Sức trẻ thổi bùng ngọn lửa khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo

Những HTX do đoàn viên thanh niên làm chủ đã và đang góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Nhiều HTX đã mang lại hiệu quả bước đầu, khẳng định ý chí, nghị lực và tinh thần khởi nghiệp của những người trẻ.

Sức trẻ đi đầu xóa đói giảm nghèo

Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều thanh niên lựa chọn mô hình HTX làm điểm xuất phát trên con đường lập thân, lập nghiệp. Số lượng HTX do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như dịch vụ tổng hợp, nông nghiệp, rau an toàn, du lịch sinh thái…

Điển hình như tại Lai Châu, những năm trước đây, bà con người Thái xã Hua Nà, huyện Than Uyên coi cây ngô, cây sắn là cây chủ lực trong “cuộc chiến” xóa đói, giảm nghèo.

Nhưng giờ đây, khắp những triền ruộng ngô, sắn đã được thay bằng những vườn ổi sum suê-một sản phẩm có giá trị kinh tế trên thị trường. Và người có công đưa giống cây ăn quả ngon ngọt kia về bám rễ với thổ nhưỡng Hua Nà chính là chàng trai trẻ người Thái- Nùng Văn Nên.

Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn kinh tế giỏi, thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà địa phương đề ra.

Bằng số vốn gia đình tích góp, năm 2012, anh Nên bắt đầu đưa 100 gốc giống ổi Đài Loan về trồng trong vườn gia đình. Khi có thu nhập ổn định từ cây ổi, với suy nghĩ phải tạo ra thương hiệu cho sản phẩm, năm 2018, Nên quyết định thành lập HTX thanh niên Hua Nà, triển khai sản xuất ổi thương phẩm theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Với tiêu chí sản phẩm sạch, an toàn được đặt lên hàng đầu, hàng ngày tôi trực tiếp chăm sóc và theo dõi kỹ thuật cho vườn ổi đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ, không chất kích thích. Sản phẩm ổi của HTX Thanh niên Hua Nà đã có mã QR truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể dùng phần mềm để kiểm tra nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Nhờ vậy, ổi ngon, được mọi người tin dùng đặt số lượng lớn để làm quà biếu" anh Nên cho biết.

Ngoài ra, gia đình anh còn sản xuất cây giống cung cấp cho các hộ trong xã, trong huyện và ngoài huyện. Bên cạnh đó, anh còn trồng xen cây thanh long, cây bưởi, kết hợp chăn nuôi lợn gà, đào ao thả cá, phát triển giống lúa Séng Cù để tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay, HTX thanh niên Hua Nà đã tạo công ăn việc làm cho 12 lao động có thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ thành viên đã thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế từ ổi.

Ngoài việc chăm lo sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, Nên luôn vận động các hộ trong và ngoài xóm cùng làm theo, hỗ trợ các hộ về cây giống, đặc biệt là hướng dẫn, tư vấn cho các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh vườn cây ăn quả.

Không những vậy, anh còn giới thiệu khách hàng thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân trong xã. Học theo anh, hiện nay tại xã Hua Nà đã có gần 20 hộ trồng ổi với quy mô từ 1,5 - 2,5 ha/hộ; thu nhập, đời sống các hộ không ngừng được cải thiện; tinh thần đoàn kết luôn được giữ vững, góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

HTX đồng hành cùng thanh niên nông thôn phát triển kinh tế

Có thể thấy, lợi thế của người trẻ khi khởi nghiệp là có kiến thức, được đào tạo bài bản, năng động, sáng tạo, biết cách nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 thì thanh niên luôn tiên phong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Nguyễn Quang Thụy, Giám đốc HTX Trà xanh Thụy Hoa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn lựa chọn mô hình HTX để khởi nghiệp. Thành lập từ năm 2020, hiện nay, HTX có 9 thành viên, là đầu mối bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân địa phương, góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún. Mỗi năm, trung bình HTX sản xuất, thu mua 12 tấn chè tươi, hơn 2 tấn chè khô; tạo việc làm cho 10-20 lao động.

Anh Thụy cho biết: Hiện nay, nhiều người vì mải chạy theo lợi nhuận nên tạo ra sản phẩm chè chất lượng kém. Từ ngày tham gia HTX, các hộ thành viên được tập huấn về kỹ thuật canh tác, chế biến chè sạch theo hướng hữu cơ, chè sản xuất ra bán được giá cao.

HTX thực hiện rất nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật, hộ thành viên không tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất sẽ không được thu mua sản phẩm. Nếu cây chè bị mắc sâu bệnh do vi khuẩn, vi sinh vật có hại, các hộ thành viên sẽ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học có hiệu quả cao nhưng an toàn với sức khỏe con người và môi trường.

Cũng như anh Thụy, anh Hoàng Ngọc Vũ, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển HTX theo hướng đa ngành nghề gồm: Các sản phẩm về mật ong, chè, rau an toàn. Trong đó, mô hình trồng rau an toàn của HTX có quy mô gần 5ha được đánh giá là mô hình tiêu biểu về trồng rau theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Nhiều mô hình HTX do thanh niên làm chủ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu cho ý chí, nghị lực và quyết tâm vượt qua đói nghèo.

HTX đã tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt 1 tỷ đồng. Hiện nay, đơn vị đã có một sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh Hoàng Ngọc Vũ chia sẻ: Thời gian tới, tôi mong muốn liên kết được thêm nhiều thành viên trong vùng để mở rộng quy mô của HTX, đồng thời nâng hạng sao của sản phẩm OCOP. Tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tổ chức, hội đoàn thể, ngành chức năng để cho chúng tôi tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ…

Đồng hành cùng các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo

Anh Cảnh Chí Quân, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn cho biết, đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp là chương trình lớn của Trung ương Đoàn. Các phong trào thanh niên khởi nghiệp đã được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng.

Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên.

Qua đó ngày càng khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phong trào đã góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp. Phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho hay, thực tế cho thấy, sau khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, các cấp bộ Đoàn đã bám sát nội dung Chương trình, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ và đông đảo hội viên, nông dân về vị trí và vai trò của tổ chức Đoàn tham gia phát triển kinh tế xã hội, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên, giúp đỡ hộ đoàn viên, thanh niên thoát nghèo.

Bằng những việc làm cụ thể, Đoàn Thanh niên đã giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Đồng thời, cùng với sự năng động, nỗ lực vươn lên của đoàn viên thanh niên, nhiều mô hình HTX do thanh niên làm chủ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu cho ý chí, nghị lực và quyết tâm vượt qua đói nghèo xuất hiện ngày càng nhiều, thể hiện được ý chí khát vọng xây dựng, phát triển kinh tế cho địa phương.

Đoàn Huyền