Quán quân cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh từng thất bại gần 40 lần, có thể chơi đàn Tính, biết hát Then

Nguyễn Viết Hà Đức, 21 tuổi, là sinh viên năm cuối ngành Kinh tế đối ngoại, chương trình tiên tiến, trường Đại học Ngoại thương.

Hà Đức - chàng sinh viên mê thi giải business case.

Cậu là quán quân cuộc thi Rocket to Business Development 2022 được tổ chức bởi trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trước khi giành vị trí cao nhất, Đức từng thất bại 35 lần và thêm 4 lần đạt vị trí Á quân, Quý quân từ các cuộc thi giải business case lớn, nhỏ.

Cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh (thi business case, thi giải case) là hoạt động mà nhiều sinh viên ngành kinh tế, kinh doanh mong muốn được thử sức. Thông qua các tình huống, sinh viên được thử sức giải quyết các vấn đề kinh doanh mà một doanh nghiệp có thể mắc phải.

Được rèn luyện kỹ năng bởi những tình huống thực chiến, môi trường để kết nối với các tiền bối, cơ hội trúng tuyển thẳng tập đoàn lớn và nhiều lợi ích lớn, nhỏ khác chính là động lực khiến nhiều sinh viên đam mê các cuộc thi business case.

Đội thi của Hà Đức và các bạn tại một cuộc thi business case.

Do tính chất cạnh tranh của các cuộc thi business case, việc lọt top tại các cuộc thi này là một điểm cộng lớn, giúp hồ sơ của sinh viên trở nên nổi bật, ấn tượng hơn với các đơn vị tuyển dụng.

Đang là sinh viên năm cuối nhưng Đức đã có kinh nghiệm thực tập ở ba doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực giao hàng và thương mại điện tử. Trong thời gian đó, cậu còn xuất sắc đạt vị trí dẫn đầu ở những hạng mục được phụ trách.

Hà Đức (áo đen, giữa) và đồng nghiệp trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp nước ngoài.

Chia sẻ với phóng viên chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, cậu cho biết từng là học sinh lớp chuyên Lý của trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đức không ngờ việc “quay xe” chọn học ngành kinh tế lại mang đến những thành tích mà cậu chưa bao giờ mơ tới.

“Mình là người con của dân tộc Tày, có thể chơi đàn Tính, biết hát Then – hai loại hình âm nhạc đặc trưng của dân tộc mình và từng không ít lần biểu diễn trên sân khấu. Mình cũng rất yêu thích được chia sẻ, được truyền cảm hứng cho các bạn trẻ”, cậu cho hay.

Thể hiện tài năng ca hát trên sân khấu.

Hà Đức (ngoài cùng bên trái) và gia đình.

Trong khoảng thời gian cách ly xã hội vì dịch COVID-19, Đức vô tình đọc được một bài viết của người anh khóa trên về trải nghiệm đi thi business case. Kèm với đó là hình ảnh và video lên sân khấu nhận giải thưởng mà cậu nghĩ trông nó “rất ngầu”. Cậu bắt đầu tìm hiểu về thi business case cũng bởi suy nghĩ một ngày sẽ đạt được thành tích như vậy.

Thế nhưng càng tìm hiểu, cậu càng bị cuốn vào việc giải case vì những lợi ích mà nó mang lại. Theo Đức, cậu nhận được 5 lợi ích lớn nhất từ việc học tập và trải nghiệm các cuộc thi business case: tinh thần, kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm và mối quan hệ.

Các cuộc thi business case đều có độ khó và độ cạnh tranh cực kì cao, khiến tỷ lệ thất bại từ vòng đầu tiên là 80%. “Mình phải rèn luyện tinh thần không sợ thất bại và bền bỉ theo đuổi mục tiêu”, Đức kết luận.

Khi tham gia các cuộc thi giải case, cậu có cơ hội trau dồi rất nhiều kĩ năng. Trong đó có hai nhóm kỹ năng chính: Kỹ năng khái niệm (conceptual skill): phản biện, giải quyết vấn đề, và Kĩ năng con người (human skill): giao tiếp, làm việc nhóm,… Đây cũng là môi trường để cậu kết nối với những người bạn, anh, chị không chỉ tài giỏi mà còn chung chí hướng phát triển sự nghiệp.

