Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Giúp 'mở đường', chủ động kiến tạo phát triển

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng điều phối vùng (HĐĐPV) được Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 01/12, HĐĐPV xem xét, cho ý kiến về Quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Hội nghị ngày hôm nay rất quan trọng để chúng ta nhận thức được hơn nữa tầm quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; là cơ hội để chúng ta cùng rà soát ưu điểm, nhược điểm, các công việc, nhiệm vụ đã làm được, chưa làm được của công tác quy hoạch vừa qua. Qua đó, thấy được những khó khăn, vướng mắc, từ đó xác định những định hướng và giải pháp phù hợp trong thời gian tới…” - Bộ trưởng ễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Để hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhằm tiếp tục hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển vùng đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể hóa các quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong vùng cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức lập Quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

“Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng; đặc biệt quy hoạch đã chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng TDMNPB lần thứ hai

Đồng thời khẳng định Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.

Hiện nay, đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được lập, thẩm định và phê duyệt (97,3%), trong đó có 17 quy hoạch cấp quốc gia và 26 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, trong đó 08/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng).

Bộ trưởng cho biết, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã triển khai xây dựng Quy hoạch TDMNPB nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia đã và đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ KH&ĐT cũng đã tổ chức các hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 14 địa phương trong vùng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành trung ương. Ngày 18/9/2023, Bộ KH&ĐT đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến các cơ quan liên quan.

Trên cơ sở tiếp thu hợp lý các ý kiến tham gia, ngày 03/11/2023, Bộ KH&ĐT đã có Tờ trình số 9194/TTr-BKHĐT trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng.

‘Hội nghị HĐĐPV ngày hôm nay là bước tiếp theo rất quan trọng và hết sức cần thiết để cơ quan lập quy hoạch tiếp tục lắng nghe ý kiến tham gia và sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng; đồng thời, tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong phát triển thời gian vừa qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới…” - Tư lệnh ngành KH&ĐT nhấn mạnh.

Quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.

Thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng TDMNPB

Quy hoạch vùng TDMNPB đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, có thể tóm gọn thành 6 nội dung cần xin ý kiến:

(1) Về quan điểm, mục tiêu phát triển và các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết;

(2) Cho ý kiến về định hướng tổ chức không gian phát triển gồm 4 tiểu vùng – 6 hành lang kinh tế (4 hành lang chính, 2 hành lang phụ) - 3 vành đai kinh tế và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng;

(3) Cho ý kiến đối với việc xác định chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng; giải quyết các xung đột, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh;

(4) Cho ý kiến đối với việc xác định chiến lược vùng để bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực;

(5) Việc xác định nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng; phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp;

(6) Tập trung giải quyết vấn đề về kết cấu hạ tầng của vùng tương xứng với yêu cầu phát triển để thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, liên kết quốc tế và một số các vấn đề khác như: Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, danh mục dự án liên kết vùng ưu tiên đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng để thúc đẩy hợp tác phát triển vùng có hiệu quả…

Thanh Thanh