'Sức khỏe' cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp cũng cần phải thích nghi để phát triển

Doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng

Chưa năm nào, tỷ lệ doanh nghiệp ngưng hoạt động lại cao gần gấp đôi so với doanh nghiệp trở lại thị trường như năm nay.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 11/2023, trên địa bàn có 640 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 9.443 tỷ đồng giảm cả về lượng và chất so với những năm trước đó; số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 313 doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động có xu hướng tăng với 518 doanh nghiệp; doanh nghiệp giải thể tự nguyện 115 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi 185 doanh nghiệp. Như vậy, tốc độ doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động trên địa bàn đang cao hơn nhiều so số doanh nghiệp thành lập mới lẫn doanh nghiệp trở lại thị trường.

Theo đánh giá, doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thích nghi được với quá trình hội nhập, không thể cạnh tranh nên phải ngưng hoạt động. Trên lý thuyết là vậy. Song với một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ môi trường đầu tư kinh doanh, gây ra những hệ lụy về mặt xã hội mà bằng cảm quan có thể nhận thấy đó là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng tương ứng.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho hay, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 doanh nghiệp chưa kịp phục hồi lại thì năm nay, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với tình hình lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, sức tiêu dùng giảm, rủi ro trên các thị trường tài chính… Điều này kéo theo khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường xuất khẩu và đơn hàng giảm sút, nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp phạm vi kinh doanh, tạm ngưng hoạt động. Giải thể, tạm ngưng hoạt động “chờ thời” hay để tìm hướng đi mới cũng là giải pháp để doanh nghiệp “dưỡng sức” trong chặng đường kế tiếp.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Để giảm áp lực cho doanh nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp đã được triển khai, như chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng tương ứng 721 tỷ đồng; giảm 54 tỷ đồng phí trước bạ và 369 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường. Ngành thuế cũng thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế cho 349 doanh nghiệp với số tiền gia hạn 358 tỷ đồng. Các chính sách tín dụng cũng được triển khai như hỗ trợ 2% lãi suất; cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất từ trước tới nay.

Năm 2023, chính quyền cũng ban hành chính sách, đưa ra nhiều giải pháp để giúp các doanh nghiệp trụ lại thị trường hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh thông qua việc cắt giảm tối đa thủ tục có tần suất lớn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở nhiều cuộc họp giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Ngoài thực thi nhanh chóng các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, các sở ngành đã phối hợp mở các lớp đào tạo kỹ năng quản trị, phân tích dự án, quản trị tài chính, ứng dụng công nghệ AI trong kinh doanh, các phiên gọi vốn... cho doanh nghiệp.

Thành công nhất phải kể đến hiệu quả của 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Nhờ thế các khó khăn, vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp trong thực hiện dự án được giải quyết kịp thời.

Chính sách nhiều là vậy, số doanh nghiệp thụ hưởng cũng không ít song trong các cuộc gặp gỡ gần đây và các báo cáo nắm bắt tình hình doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp bày tỏ, phản ánh khá nhiều những khó khăn họ đang gặp phải. Trong đó, tiếp cận vốn, cơ chế đầu tư, quy hoạch, thuế, giải phóng mặt bằng, giá thuê đất, vận chuyển... là mối lo lớn nhất của doanh nghiệp.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh mới đây, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh kiến nghị, các chính sách nhiều song cần đánh giá lại mức độ tiếp cận của doanh nghiệp. Ví như ngoài các chương trình tín dụng mà các ngân hàng đang triển khai thì các quỹ bảo lãnh tín dụng cần nhập cuộc để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn mà không cần tài sản đảm bảo. Hồ sơ thủ tục hành chính cũng cần đơn giản và thông suốt hơn, hạn chế các cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, trừ những đơn vị có nguy cơ vi phạm để doanh nghiệp có thể tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Dương Tuấn Anh cho rằng, tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, ngăn ngừa những hiện tượng móc nối gây khó khăn, phiền hà, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Trong đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực nhất là trong thực hiện các công trình dự án, tiếp cận nguồn vốn tài chính, mặt bằng. Quan tâm nhiều hơn tới các hoạt động đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp là vậy, song không thể có chính quyền nào đủ lực, đủ người để có thể “giải cứu” hết doanh nghiệp. Thị trường nào cũng sẽ có quy luật tự đào thải. Và để tránh được quy luật này, bản thân các doanh nghiệp cũng cần đổi mới, sáng tạo và thích nghi không ngừng trong quá trình phát triển để khẳng định vị thế của mình, vừa có thể cứu mình, vừa để phát triển, đúng như câu nói “không ai cứu mình bằng mình tự cứu mình”.

Bài, ảnh: Hoàng Loan