Siết chặt kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản

Nhằm tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã đẩy mạnh kiểm soát, kiểm tra từ khâu sản xuất đến kinh doanh để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Tổ công tác liên ngành kiểm tra chất lượng ATTP tại Chợ trung tâm huyện Ba Chẽ.

Vừa qua, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Đài Loan đã thông báo từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021, phát hiện Norovirus (loại virus rất dễ lây nhiễm tiêu chảy và nôn mửa) trong 10 lô hàng hàu thịt xuất xứ từ vùng thu hoạch Vân Đồn ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nói riêng và uy tín của nông sản Quảng Ninh nói chung.

Phía Đài Loan đã yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương điều tra nguyên nhân, áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp. Nhận định bước đầu về nguyên nhân lây nhiễm virus, theo Trung tâm Chất lượng nông lâm và thủy sản vùng I (Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT), hiện tượng này có thể xuất phát từ vùng nuôi, vùng thu hoạch và các cơ sở chế biến hàu.

Ngay khi nhận được thông tin, ngành Nông nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục. Ông Lưu Văn Dần, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Đơn vị cũng đã báo cáo và được UBND tỉnh cho phép xây dựng kế hoạch giám sát ATTP đối với hàu Thái Bình Dương xuất khẩu vào Đài Loan và các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, yêu cầu đơn vị có mã xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường Đài Loan tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khâu trong quá trình xuất khẩu, nhất là khâu sơ chế của người dân để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu, không để bị gián đoạn.

Khu chế biến kín, nhân viên kỹ thuật được trang bị bảo hộ đầy đủ tại các cơ sở chế biến ruột hàu xuất khẩu ở Vân Đồn. Ảnh: Mạnh Trường

Việc kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng hàu Thái Bình Dương trước khi xuất khẩu vào Đài Loan là kinh nghiệm, bài học để ngành Nông nghiệp tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý chất lượng nông sản, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa mà cả các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 30.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm 80% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Cùng với việc thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, công tác giáo dục pháp luật, thông tin truyền thông về chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản luôn được tỉnh, các địa phương tăng cường thực hiện.

6 tháng đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp đã thực hiện 5 phóng sự, 18 tin bài tuyên truyền ATTP, 174 băng-rôn, áp-phíc; 34 pano điện tử; phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh tổ chức lễ phát động triển khai tháng hành động về ATTP với trên 850 người tham dự; duy trì hoạt động đường dây nóng về ATTP lĩnh vực nông nghiệp; kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý vi phạm…

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương còn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra liên ngành 8 ban chỉ đạo ATTP liên ngành cấp huyện, 7 cấp xã, 10 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; thẩm định, xếp loại định kỳ 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, cấp 63 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định; cấp 20 giấy xác nhận chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn cho 59 loại sản phẩm thực phẩm nông nghiệp.

Người dân lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo ATTP tại Siêu thị Go! Hạ Long.

Các ngành, địa phương cũng đã chú trọng vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo ATTP; xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với việc phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chủ lực có lợi thế của tỉnh.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 29.571/33.578 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp chứng nhận ATTP (các cơ sở sản xuất ban đầu, so chế, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bao gói sẵn…) ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; có 273 cơ sở sản xuất thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo GMP, SSOP, HACCP, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích trên 974ha. Đặc biệt, đối với chuỗi sản phẩm OCOP, Sở đã chủ động thực hiện kiểm tra, đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 138 cơ sở (đạt 100%).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý của cơ quan chức năng hiện mới chỉ giải quyết một phần những hạn chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản. Do tính chất đặc thù của ngành Nông nghiệp, nhiều lĩnh vực mang tính chất thời vụ trong khi theo quy định mỗi năm chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần đối với doanh nghiệp nên việc quản lý kiểm soát chất lượng nông, thủy sản khó đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, để khắc phục hạn chế, ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối tiêu dùng; sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc, chỉ nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn tối thiểu mới được lưu thông, buôn bán. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ATTP; liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi; ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản trên thị trường... để mang đến sự an toàn nhất cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và du khách.

Hoàng Quỳnh