Quan hệ truyền thống tốt đẹp, tin cậy là cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Hungary

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Viktor Orbán cho rằng, trong những năm qua nền kinh tế Việt Nam phát triển rất mạnh, xuất siêu lớn, vốn đang được đổ vào nền kinh tế Việt Nam nên quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Cùng với đó, Việt Nam nằm ở khu vực châu Á rất năng động, có tốc độ phát triển rất nhanh. Do đó, Hungary muốn mời các doanh nghiệp mạnh của Việt Nam đầu tư sang Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đánh giá, giá trị thực sự của cuộc gặp mặt giữa hai thủ tướng đã vượt qua tầm của hợp tác kinh tế, vì giúp hai nước thêm hiểu nhau, thắt chặt tình đoàn kết. Hungary và Việt Nam có điểm chung là luôn tự hào về dân tộc mình, luôn có ý thức bảo vệ độc lập, tự chủ. Cả Hungary và Việt Nam đều hiểu rõ giá trị của hòa bình, muốn phát triển thì phải có hòa bình, vì thế quyết tâm ủng hộ giữ vững môi trường hòa bình, kiến tạo hòa bình, không có chính sách phiêu lưu nào để tạo ra rủi ro chiến tranh. Tại Hungary đang có nhiều sinh viên Việt Nam đang học tập, đây sẽ là các đại sứ để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary.

Mối quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ truyền thống, lâu dài, bền vững, ổn định. Điều này giúp loại trừ các rủi ro chính trị khi doanh nghiệp hai nước đầu tư vào thị trường của nhau.

Theo Thủ tướng Viktor Orbán, Hungary là nước có nền kinh tế ổn định ở châu Âu. Người Hungary đã đóng góp rất nhiều phát minh quan trọng cho thế giới. Có thể quy mô của nền kinh tế Hungary không bằng Việt Nam nhưng Hungary có rất nhiều công nghệ tốt, nhiều sáng chế có giá trị. Năm 2023 có 2 giải Nobel về vật lý và sinh học của người Hungary. Hungary đang đẩy mạnh số hóa hành chính và nền kinh tế tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Viktor Orbán cho rằng, để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước, sắp tới nên có đường bay thẳng Hungary và Việt Nam để giảm trở ngại về khoảng cách địa lý.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng ạm Minh Chính cho rằng, quan hệ truyền thống rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Hungary tạo thuận lợi rất lớn cho việc hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước. Điều này cũng được thể hiện qua các cuộc gặp gỡ rất ấm cúng, tin cậy giữa lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hungary.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam trải qua nhiều năm tháng kháng chiến chống phát xít, thực dân, đế quốc và bị bao vây cấm vận ảnh hưởng lớn tới việc phát triển kinh tế. Việt Nam đã lấy nội lực là chính, kết hợp với ngoại lực, để đi lên, để xây dựng nền kinh tế được như ngày nay. Cho đến năm 2023, Việt Nam có tổng GDP đạt khoảng 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.284 USD. Tuy kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn giữ được ổn định, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 3,25%, xuất siêu 28 tỷ USD. Nền kinh tế Việt Nam thu đủ chi, thậm chí tăng thu, năng lượng đủ cho nền kinh tế. Sản xuất lương thực không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu gạo. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát tốt, tỷ giá đồng tiền được giữ ổn định, đồng tiền không mất giá so với các nước trên thế giới. Điều này rất quan trọng đối với các nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược: Thứ nhất là, đột phá từ thể chế, tạo ra những cơ chế, thể chế thông thoáng, có những chính sách đột phá cho một số lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thứ hai là đột phá về kết cấu hạ tầng chiến lược như hạ tầng giao thông, y tế, năng lượng. Thứ ba là đột phá về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực tại Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu của việc chuyển đổi nền kinh tế và yêu cầu của nhà đầu tư. Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư cùng với việc quan tâm tới các lĩnh vực động lực như xuất khẩu, tiêu dùng, cần tập trung vào các động lực mới tại Việt Nam như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo. Việt Nam có nhu cầu đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, ví dụ như nhân lực hoạt động trên lĩnh vực sản xuất chip điện tử.

Việt Nam xây dựng một số chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên, tuân thủ cam kết quốc tế. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán nhiều FTA mới. Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đang sắp đạt được là cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Hungary. Quan điểm của Việt Nam là hài hòa lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư, lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có các chính sách để bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Việt Nam là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới.

Thủ tướng hy vọng trong thời gian tới doanh nghiệp hai nước sẽ hợp tác hiệu quả, thúc đẩy kinh tế hai nước phát triển, mang lại lợi tích ấm no cho người dân hai nước.

* Chiều 19-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại Đại học Hành chính công quốc gia Hungary. Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hungary.

HỒ QUANG PHƯƠNG (Từ thủ đô Budapest, Hungary)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.