Trong suốt hàng chục cuộc thi giải business case từng thử sức, kỷ niệm đáng nhớ và để lại nhiều bài học với Đức là khi cậu cùng đồng đội vô địch Rocket to Business Development 2022. Bởi đó là lần đầu tiên mà cậu đạt giải sau chuỗi 15 cuộc thi liên tiếp “ trắng tay”.

Hà Đức (giữa) và đồng đội nhận giải Quán quân RBD 2022.

Với Đức, vị trí quán quân ấy đã dạy cho cậu hai bài học. Bài học thứ nhất, phải luôn bền bỉ theo đuổi mục tiêu và không sợ thất bại. Bài học thứ hai, phải luôn khiêm tốn, không được để bản thân thoải mái sau khi đạt được thành công nhỏ, mà phải tiếp tục rèn luyện để chinh phục những thành công lớn hơn.

Hiện cậu là người sáng lập và quản lý dự án Thích Giải Cây, tên gọi theo chơi chữ của từ “giải case”. Cậu thành lập Thích Giải Cây bởi thấy trên thị trường chưa có một cộng đồng nào dành riêng cho các bạn mới (newbie), chưa có kinh nghiệm với thi giải business case.

Dự án nhằm mong muốn mang đến cho các học sinh THPT và sinh viên năm 1, năm 2 môi trường được làm quen và trải nghiệm thi giải business case. Nhiều buổi thảo luận chuyên đề miễn phí với sự tham gia của các anh, chị kỳ cựu trong ngành đã được tổ chức. Một nhóm cộng đồng cũng được tạo lập trên mạng xã hội để các bạn newbie được thỏa sức trao đổi và giải đáp thắc mắc.

Chia sẻ kiến thức Marketing cho các học sinh THPT.

“Mình luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và truyền động lực cho các bạn newbie. Bởi mình nhìn thấy hình ảnh chính mình trong quá khứ từ các bạn”, Đức cho hay.

Từ trải nghiệm cá nhân, cậu nhận thấy khi mới bắt đầu thử sức thi giải case, các bạn mới có thể cảm thấy mông lung, không biết bắt đầu từ đâu hoặc nản chí, nghi ngờ bản thân sau khi thất bại nhiều lần.

Cậu đưa ra lời khuyên: “Các bạn mới nên tìm những những người hướng dẫn (mentor) để học hỏi kinh nghiệm. Khi thất bại quá nhiều và có tâm lý sợ đi thi, các bạn nên có thái độ tích cực hơn.

Mỗi lần thất bại, cả đội hãy ngồi lại với nhau để rút ra bài học từ những thất bại đó. Mình tin rằng nếu các bạn vượt qua được hai khó khăn này thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả xứng đáng”.

Đức cũng gợi ý, các bạn trẻ cần chuẩn bị đầy đủ thái độ, kiến thức và kĩ năng nếu muốn thử sức với các cuộc thi giải case. Các vòng thi thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, trong khi phải giải quyết khối lượng công việc khổng lồ. Vì vậy, một thái độ quyết tâm và “máu lửa” sẽ giúp cho bạn và đồng đội chinh phục được mọi thử thách.

Diễn giả sự kiện TEDx FTU tại trường Đại học Ngoại thương.

Ngoài ra, cũng cần trang bị nền tảng kiến thức về kinh doanh với khái niệm như: thị trường, các phòng, ban… để giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Cuối cùng, cần rèn luyện các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm hiệu quả, thuyết trình ấn tượng... để tránh gặp khó khăn trong quá trình làm bài và trình bày ý tưởng cho ban giám khảo.

Để có thể tự tìm hiểu, tự học về các cuộc thi business case, cậu gợi ý các bạn newbie có thể tham gia các cộng đồng như Thích Giải Cây; tìm đọc tài liệu các câu lạc bộ kinh tế, kinh doanh của trường đại học danh tiếng tại Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, có nhiều chương trình phát thanh (podcast) về các chủ đề tài chính, kinh doanh, marketing mà các bạn có thể tham khảo như Vietnam Marketing, Young Marketers Podcast,...

“Chăm chỉ tích lũy kiến thức từ các nguồn này hàng ngày, mình tin chắc các bạn sẽ đạt được mục tiêu mong muốn sau 1-2 năm. Cùng đừng quên chuẩn bị tinh thần kiên trì và không sợ thất bại khi tham gia các cuộc thi business case”, Đức khẳng định.

Trịnh Vũ Lam Trang