Tập đoàn Gazprom đứng trước nguy cơ phải bồi thường số tiền 'khủng'

Công ty năng lượng Đức Uniper mới đây đã nộp đơn kiện yêu cầu Tập đoàn Gazprom của Nga bồi thường hơn 15 tỷ USD (tương đương 14 tỷ euro), cho những tổn thất mà họ phải hứng chịu khi “hợp đồng mua bán khí đốt bị vi phạm”.

Hãng tin Anh Reuters sau khi tham khảo nguồn tin riêng cho biết, đơn kiện đã được Công ty Uniper đệ trình lên Tòa Trọng tài Stockholm từ cuối năm 2022 và phiên tòa chuẩn bị được mở, phán quyết sẽ có trong những tháng tới.

Một chi tiết cần chú ý ở chỗ Uniper là công ty năng lượng lớn nhất thế giới về doanh thu, khi thu nhập năm 2023 của họ lên tới 107,915 tỷ euro, lợi nhuận ròng 6,308 tỷ euro, còn tổng tài sản ở mức 64,694 tỷ euro.

Uniper từng là khách hàng mua khí đốt chính của Gazprom, không chỉ tại Đức mà trên khắp châu Âu. Năm 2022, chính phủ Đức đã buộc phải cứu Uniper khỏi viễn cảnh phá sản bằng cách phân bổ hơn 29 tỷ euro và quốc hữu hóa công ty.

Doanh nghiệp nói trên đã ký hợp đồng mua tới 20 tỷ m3 khí đốt hàng năm từ Tập đoàn Gazprom, thỏa thuận có thời hạn đến năm 2035 để cung cấp 250 terawatt giờ khí đốt, tương đương với 25% nhu cầu của Đức.

Hiện tại hợp đồng đã bị đình chỉ nhưng chưa hủy bỏ, bắt nguồn từ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia không thân thiện phải thanh toán tiền bán khí đốt bằng đồng rúp.

Trong khi đó công ty Đức kiên quyết từ chối do văn bản quy định chỉ dùng đô la và euro, thực trạng trên dẫn tới việc Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Uniper từ mùa thu năm 2022.

Kết quả là Uniper buộc phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay với giá cao kỷ lục, doanh nghiệp sau đó đối diện nguy cơ phá sản khi khoản lỗ ròng lên đến mức 40 tỷ euro chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022.

Nguồn tin của Reuters cho rằng Tòa Trọng tài Stockholm nhiều khả năng sẽ ủng hộ công ty Đức trong tranh chấp với tập đoàn năng lượng Nga. Dự báo sau khi có quyết định của tòa án, Uniper sẽ chính thức hủy hợp đồng với Gazprom.

Công tác chuẩn bị hiện đang được tiến hành để đưa 99,12% cổ phần Uniper của Berlin trở lại thị trường chứng khoán và Đức sẽ cố gắng bán 20 - 30% như bước đi đầu tiên vào năm 2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Giới phân tích cho rằng để giảm thiểu rủi ro cho đợt chào bán và không khiến các nhà đầu tư tiềm năng sợ hãi, cuộc chiến pháp lý với Tập đoàn Gazprom cần phải kết thúc một cách thành công.

Vấn đề nữa cũng phải nhắc đến đó là ngoài Uniper, nhiều đơn kiện khác cũng đã được đệ trình chống lại Gazprom, bởi các công ty Engie của Pháp, Eni đến từ Italia Ý, hay RWE của Đức, nếu họ cùng thắng kiện, thiệt hại của tập đoàn Nga sẽ rất lớn.

Tuy vậy theo Moskva, những đơn kiện nói trên của các công ty châu Âu nhằm vào Tập đoàn Gazprom là vô lý, khi chính phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận nhằm vào doanh nghiệp Nga, trong đó chặn giao dịch bằng đồng đô la và euro.

Chính vì vậy nếu xảy ra vụ kiện, phương Tây trước tiên phải chịu trách nhiệm thanh toán những thiệt hại của Nga rồi sau đó mới cân nhắc xem Tập đoàn Gazprom có xứng đáng phải bồi thường vi phạm hợp đồng hay không.