Tầm nhìn cao tốc - Tầm nhìn tương lai

Từ sự đồng thuận của Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thực hiện những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các dự án cao tốc hoàn thành kịp tiến độ, mở ra cơ hội mới, tương lai mới cho đất nước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 730 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030. Đặc biệt, tới năm 2023 vừa qua, số đường cao tốc toàn quốc đã cán mốc 1.900 km - bằng 2/3 số km cao tốc đã hoàn thành trong 10 năm trước. Những con đường đã, đang mở ra những cơ hội mới, đưa đất nước đến khát vọng thịnh vượng.

Để có góc nhìn đầy đủ về sự quyết liệt của Chính phủ, trong bộn bề khó khăn của năm 2023 vẫn triển khai được số km cao tốc kỷ lục nêu trên, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện đầu Xuân mới cùng ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng ộ Giao thông Vận tải, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các Công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Thành Vũ

+ Năm 2023 vừa qua, số đường cao tốc trên toàn quốc đã cán mốc 1.900 km - bằng 2/3 số km cao tốc đã hoàn thành trong 10 năm trước. Đây có thể được xem là kỳ tích của năm 2023. Để có được kì tích ấy, chắc chắn phải nhờ vào những quyết sách mang tính đột phá. Những quyết sách đó là gì, thưa ông?

- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Để triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT bảo đảm tiến độ, chất lượng với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3000km đường bộ cao tốc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Trong các Nghị quyết Chính phủ thường kỳ và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đưa nội dung thúc đẩy tiến độ các dự án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành tập trung thực hiện. Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT họp định kỳ hằng tháng, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ, tập trung khắc phục, xử lý dứt điểm những vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Trên tinh thần đó, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà thầu thi công nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, huy động tối đa các nguồn lực, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ, nhưng tuyệt đối phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh lao động.

Từ những kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc, đặc biệt là giai đoạn 1 của đường cao tốc Bắc - Nam phía đông (2017 - 2020) và giai đoạn 2 (2021 – 2025) có một số bài học kinh nghiệm nổi lên.

Thứ nhất, tạo lên một nhận thức chung từ Trung ương đến địa phương để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - điều này là quan trọng nhất. Tức là phải có nhận thức mới làm được, quán triệt thì mới triển khai được. Đó là sự quyết tâm để thực hiện bằng được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có phát triển 3 đột phá chiến lược, mà trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông.

Thứ hai là, vấn đề tổ chức triển khai thực hiện hết sức quan trọng. Cụ thể để triển khai Nghị quyết của Đảng thì từ Quốc hội đến Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương phải có các kế hoạch, giải pháp hết sức cụ thể để thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.

Người trực tiếp điều hành là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai. Đến các bộ, ngành, địa phương được giao là các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện dự án. Đặc biệt theo nguyên tắc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là vướng mắc đến đâu, thuộc thẩm quyền của ai thì phải xử lý, phải chịu trách nhiệm để tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện - đây là quan điểm chỉ đạo hết sức hiệu quả.

Có những vấn đề, nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là Thủ tướng tập trung chỉ đạo giải quyết. Những vấn đề liên quan đến Bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp Bộ, ngành phải tháo gỡ ngay. Những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương thì địa phương phải xử lý. Đây là một bài học kinh nghiệm chỉ đạo rất quyết liệt, rất cụ thể, rất chi tiết để tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực hiện. Từ đó, những điểm nghẽn dần dần được tháo gỡ và tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc triển khai các dự án.

Ví dụ như về mặt bằng, Thủ tướng có quan điểm chỉ đạo mới đó là trên cơ sở quy hoạch, cắm mốc và giải phóng mặt bằng trước. Khi đấu thầu lựa chọn nhà thầu thì bắt đầu tổ chức triển khai. Và khi đó, chúng ta có mặt bằng có sẵn, từ đó tập trung con người, thiết bị máy móc, nguyên vật liệu để tập trung làm và làm như thế rất hiệu quả. Tiếp tục tháo gỡ mặt bằng, những nơi nào dễ chúng ta làm trước để thi công, khó thì tập trung vào để xử lý. Từ địa phương với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho đến người dân kết hợp với chủ đầu tư thì sẽ tháo gỡ được.

