Sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên không ngừng phát triển

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh thăm cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Sản phẩm làng nghề phát triển mạnh

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, huyện Phú Xuyên là vùng đất trăm nghề với 156/156 thôn, cụm dân cư có nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Đến nay, toàn huyện có 43 làng nghề được TP công nhận. Sản phẩm của các làng nghề luôn thích ứng với thị trường, nhanh nhạy trước thời cuộc, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài nước.

Phát triển làng nghề, du lịch làng nghề luôn được TP và huyện quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: May mặc Vân Từ; giày da Phú Yên; đồ gỗ các xã Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La, lưới trã Quang Trung… Các làng nghề phát triển mạnh và tạo việc làm thường xuyên cho lao động mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề của huyện Phú Xuyên đã và đang tạo việc làm cho gần 30.000 hộ với khoảng 45.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 45% lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo ra những “phố nghề” sầm uất như: Giày da xã Phú Yên, túi xách xã Sơn Hà, nghề may xã Vân Từ, mộc xã Chuyên Mỹ… mang nét đặc trưng của huyện vùng đồng bằng Sông Hồng phía Nam TP.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Yên Nguyễn Đại Hoan chia sẻ, sau thời gian phòng chống dịch Covid-19, hơn một năm qua các cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề giày da Phú Yên đã hoạt động trở lại với công suất trên 100%. Lúc cao điểm làng nghề có khoảng 500 cơ sở sản xuất gia công giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá điểm du lịch làng nghề xã Phú Yên được thực hiện công khai, minh bạch

Tại xã Vân Từ, sau thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19, Công ty TNHH may mặc Hùng Luyến đã có những phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường giảm sâu. Do đó, công ty đã tận dụng mạng xã hội và cách làm thị trường online của các đối tác để tiến hành giao dịch thực hiện các hợp đồng kinh tế.

Giám đốc Công ty TNHH May Hùng Luyến Đào Ngọc Hùng bộc bạch: "Bản thân tôi mới biết về mạng xã hội và các kênh bán hàng trên nền tảng online. Song tôi tận dụng cách bán hàng này để giao dịch với đối tác nhằm chuyển giao sản phẩm theo gói và xây dựng chiến dịch bán hàng trên thị trường. Nhờ đó, vào ngày cao điểm, công ty tiếp nhận khoảng 250 đơn hàng online…".

Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Hồng Hải Lã Văn Chiu, xã Đại Thắng cho biết, đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm buộc phải tăng nhẹ giá. Với những định hướng trong tương lai, bản thân doanh nghiệp phụ thuộc vào sự phát triển của xã hội và thị trường nên phải thích ứng trong sản xuất, khai thác thị trường, tập kinh doanh trên nền tảng online, thương mại điện tử, bắt nhịp thời cuộc.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, nhiều làng nghề của Phú Xuyên buộc phải thay đổi, chuyển mình tìm hướng đi mới để thích ứng với thực tiễn. Cùng với việc đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ sản xuất tìm cách chuyển hướng sang bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội, song song với duy trì bán hàng trực tiếp thời gian qua.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính chủ trì cuộc họp với các phòng ban bàn về định hướng phát triển kinh tế làng nghề

Quan tâm đến cụm công nghiệp làng nghề

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết: Từ sự phát triển nhanh chóng của các làng nghề, làng nghề truyền thống, UBND huyện đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng để sớm đưa 4 cụm công nghiệp (CCN) làng nghề xã Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên, Vân Từ vào hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quy hoạch CCN ở các xã Tân Dân, Sơn Hà, Phượng Dực...

Đồng thời, phối hợp các sở, ngành triển khai quy hoạch lại làng có nghề theo hướng di chuyển cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra CCN và khu sản xuất tập trung theo quy hoạch, bảo vệ môi trường làng nghề. Những năm qua, huyện và các xã có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề như: Quy hoạch, xây dựng CCN, nâng cấp hệ thống lưới điện, đường giao thông…

“Phát huy thế mạnh, từ năm 2011 đến nay, huyện Phú Xuyên lấy ngày 26/10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống. Những năm qua, huyện Phú Xuyên đã tổ chức 7 lễ hội vinh danh làng nghề (3 năm cấp huyện, 4 năm cấp xã). Năm 2019, TP đã công nhận 2 điểm du lịch tại Phú Xuyên ở xã Vân Từ và xã Chuyên Mỹ. Năm 2023, công nhận điểm du lịch làng nghề Giầy da Phú Yên” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh.

Bên cạnh đó, quy hoạch và từng bước xây dựng hàng loạt CCN. Tính từ năm 2018 đến nay, Phú Xuyên đã xây dựng 4 CCN làng nghề, phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 4 CCN làng nghề và quy hoạch 12 CCN khác. Phát triển làng nghề gắn với du lịch luôn được lãnh đạo huyện chú trọng quan tâm

Đồng thời, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích lịch sử, văn hóa tại các làng nghề trên địa bàn xã Phú Túc, Chuyên Mỹ, Phú Yên, Tân Dân, Vân Từ. Qua đó, lập dự án đầu tư, hỗ trợ, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan môi trường phục vụ du lịch làng nghề giai đoạn 2020 - 2030.

Phố làng nghề giày da Phú Yên ven tỉnh lộ 428

Huyện đã và đang triển khai xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề kết hợp du lịch, hình thành tuyến du lịch làng nghề trên địa bàn. Triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cũng được chú trọng, vì thế huyện đã có trên 220 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được TP chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao.

Làng nghề Phú Xuyên không ngừng phát triển sau những cải tiến, năng động tiếp cận thị trường cùng ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Với định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Xuyên khóa XXV ban hành Chương trình số 02-CTr/HU ngày 26/2/2021 đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp…

UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành Đề án “Phát triển CCN, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Phú Xuyên giai đoạn 2021 - 2025”. Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính chia sẻ, việc hình thành các CCN làng nghề, thúc đẩy phát triển du lịch, tập trung thực hiện chương trình OCOP góp phần đưa làng nghề của Phú Xuyên lên tầm cao mới, đưa sản phẩm làng nghề vươn xa hơn.

Nguyễn Trường