hay giơ tay phát biểu.

Năm 2003, Hiểu Bân học lớp 10, đồng nghĩa 3 năm nữa sẽ phải đối mặt với kỳ thi đại học. Lúc này, bố mẹ thường xuyên hỏi anh: "Con có ý tưởng gì về đại học không? Con muốn học trường nào? Con muốn học chuyên ngành gì?". Thời điểm đó, anh vẫn chưa nghĩ nhiều nhưng có nguyện vọng thi vào Đại học Chiết Giang.

Sau khi xác định mục tiêu thi vào Đại học Chiết Giang, anh tập trung học hành và ôn luyện. Dưới sự gợi ý của bố mẹ, Hiểu Bân lựa chọn chuyên ngành Y. Họ cho rằng, tương lai Hiểu Bân có thể kiếm nhiều tiền bằng cách trở thành bác sĩ, bởi đây là công việc ổn định.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006, Hiểu Bân đạt 634 điểm và đỗ vào ngành Y học lâm sàng của Trường Y thuộc Đại học Chiết Giang. Chương trình đại học và thạc sĩ Hiểu Bân theo đuổi kéo dài tối đa 9 năm.

Từ chối cơ hội thành bác sĩ để khởi nghiệp

Sau khi vào đại học, nhiều năm liền Hiểu Bân là sinh viên xuất sắc. Chương trình học nặng nhiều lúc Hiểu Bân cảm thấy căng thẳng. "Vào trường một thời gian, tôi phải mang theo các chỉ số thí nghiệm để thực hiện nghiên cứu", Hiểu Bân chia sẻ.

Tháng 12/2013, Hiểu Bân hoàn thành luận văn thạc sĩ. Đến tháng 3/2014, anh tốt nghiệp trong tay cầm cả bằng cử nhân và bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, lúc đó, Hiểu Bân đứng trước ngã rẽ cuộc đời, vì bạn bè trong lớp đều ra nước ngoài học tiến sĩ.

Chưa quyết định được tương lai, Hiểu Bân tìm đến giáo sư hướng dẫn luận văn xin ý kiến. Giáo sư Thẩm khuyên anh ra nước ngoài học tiến sĩ, bởi các bệnh viện hàng đầu Chiết Giang yêu cầu trình độ cao. Nếu chỉ có bằng thạc sĩ trong nước, rất khó đánh giá chuyên môn của Hiểu Bân.

Nghe lời khuyên của giáo sư, Hiểu Bân chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL để đủ điều kiện đi du học. Khi biết quyết định của anh cả gia đình ủng hộ: "Chỉ cần con muốn, bố mẹ dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng lo cho con đầy đủ".

Khi đang chuẩn bị cho kỳ thi, Hiểu Bân vô tình xem được bộ phim truyền cảm hứng Paul dạy bạn làm bánh mì. "Tôi nhận ra quy trình làm bánh là nghệ thuật. Bánh không chỉ là đồ ăn, còn là 'món quà' của cuộc sống. Cuối cùng, tôi cũng tìm được thứ mình yêu thích", cảm nhận của Hiểu Bân sau khi xem bộ phim.

Lúc này, anh quyết định không đi du học từ bỏ cơ hội trở thành bác sĩ để khởi nghiệp. "Tôi học y vì thích nghiên cứu. Tuy nhiên, mối quan tâm của tôi hiện không nhất thiết phải gắn với nghiên cứu khoa học", Hiểu Bân nói thêm.

Quyết định của Hiểu Bân bị giáo sư Thẩm và bố mẹ phản đối kịch liệt. Họ cho rằng, đây là lựa chọn phi thực tế và mạo hiểm của anh. Dù phải đối mặt với áp lực gia đình, nhưng anh vẫn kiên trì tham gia nhiều lớp học trau dồi kỹ năng làm bánh.

Lần đầu làm bánh dù gặp nhiều khó khăn, nhưng không làm anh nản chí. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh dần thành thạo kỹ năng làm bánh. Để cải thiện hương vị bánh mì, Hiểu Bân phát triển công thức men bánh mì riêng có mùi thơm độc đáo. Tháng 3/2015, bố mẹ dành toàn bộ tiền tiết kiệm để mở cửa hàng bánh mì có tên Colourful Bakery rộng 20m2 cho Hiểu Bân kinh doanh.

Thời gian đầu, công việc kinh doanh gặp khó khăn vì cửa hàng nhỏ, không có khách và tay nghề làm bánh của Hiểu Bân non. Tình hình được cải thiện khi một blogger nổi tiếng trên Weibo đến tiệm của anh mua bánh. Sau đó, thông tin về tiệm bánh mì của anh được người này chia sẻ lên mạng xã hội. Doanh thu của tiệm bắt đầu khởi sắc nhờ có sự quảng cáo của blogger.

Chẳng bao lâu, tiệm bánh của Hiểu Bân được nhiều người biết. Ngoài người địa phương còn có khách nước ngoài đến mua. Về sau, khách hàng của tiệm bánh ngày càng nhiều. Anh liên tục giới thiệu các loại bánh chất lượng cao. Đồng thời, câu chuyện anh chuyển từ thạc sĩ y khoa sang làm bánh mì cũng trở thành điểm nóng tiếp thị.

Năm 2022, Hiểu Bân mở chi nhánh mới, dịch bệnh khiến lượng tiêu thụ giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhờ vào việc bán hàng trực tuyến nên doanh thu của tiệm không ảnh hưởng nhiều. Đến nay, sau gần 10 năm khởi nghiệp tiệm bánh mì của Hiểu Bân đứng vững trên thị trường.

Khi chia sẻ câu chuyện đổi nghề của bản thân, có người bày tỏ tiếc nuối vì Hiểu Bân không theo đuổi lý tưởng đến cùng. Người khác lại than thở cho rằng, anh lãng phí vì bỏ đi cơ hội trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, về phía bản thân đến giờ Hiểu Bân vẫn khẳng định: "Từ bỏ cơ hội trở thành bác sĩ để mở tiệm bánh mì là quyết định đúng đắn của tôi". Thậm chí, nếu được chọn lại anh cho biết vẫn làm bánh mì bởi anh đã tìm được điều mình yêu thích và kiên định thực hiện đến cùng.

Thắm Nguyễn