Thứ ba, quá trình thực hiện thì công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng. Tuyên truyền để tạo được nhận thức chung, tuyên truyền từ các cấp chính quyền cho tới người dân để từ Trung ương đến địa phương hiểu, cùng vào cuộc. Mà nhất là các địa phương có đường cao tốc đi qua, khi tuyên truyền thì họ nhận thức được sau khi những tuyến đường cao tốc hoàn thành thì sẽ đem lại những quyền lợi đầu tiên cho chính địa phương đó, đó là: Về phát triển không gian, cơ cấu lại chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại nguồn lực, phát triển các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… rồi vấn đề lưu thông hàng hóa, việc đi lại của người dân thuận lợi.

Sáng 1/1 - Ngày đầu tiên của năm mới 2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 và và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Như việc rút ngắn thời gian di chuyển là một nguồn lực, nhưng ít ai để ý. Có người đi 5 giờ mới vào đến địa điểm cần đến thì tôi đi 2 giờ, 3 giờ vào đến nơi tôi đã giải quyết được rất nhiều việc mà lại đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, sau khi tuyến cao tốc đi vào hoạt động có thể thấy lưu lượng của những tuyến song hành phân lưu đỡ hẳn đi. Ví dụ như tuyến Quốc lộ 1A hay tuyến đi song hành tự nhiên vấn đề tai nạn giao thông cũng giảm đi rất nhiều.

Thứ tư, bài học hết sức quý báu là sự đồng thuận. Khi phân tích nhìn nhận những vấn đề là điểm nghẽn thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ đã kịp thời trình những cơ chế, chính sách. Và những cơ chế, chính sách Quốc hội được cho là thực hiện rất hiệu quả, rút ngắn được thời gian, thủ tục hành chính. Ví dụ áp dụng hình thức chỉ định thầu cũng rút ngắn được rất nhiều thời gian. Rồi vấn đề giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thì nhà thầu rất chủ động, cơ quan Nhà nước quản lý được, không có tình trạng chèn ép giá, nâng giá.

Đó là những cơ chế, chính sách rất cụ thể, hiệu quả với từng dự án. Và hết một giai đoạn chúng ta cần tổng kết đánh giá, có những vấn đề cần bổ sung, sửa luật để thông thoáng nhưng chặt chẽ hơn để thực hiện.

+ Trong quá trình xây dựng các đường cao tốc xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp như công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu… Chính phủ, Bộ GTVT đã nhận diện, chia sẻ như thế nào với các địa phương nhằm vượt qua những khó khăn này, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Quá trình triển các các dự án cao tốc cũng trải qua nhiều khó khăn, đó là giai đoạn cả nước phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội; Thứ hai là dự án có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế để đảm bảo chất lượng; Thứ ba là giá nhiên liệu, vật liệu nhiều thời điểm tăng đột biến; Thứ tư là việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, đặc biệt là nguồn cát đắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long khó khăn; Ngoài ra, thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

Với những khó khăn kể trên thì vấn đề khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng là vấn đề rất lớn, nổi cộm đã được dần tháo gỡ qua chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ. Cùng với đó là sự đồng hành của Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan đối với các địa phương.

Thứ nhất, đối với công tác giải phóng mặt bằng, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương nhưng vấn đề này không hề dễ dàng. Xuất hiện từ giai đoạn trước cho đến nay, việc giải phóng mặt bằng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chính từ khó khăn đó, phải xác định và nhận diện làm rõ khó khăn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thì mới làm được.

Như cao tốc Bắc - Nam đối với giai đoạn 1 có thể bị kéo dài nhưng đến giai đoạn 2 thì công tác giải phóng mặt bằng gần như đạt 100%. Tức là khi nhận diện được khó khăn, tìm ra giải pháp, phân giao trách nhiệm rõ ràng thì khác hoàn toàn.

Thứ hai là mỏ vật liệu, đối với giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn từ sự điều tiết của cơ chế thị trường. Đến giai đoạn 2 khi nhận diện được vấn đề này thì mỏ vật liệu đã được giao trực tiếp cho nhà thầu. Cụ thể là ngoài những mỏ đã có rồi, còn những mỏ vật liệu nằm trong quy hoạch thì sẽ làm cơ chế giao cho nhà thầu chủ động họ làm.

Vấn đề bãi đổ thải cũng là vấn đề hết sức quan trọng, nếu dùng bãi đổ thải cũng phải xác định ngay từ đầu để có diện tích đổ thải, như vậy mới làm được. Như vậy, chúng ta đã nhận diện được những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, bãi đổ thải để dần tháo gỡ.

Hay như đường vận chuyển công vụ cũng được nhận diện rõ. Trước đây, chúng ta sử dụng đường của địa phương rất nhiều để thực hiện vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để thi công. Đường này sau khi làm xong gây hư hỏng cũng phải thi công lại hoàn trả cho địa phương để người dân đi lại. Tuy nhiên, đến nay tập trung để làm đường công vụ trước. Mặc dù gặp thời tiết khó khăn như mưa bão vẫn có đường công vụ để phục vụ thi công. Đó là những giải pháp hết sức cụ thể mà phải có kinh nghiệm thì sẽ không bị đứt quãng trong quá trình thi công mà thực hiện rất hiệu quả.

+ Để hiện thực hóa mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 là kỳ vọng lớn nhưng cũng không ít thách thức. Bộ GTVT đã có những phương hướng, định hướng và giải pháp gì để giúp Chính phủ hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, thưa Thứ trưởng?

- Với mục tiêu cụ thể đến 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, năm 2024, cần tiếp tục triển khai để khánh thành những đoạn tuyến cao tốc mới. Đối với Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với từng dự án, việc này đặc biệt quan trọng và đề ra những giải pháp để thực hiện.

Các nhà thầu chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, máy móc thi công các dự án cao tốc.

Trong đó, sẽ phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch năm 2024. Trong đó, hoàn thành đưa vào khai thác 2 Dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021km.

Cùng với đó, Bộ GTVT phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công 11 Dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.

Các dự án cụ thể là: (1) Đồng Đăng - Trà Lĩnh (75 km, Cao Bằng là CQCTQ, đang lựa chọn nhà đầu tư); (2) Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị (dài 60 km, bao gồm cả tuyến kết nối đến CK Tân Thanh, Lạng Sơn là CQCTQ, đang hoàn chỉnh báo cáo NCKT); (3) Tân Phú - Bảo Lộc (67 km, Lâm Đồng là CQCTQ, đang trình HĐTĐ liên ngành thẩm định báo cáo NCKT); (4) Bảo Lộc - Liên Khương (74 km, Lâm Đồng là CQCTQ, đang hoàn thiện báo cáo NCKT); (5) Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình (26 km, Ninh Bình là CQCQ, đang lập chủ trương đầu tư); (6) Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình (61 km, Thái Bình là CQCTQ, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư); (7) Gia Nghĩa - Chơn Thành (129 km, Bình Phước là CQCTQ, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư); (8) TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành (60 km, Bình Dương là CQCTQ, chuẩn bị trình chủ trương đầu tư); (9) TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (65 km, TP. Hồ Chí Minh là CQCTQ, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư); (10) Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình (34 km, Hòa Bình là CQCQ, chuẩn bị phê duyệt NCKT); (11) Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (199 km, gồm 5 dự án độc lập, do 5 địa phương là CQCTQ, 1 dự án qua Bình Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án đang chuẩn bị chủ trương đầu tư, khởi công địa phận Bình Dương trước, tiếp đến trên địa bàn các tỉnh, khoảng 100/199 km)).

Bộ GTVT cũng sẽ tăng cường kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nguồn cung vật liệu; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu, tư vấn bố trí bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính tập trung thi công theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Quốc Trần (Thực hiện)